Ngày 21/9, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với tổ chức PATH STEPS tổ chức họp nhóm kỹ thuật về tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Đây là cuộc họp nhóm kỹ thuật lần 2 được tổ chức nhằm rà soát chính sách và khung pháp lý hiện hành về các điều kiện và thủ tục cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan đến HIV tại Việt Nam đồng thời thảo luận và xác định những vướng mắc trong quá trình triển khai.
Tham dự cuộc họp có TS. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng; Ths. Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV – Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Ông Đỗ Trung Hưng – Phụ trách Vụ Pháp chế, Bộ Y tế; Ông Nguyễn Tử Hiếu – Phó Cục trưởng Cục cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế, Bộ Y tế; Ông Nguyễn Chu Huy, Phòng quản lý giá thuốc, Cục quản lý Dược, Bộ Y tế; Ông Hany Helmy, Phó Giám đốc Chương trình y tế USAID; Bà Trần Thị Thắm, Phó giám đốc Dự án PATH STEPS cùng đại diện đến từ các công ty, các doanh nghiệp xã hội tham gia cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Để đảm bảo nguồn lực tài chính nhằm kết thúc bệnh dịch AIDS vào năm 2030 trong bối cảnh nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, bên cạnh việc vận động, huy động nguồn ngân sách nhà nước từ trung ương và địa phương, nguồn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thì tự chủ các nguồn lực tài chính trong nước thông qua huy động các nguồn lực đầu tư và thế mạnh cung cấp dịch vụ của khu vực tư nhân cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là một ưu tiên. Đối với chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, khu vực tư nhân đã tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ, đóng góp đáng kể nguồn lực tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS thời gian vừa qua. Tổng kinh phí khu vực tư nhân cho Chương trình phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020 ước khoảng 258 tỷ đồng, chiếm 1,36% tổng chi cho HIV/AIDS.
Phát biểu tại cuộc họp, Ông Hany Helmy, Phó Giám đốc Chương trình y tế USAID cho biết: Các giải pháp tăng cường huy động các nguồn xã hội hóa từ người sử dụng dịch vụ, các cá nhân, tổ chức và khu vực tư nhân cần được triền khai và mở rộng nhằm duy trì cung cấp bền vững dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV. USAID cam kết sẽ luôn cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đồng hành cùng Cục Phòng, chống HIV/AIDS trong việc nâng cao năng lực, vai trò của khu vực tư nhân trong cung cấp hàng hóa, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. USAID Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác nhằm huy động nguồn đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn từ khu vực tư nhân.
Khu vực tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn hoạt động trong lĩnh vực chính thức và phi chính thức như các công ty đa quốc gia, các công ty trong và ngoài nước kinh doanh về dược phẩm, trang thiết bị y tế, trí tuệ nhân tạo, truyền thông xã hội. Các doanh nghiệp thương mại kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với mục đích tạo thu nhập và góp phần giúp tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp xã hội, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức cộng đồng. Một số khu vực tư nhân đang tham gia dưới hình thức kí hợp đồng với cơ sở y tế nhà nước và các dự án để tăng cường tính bền vững trong cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV. Các hàng hóa và dịch vụ của khu vực tư nhân tạo nên phương pháp tiếp cận thị trường tổng thể (TMA) nhằm đáp ứng các nhu cầu và sở thích đa dạng của cộng đồng đích và người sống chung với HIV, và từ đó có thể tăng tỷ lệ cộng đồng đích và người sống chung với HIV tham gia vào công tác phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị.
Tại cuộc họp, TS. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã cập nhật các nội dung trao đổi tại cuộc họp nhóm kỹ thuật lần thứ nhất, trong đó có tổng hợp các khó khăn vướng mắc, đề xuất của khối công ty, tập đoàn, khối doanh nghiệp xã hội, phòng khám tư và định hướng tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân trong triển khai các hoạt động. Nhóm kỹ thuật sẽ tham mưu tạo một kênh trao đổi thông tin chung kết nối giữa khu vực tư nhân. Thông qua dự án STEPS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tiến hành đánh giá khảo sát nhu cầu cung cấp dịch vụ đối với nhóm nguy cơ cao, nhóm cung cấp dịch vụ. Nhóm kỹ thuật sẽ định kỳ tổng hợp các khó khăn vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp và làm việc với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất trong quá trình phối hợp hoàn thiện khung chính sách liên quan. Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng sẽ xây dựng dữ liệu về năng lực và hoạt động của khu vực tư nhân bao gồm cả các công ty, tập đoàn và các doanh nghiệp xã hội.
Ông Hà Trường Giang, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã có những chia sẻ về khung pháp lý và chính sách liên quan đến cung cấp hàng hóa và dịch vụ HIV tại Việt Nam. Ông Giang cho biết: hiện tại Bộ Y tế đang phối hợp với các đơn vị liên quan để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2015; Bộ Y tế cũng đang xây dựng Luật về trang thiết bị y tế; Cục quản lý khám chữa bệnh đang là đầu mối xây dựng Nghị định thực hiện Luật khám chữa bệnh mới trong đó có quy định về điều kiện cấp phép hoạt động cho các cơ sở khám chữa bệnh. Như vậy, đây là cơ hội để Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổng hợp các đề xuất và phối hợp với Vụ pháp chế đưa vào đánh giá tác động, từ đó có căn cứ đề xuất các nội dung để hoàn thiện Khung pháp lý liên quan đến cung cấp hàng hóa và dịch liên quan đến HIV.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã có những thảo luận sôi nổi xoay quanh các nội dung: mở rộng dịch vụ tại phòng khám HIV, thủ tục tiếp nhận hàng hóa viện trợ trong lĩnh vực HIV và các nội dung đề xuất trong cuộc họp lần tới.
Ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế, Bộ Y tế
Ông Nguyễn Chu Huy, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế
Bà Trần Thị Thắm, Phó Giám đốc Dự án USAID/PATH STEPS
Đại diện Phòng khám tư nhân
Đại diện công ty tư nhân
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng, Phụ trách Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp. Đồng thời, Vụ Pháp chế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để tăng cường sự tham gia của khối tư nhân trong phòng, chống HIV/AIDS./.