Ngày 19/5, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức họp xin ý kiến góp ý cho Thông tư Quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế.
Đây là dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 28/2017/TT-BYT ngày 28/6/2017 quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn Quỹ KCB BHYT và Thông tư số 08/2018/TT-BYT ngày 08/4/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 28/2017/TT-BYT.
Cuộc họp do PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chủ trì với sự tham dự của đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế: Cục Quản lý Dược, Vụ Pháp chế, Vụ Bảo hiểm y tế, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia…cùng đại diện các Phòng thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
Dự thảo Thông tư đã được gửi xin ý kiến góp ý của 63 tỉnh/thành phố và các Bộ, Ngành. Có 42 tỉnh/thành phố và đơn vị nhất trí với Dự thảo gồm 12 Sở Y tế, 29 Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố/Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh,thành phố và 01 cơ sở điều trị HIV/AIDS. Ngoài ra, có 23 đơn vị đã gửi ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư.
Thay mặt nhóm soạn thảo, TS. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS trình bày một số sửa đổi trong Dự thảo Thông tư, với một số nội dung chính như sau:
Lập kế hoạch nhu cầu sử dụng thuốc kháng HIV: có xây dựng danh mục thuốc đấu thầu và nhóm thuốc, quy định thẩm quyền phê duyệt danh mục thuốc và nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật thuốc đấu thầu; quy định trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị: cơ sở y tế, cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS có trách nhiệm thẩm định kế hoạch sử dụng thuốc ARV nguồn BHYT của đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh/thành phố.
Quản lý và sử dụng: quy định các trách nhiệm về điều tiết thuốc và phân cấp trách nhiệm điều tiết cho cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh: tại tỉnh, ngoài khả năng điều tiết tại tỉnh, các cơ sở có nhu cầu sử dụng chưa có trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc.
Tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí thuốc kháng HIV: với cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở y tế thì Bảo hiểm xã hội giảm trừ phần kinh phí phần cùng chi trả thuốc kháng HIV trong kinh phí khám chữa bệnh hàng quý của cơ sở y tế, còn cơ sở y tế tổng hợp phần kinh phí cùng chi trả thuốc kháng HIV bị giảm trừ để thanh toán với cơ quan chuyên trách phòng, chống AIDS và các chương trình dự án. Cơ sở y tế và cơ quan chuyên trách phòng, chống AIDS: cơ sở y tế tổng hợp phần kinh phí cùng chi trả thuốc kháng HIV bị giảm trừ để thanh toán với cơ quan chuyên trách phòng, chống AIDS và các chương trình dự án.
Thanh toán kinh phí phần cùng chi trả thuốc kháng HIV: Kinh phí phần cùng chi trả thuốc ARV phân cấp cho Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo và Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV; tại các tỉnh, thành phố giao phần kinh phí cùng chi trả thuốc kháng HIV cho cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS quản lý; thanh toán kinh phí phần cùng chi trả của các cơ sở y tế thuộc bộ, ngành và trung ương quản lý và từ các tỉnh khác.
Về tổ chức thực hiện: Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ đôn đốc cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thông báo chi phí cùng chi trả thuốc kháng HIV của các cơ sở trên địa bàn; đơn vị ký hợp đồng sẽ chia sẻ thông tin về sử dụng và thanh toán chi phí thuốc kháng HIV của các cơ sở y tế; bảo hiểm xã hội các tỉnh/thành phố sẽ thông báo chi phí cùng chi trả thuốc kháng HIV trước 10/1 của Quý tiếp theo; Cục Phòng, chống HIDS sẽ phối hợp với đơn vị ký hợp đồng và đơn vị mua sắm giám sát tình hình thực hiện văn bản thỏa thuận khung, hợp đồng cung ứng, chất lượng dịch vụ cung ứng thuốc kháng HIV của nhà cung ứng.
Cuộc họp đã thu hút được sự quan tâm và nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các Vụ, Cục
Phát biểu kết luận cuộc họp, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long đề nghị: sau cuộc họp, tổ soạn thảo tiếp thu các ý kiến góp ý và chỉnh sửa lại Dự thảo Thông tư. Cuối tháng 5, họp xin ý kiến của Thứ trưởng và đến tháng 7/2020, Thông tư sẽ được trình ban hành.
HH