CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Họp nhóm kỹ thuật Hợp đồng xã hội trong phòng, chống ...

Thứ Tư, 25/12/2024 | 09:32:26 GMT+7

Họp nhóm kỹ thuật Hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS quý II năm 2021

16/06/2021 | 2121 lượt xem | MT

Ngày 14/6, tại Hà Nội, nhằm triển khai các hoạt động liên quan đến hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức họp nhóm kỹ thuật quý II năm 2021. 

Cuộc họp do PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chủ trì. Tham dự cuộc họp có có bà Marlyn, Giám đốc UNAIDS tại Việt Nam; Ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế; bà Nguyễn Hương, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính; bà Cait Unites, Phó Giám đốc chương trình y tế của USAID; ông Sjoerd Postma, Giám đốc Dự án LHSS cùng đại diện đến từ các tổ chức UNAIDS, USAID, LHSS và đại diện các Phòng thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS. 

Tại cuộc họp lần này, các đại biểu được ông Sjoerd Postma, Giám đốc Dự án LHSS chia sẻ kinh nghiệm triển khai hợp đồng xã hội tại một số quốc gia. Ông cho biết, qua khảo sát đánh giá chi tiết các mô hình hợp đồng xã hội cung cấp dịch vụ HIV tại các quốc gia: Indonesia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Ukraine; cũng như đánh giá chi tiết nội dung gói Dịch vụ HIV của 10 quốc gia: gồm 5 quốc gia trên và Barbados, Cộng hòa Dominica, Bosnia/Herzegovina, Moldova và Mexico; đồng thời đánh giá kinh nghiệm triển khai hợp đồng xã hội cho dịch vụ HIV của các quốc gia trên đây và Bulgaria, Afghanistan, Bangladesh, Nam Phi, Tanzania, Ghana và Surinam. Kết quả khảo sát cho thấy: Các dịch vụ HIV thực hiện qua hình thức Hợp đồng Xã hội gồm: Tiếp cận người nhiễm HIV và nhóm dân số chủ chốt (là những người có hành vi khiến họ có nguy cơ nhiễm HIV) để chia sẻ thông tin và tư vấn trực tiếp; Giới thiệu để kết nối các nhóm dân số chủ chốt (KP) có nguy cơ nhiễm HIV với các tổ chức xã hội và các nhân viên được đào tạo để thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV tại nhà hoặc tại cộng đồng; Phân phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su, chất bôi trơn và bơm kim tiêm để dự phòng HIV; Giáo dục đồng đẳng để giới thiệu người nghiện chích ma túy tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế như Methadone và Buprenorphine; Giới thiệu người nhiễm HIV tham gia điều trị thuốc kháng vi rút và cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ, bao gồm hỗ trợ tuân thủ điều trị; Hỗ trợ người nhiễm HIV đăng ký tham gia bảo hiểm y tế; Tư vấn và giới thiệu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP); Hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế và xã hội khác
Qua đó, có thể rút ra điều kiện cần thiết để thực hiện Hợp đồng xã hội gồm: Khung pháp lý: Quy định và thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực cộng đồng; Quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao tư cách pháp nhân cho các tổ chức xã hội dân sự; Ủy quyền và cho phép các cơ quan chính phủ ký hợp đồng với các tổ chức được thành lập hợp pháp. Đăng ký hoạt động cấp quốc gia cho các CSO trong lĩnh vực phòng chống HIV và lao. Điều phối hoạt động tại cấp trung ương và địa phương. Thiết lập các yêu cầu và quy trình thủ tục triển khai hợp đồng. Các nguồn lực cụ thể với các mục tiêu hợp đồng cụ thể (vd: dành cho các đối tượng KP cụ thể như tù nhân hoặc PWID). Quy trình có sự tham gia, mời thầu và cơ chế lựa chọn CSO tùy theo hợp đồng, phải minh bạch và phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia. Thiết lập các quy trình theo dõi, giám sát, thủ tục kế toán minh bạch cho hợp đồng. Xác định các chiến lược và các nhóm dân số hưởng lợi từ các hợp đồng này. Tăng cường đối thoại giữa các tổ chức cộng đồng và chính phủ để đẩy mạnh chiến lược triển khai hợp đồng xã hội.
Ông cũng đưa ra các tiêu chí cơ bản cho các mô hình mà Việt Nam có thể cân nhắc: Khung pháp lý; Cơ chế phê duyệt/công nhận CSO/CBO; Cơ chế hợp đồng; Tính toàn diện của gói dịch vụ; Phương pháp tính giá gói dịch vụ, bao gồm các định mức chi phí; Tỉ lệ nhiễm HIV (là cơ sở xác định gánh nặng bệnh tật); Các yếu tố chủ chốt ảnh hưởng đến tình hình dịch HIV.

