CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Họp về lộ trình bền vững của các chương trình phòng chống ...

Chủ Nhật, 15/09/2024 | 17:03:57 GMT+7

Họp về lộ trình bền vững của các chương trình phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét do Quỹ toàn cầu tài trợ tại Việt Nam

19/03/2024 | 506 lượt xem

Ngày 19/3/2024, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức cuộc họp về lộ trình bền vững của các chương trình phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét do Quỹ toàn cầu tài trợ tại Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc họp

Tham dự cuộc họp có PGS.TS Phan Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng lãnh đạo các Phòng chuyên môn thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Ông Olivier Cavey, Quản lý Chương trình Quỹ Toàn cầu Việt Nam cùng các chuyên gia của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét; bà Lin Chun Liu – Giám đốc Điều phối chương trình PEPFAR Việt Nam. Tham dự hội thảo còn có sự tham gia của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS; Dự án Lao Quỹ Toàn cầu - Chương trình chống Lao Quốc gia – Bệnh viện Phổi Trung ương; Dự án Sốt rét Quỹ Toàn cầu - Viện Sốt rét - ký sinh trùng trung ương; đại diện Đại sứ quán Nhật Bản; Đại sứ quán Úc; Đại sứ quán Pháp; Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Cơ chế Điều phối Quốc gia Quỹ Toàn Cầu (CCM); Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ và các đối tác khác. 


 
Tại cuộc họp, Ông Olivier Cavey, Quản lý Chương trình Quỹ Toàn cầu Việt Nam trình bày Tổng quan về các cầu phần Quỹ toàn cầu (QTC) đang tài trợ và các vấn đề cần thảo luận trong bối cảnh chuyển đổi và lộ trình tài chính bền vững trong giai đoạn tới.
 

Bà Lin Chun Liu – Giám đốc Điều phối chương trình PEPFAR Việt Nam cho rằng khi Việt Nam đứng trước khó khăn về y tế cũng như về tài chính, Việt Nam cần tận dụng nguồn viện trợ từ nước ngoài một cách hợp lý và hiệu quả hơn.
 

TS. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Kế toán trưởng Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS trình bày về lộ trình tài chính bền vững cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. 
Từ năm 2013, khi Việt Nam ra khỏi nhóm quốc gia có thu nhập thấp, nguồn hỗ trợ quốc tế bắt đầu cắt giảm. Chính phủ Việt Nam xác định huy động nguồn tài chính trong nước là chiến lược để đảm bảo tính bền vững cho chương trình HIV/AIDS. Quyết định 1899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Kế hoạch đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020 được ban hành mở ra thời kỳ chuyển đổi cơ cấu tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Đứng trước chặng đường đảm bảo tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự chủ tài chính. Vẫn còn 7/63 tỉnh chưa phê duyệt được Kế hoạch đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS và 57% các tỉnh triển khai giải ngân thấp hơn so với dự toán được duyệt. 

 
TS. BS. Đỗ Thị Nhàn nêu những vướng mắc trong những bước đầu Việt Nam mở rộng điều trị, cung ứng thuốc cho bệnh nhân từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế trong 5 năm triển khai. 
 

TS. Nguyễn Thị Thúy Vân, Tổ chức y tế Thế giới đưa ra một số giải pháp trước tương lai nguồn viện trợ các nhà tài trợ cắt giảm. Việt Nam cần tập trung vào một số hoạt động có hiệu quả cao, độ bao phủ rộng để đảm bảo hoat động phòng, chống HIV/AIDS được bền vững. Các hoạt động đề xuất trong giai đoạn tới cần chú trọng toàn diện từ lĩnh vực can thiệp dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV đến nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS và loại bỏ các rào cản, đảm bảo quyền của các nhóm đối tượng được tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách thuận lợi, công bằng và hiệu quả. Đối với việc cung ứng thuốc ARV, WHO sẽ có giải pháp hỗ trợ Việt Nam để có thể mua được thuốc ARV với giá tốt và sớm hơn.

Ông Phạm Nguyên Hà, Phó Giám đốc Dự án VUSTA trình bày về sự tham gia của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS. Để chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, sự tham gia của cộng đồng cần phải được lồng ghép vào trong các kế hoạch của chương trình quốc gia từ khâu lập kế hoạch, xây dựng ngân sách, triển khai, theo dõi và giám sát. Thêm vào đó, cần triển khai các hoạt động đã đề ra trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030: “Tạo môi trường chính sách và cơ chế tài chính thuận lợi cho các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, gồm cả từ ngân sách nhà nước”; Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội, vận động để các tổ chức xã hội tham gia có hiệu quả trong cung cấp các dịch vụ trong phòng, chống HIV/AIDS. 
Tại cuộc họp, các chuyên gia từ Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét thảo luận một số vấn đề cũng như những hoạt động ưu tiên triển khai trong giai đoạn tới.
Buổi chiều, tại Bộ Y tế, Cục trưởng Phan Thị Thu Hương, đoàn chuyên gia Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét và các Vụ thuộc Bộ có buổi làm việc với Bộ trưởng Đào Hồng Lan về những khó khăn trong triển khai thực hiện và kiện toàn CCM-Việt Nam.

Từ năm 2002, Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét được thành lập được thành lập theo đề nghị của Liên Hợp quốc với nguồn vốn do các quốc gia tài trợ để hỗ trợ các nước trên toàn cầu nhằm mục tiêu chấm dứt ba bệnh HIV/AIDS, lao và sốt rét. Hiện nay, Qũy Toàn cầu là một trong những nguồn tài chính đáng kể và ổn định cho các nước đang phát triển trong việc hạn chế ảnh hưởng gây ra do AIDS, Lao và sốt rét, góp phần xóa đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ do Liên Hợp quốc đề ra, trong đó có Việt Nam.