CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Hội thảo về phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội trong bối ...

Thứ Bảy, 14/09/2024 | 21:53:50 GMT+7

Hội thảo về phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội trong bối cảnh Covid-19

28/04/2022 | 1471 lượt xem | Bích Phượng

Ngày 01 tháng 4 năm 2022, tại Thành phố Cần Thơ, Ủy ban Xã hội đã tổ chức Hội thảo hội lấy ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Tham dự hội thảo có các đại biểu đến từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế; Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các đại biểu của Ủy ban Xã hội của Quốc hội.  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đồng chủ trì Hội thảo.

 
PGS.TS Phạm Đức Mạnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS báo cáo tại Hội thảo
Theo thống kê của Bộ Công an, hiện cả nước có 246.648 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó số người đang sinh sống tại cộng đồng chiếm trên 67,5%, trong cơ sở cai nghiện là 13,5% và số đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng của ngành Công an chiếm 19%. Tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến, trong đó tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 70 - 80%, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung và miền Nam tỷ lệ này lên đến 80 - 95%. Đến cuối năm 2021, cả nước có 6 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập và được cấp giấy phép hoạt động cai nghiện theo quy định, có 13 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các đối tượng gia tăng sử dụng các thiết bị thông minh kết nối Internet, sử dụng các trang mạng xã hội để mua bán, trao đổi ma túy, cần sa, chất gây ảo giác với các hình thức phổ biến như tạo các tài khoản ẩn danh hoặc lập các hội nhóm trên mạng xã hội để quảng cáo, đăng tin công khai rao bán cần sa, bóng cười, cỏ mỹ, rượu thuốc phiện… Riêng với các loại ma túy tổng hợp, ma túy đá, thuốc phiện, các đối tượng thường lập ra hội nhóm kín bí mật, hạn chế số lượng thành viên để trao đổi thông tin, giao dịch, mua bán, sử dụng nền tảng thương mại điện tử để trao đổi, mua bán tiền chất ma túy và ngụy trang, qua mắt sự kiểm duyệt của các trang thương mại điện tử bằng các bài đăng mua bán các loại thuốc, loại bánh thông thường. Tội phạm ma túy sử dụng các trang mạng, diễn đàn ngầm để buôn bán ma túy, liên lạc hoàn toàn qua các ứng dụng nhắn tin trên internet, vận chuyện hàng qua dịch vụ trung gian vận chuyển, chuyển phát nhanh, xe ôm công nghệ mà không lộ diện trong quá trình giao dịch mua bán. 
Về tình hình thực hiện phòng, chống HIV/AIDS,  thống kê cho thấy, toàn quốc hiện có khoảng 242.000 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó năm 2021 phát hiện mới 13.223 người; số người nhiễm HIV tử vong là 110.990 người. Tỷ lệ mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ, đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, các cơ quan phòng chống HIV đã xây dựng các văn bản hướng dẫn tạm thời, điều phối cấp thuốc cho bệnh nhân đối với các cơ sở y tế bị phong tỏa, thành lập các nhóm kỹ thuật hỗ trợ trực tuyến. Công tác điều trị ARV tiếp tục được mở rộng, chất lượng điều trị rất tốt. Hiện có hơn 163.000 bệnh nhân đang được điều trị ARV, phác đồ điều trị liên tục được cập nhật, các đơn vị mở rộng điều trị trong ngày, cấp phát thuốc nhiều tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhân trong bối cảnh dịch bệnh diến biến phức tạp.
Từ thực tế nêu trên, các đại biểu tham dự Hội thảo đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng tiếpn tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm an ninh không gian mạng, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao phù hợp với tình hình thực tiễn. 

 
Toàn cảnh Hội thảo

Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết chung về công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm để tăng cường công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, bố trí nguồn lực cho công tác phòng, chống mại dâm trong thời gian tới; xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dự án Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm. 
Thay mặt Ban tổ chức, bà Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội ghi nhận các ý kiến và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để có chính sách thích hợp với các cơ sở điều trị ma tuý ngoài công lập; có giải pháp quản lý người sau cai nghiện gắn với đào tạo giải quyết việc làm để công tác phòng, chống tệ nạn xã hội hiệu quả hơn.