Bên cạnh đó, Ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế chia sẻ về: Một số rào cản trong khung pháp lý để thực hiện hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam – Đề xuất lộ trình thực hiện”. Theo đó, với nhiều thuận lợi từ chủ trương chung như: chủ trương huy động toàn xã hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS, nhiều nước đã triển khai hoạt động này và hiện đang có nhiều nhà tài trợ ủng hộ Việt Nam cả về tài chính, kỹ thuật. 
Về lộ trình thực hiện, ông Hưng đề nghị: Thứ nhất, Xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện bao gồm các văn bản pháp lý và các tài liệu chuyên môn hướng dẫn tổ chức triển hoạt động sau: Tài hiệu hướng dẫn đăng ký tư cách pháp nhân; Tài liệu hướng dẫn quản lý nhân sự và tài chính; Tài liệu hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn lựa chọn nhóm cộng đồng, doanh nghiệp xã hội tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; Tài liệu hướng dẫn lập dự toán kinh phí ngân sách đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trong phòng, chống HIV/AIDS trên cơ sở quy  định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước. Thứ hai, Nâng cao năng lực cho các nhóm cộng đồng, doanh nghiệp xã hội tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS để chuẩn bị cho việc triển khai thí điểm thông qua đào tạo, tập huấn về: Đăng ký tư cách pháp nhân; Quản lý nhân sự và tài chính; Xây dựng hồ sơ tham dự thầu cung cấp dịch vụ công. Thứ ba, Tổ chức triển khai thí điểm để đánh giá hiệu quả và hoàn thiện mô hình: Xây dựng đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Tổ chức lựa chọn các nhóm cộng đồng, doanh nghiệp xã hội tham gia cung cấp dịch vụ theo hình thức đấu thầu. Thứ tư, tổ chức vận động chính sách: Tổ chức các buổi đối thoại chính sách với dự tham gia của lãnh đạo chính quyền trung ương, chính quyền địa phương và các tổ chức có liên quan để cung cấp thông tin về tính khả thi và hiệu quả của mô hình.


Bà Nguyễn Hương, Cục Quản lý giá - Bộ tài chính đã chia sẻ về cách xây dựng giá dịch vụ tìm ca dương tính HIV/AIDS và kết nối điều trị.  Trên cơ sở Quy định về quản lý giá của nhà nước; Căn cứ, phương pháp, cách định giá của nhà nước; Quy trình, các bước công việc thực hiện dịch vụ tìm ca; Các yếu tố chi phí thực hiện dịch vụ tìm ca và Chế độ, chính sách của nhà nước. Từ đó, bà chỉ ra các công việc cần thực hiện tìm ca mục tiêu dương tính HIV/AIDS và kết nối điều trị nhằm xác định hao phí các yếu tố chi phí trong các bước công việc tìm ca và các bước công việc trong quy trình tìm ca.


Cũng tại cuộc họp, Ths. Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV trình bày về Dự thảo Đề án thí điểm hợp đồng với các tổ chức xã hội cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo định hướng từ nguồn Ngân sách nhà nước. Theo Dự thảo,  Đề án sẽ chia thành 02 giai đoạn: giai đoạn thí điểm, tạo hành lang pháp lý và Giai đoạn Đánh giá các mô hình và xây dựng mới hoặc hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành khung pháp lý và hướng dẫn thực hiện hợp đồng xã hội.  

Đánh giá cao những chia sẻ của các nhóm chuyên gia tại cuộc họp, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị: Nhóm kỹ thuật cần khẩn trương xây dựng các gói dịch vụ cần thiết như: xét nghiệm, tìm ca và kết nối điều trị; tiếp cận, chuyển gửi, hỗ trợ duy trì điều trị PrEP; cấp phát vật dụng can thiệp giảm tác hại: bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn…; chăm sóc, hỗ trợ, điều trị người nhiễm HIV tại nhà. Nhóm kỹ thuật cũng cần tính giá các gói dịch vụ: đưa ra được định mức kỹ thuật, quy trình thực hiện, các điều kiện cần thiết trình Bộ Y tế phê duyệt; tính được giá dịch vụ và đưa ra được phương án thực hiện đơn giản nhất. Có cơ chế giám sát, đánh giá. Song song với thí điểm, có thể tiến hành đánh giá. Các gói thí điểm vừa phải, có đầu ra cụ thể, có thể đo lường, kiểm tra, giám sát được. Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ là đầu mối xây dựng kế hoạch tổng thể, phân công nhiệm vụ… gửi các đối tác góp ý, triển khai.

Cuộc họp đã thu hút được sự quan tâm cũng như rất nhiều các ý kiến góp ý của đại biểu tham dự.