CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Hướng dẫn tạm thời triển khai điều trị dự phòng trước phơi ...

Thứ Năm, 25/04/2024 | 03:18:29 GMT+7

Hướng dẫn tạm thời triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho sinh viên, học sinh

30/04/2022 | 958 lượt xem | Bích Phượng

Nhằm tăng cường tiếp cận khách hàng trẻ có nguy cơ cao nhiễm HIV để cung cấp dịch vụ PrEP, Cục Phòng, chống HIV/AIDS ban hành Hướng dẫn tạm thời triển khai PrEP cho sinh viên, học sinh.

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) là một trong những can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả hiện nay. Tại Việt Nam, điều trị PrEP được triển khai từ năm 2017 ngay sau khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Việt Nam bắt đầu triển khai PrEP từ năm 2017, đến nay có gần 38.000 khách hàng đang sử dụng dịch vụ PrEP. Trong đó, tỷ lệ người trẻ tuổi sử dụng dịch vụ PrEP đang có xu hướng gia tăng. Theo đó, tỷ lệ người đang sử dụng dịch vụ PrEP chủ yếu ở lứa tuổi trẻ, lứa tuổi từ 15-29 chiếm 64%. 
Kết quả giám sát và các báo cáo không chính thức, số người có nhu cầu sử dụng dịch vụ PrEP là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng đang có xu hướng gia tăng. Đây là nhóm có độ tuổi trẻ, chưa có thu nhập ổn định, sống xa gia đình. Đây cũng là thời điểm nhiều sinh viên bộc lộ xu hướng tính dục và cởi mở hơn trong đời sống tình dục, nhưng lại thiếu kiến thức và kỹ năng thực hành tình dục an toàn. Mặt khác, các trường hợp có quan hệ tình dục đồng giới thì tự kỳ thị hoặc bị kỳ thị nên không sẵn sàng chia sẻ và chưa tiếp cận các dịch vụ y tế phù hợp. Các đặc điểm này dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV nếu không có các định hướng, can thiệp kịp thời.
Hiện nay, các văn bản hướng dẫn triển khai PrEP của Bộ Y tế tập trung chủ yếu vào quy trình cung cấp dịch vụ, các hoạt động truyền thông tạo cầu nói chung, chưa có hướng dẫn cụ thể cho nhóm đối tượng đặc thù là sinh viên, học sinh. Tình trạng này dẫn đến các hoạt động triển khai PrEP cho sinh viên trong các trường đại học hiện đang được triển khai tự phát, chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế. Điều này đòi hỏi cần thiết có hướng dẫn cụ thể về việc cung cấp PrEP cho sinh viên, học sinh trong các trường đại học, cao đẳng.
Do vậy Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã có hướng dẫn Hướng dẫn tạm thời triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) cho sinh viên, học sinh.
 
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS tại một sự kiện triển khai PrEP lưu động.
Theo hướng dẫn này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cần khảo sát nhu cầu, tính khả thi trong triển khai điều trị PrEP cho sinh viên trên địa bàn tỉnh/thành phố. Xây dựng kế hoạch triển khai cũng như tổ chức hội thảo đồng thuận, tập huấn cho các cơ sở cung cấp dịch vụ. Xác định các cơ sở, địa điểm chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ PrEP cho sinh viên. Lựa chọn cách thức thực hiện tạo cầu và tiếp cận sinh viên. Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động truyền thông tạo cầu với PrEP cho sinh viên, cách thức tiếp cận sinh viên có nhu cầu, giới thiệu, kết nối với dịch vụ tư vấn, sàng lọc nguy cơ nhiễm HIV, STIs, xét nghiệm HIV, mô hình cung cấp dịch vụ PrEP cho sinh viên. Xây dựng các thông điệp truyền thông để thu hút khách hàng MSM là sinh viên trên cơ sở bổ sung các thông điệp truyền thông về dịch vụ PrEP nói chung tại cơ sở y tế trên các trang các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các ứng dụng hẹn hò, fanpage. Cung cấp các mô hình điều trị PrEP đa dạng, phù hợp như mô hình cố định tại cơ sở y tế, mô hình lưu động gần các tụ điểm trường đại học, ký túc xá, mô hình khám bệnh từ xa. Các quy trình triển khai và quy trình chuyên môn cung cấp dịch vụ PrEP theo Hướng dẫn của Bộ Y tế ban hành. 
Hướng dẫn này cũng đã quy định trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị bao gồm Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố; Cơ sở y tế cung cấp dịch vụ và các nhà tài trợ; Các nhóm cộng đồng và các tổ chức, dự án quốc tế.
PrEP là sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV. Hiệu quả của PrEP trong dự phòng lây nhiễm HIV đạt hơn 90%
Các thử nghiệm về PrEP đã diễn ra ở châu Phi, châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Hiệu quả của thuốc đã được ghi nhận sau những thử nghiệm lâm sàng trên nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ, người dị tính và cả những người tiêm chích ma túy. Tuy nhiên, để PrEP có thể phát huy được tối đa hiệu quả, người dùng phải tuân thủ việc uống thuốc mỗi ngày và đúng giờ.