CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Khai mạc Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về ...

Thứ Tư, 17/04/2024 | 01:30:22 GMT+7

Khai mạc Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS

09/06/2021 | 1345 lượt xem

21h00 ngày 08/6/2021 (theo giờ Việt Nam), Phiên khai mạc toàn thể của Hội nghị cấp cao lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS chính thức bắt đầu.

Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng LHQ về HIV/AIDS được tổ chức 5 năm một lần, với sự tham gia của các nhà Lãnh đạo cấp cao các quốc gia thành viên, đại diện người nhiễm HIV/AIDS, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội - dân sự… Hội nghị được tổ chức nhằm khẳng định cam kết chính trị của các quốc gia thành viên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tổng kết thành tựu, tiến độ triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã thống nhất tại kỳ họp trước và thông qua kế hoạch hoạt động cho 5 năm tiếp theo.
Năm 2021, trong bối cảnh khủng hoảng do đại dịch COVID-19, Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS lần thứ 75 được tổ chức trong 03 ngày từ 8-10/6/2021 theo hình thức phối hợp trực tiếp tại Trụ sở LHQ tại New York, Hoa Kỳ và trực tuyến.

Hội nghị do Ngài Volkan Bozkir, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc chủ trì. Hội nghị còn có sự tham dự của Bà Amina J. Mohammed, Phó Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc; Bà Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS); Bà Yana Panfilova, phụ nữ sống với HIV, thành viên của Mạng lưới toàn cầu của người sống với HIV GNP+; Bà Charlize Theron, nhân vật tiêu biểu tích cực tham gia hoạt động ứng phó với HIV/AIDS, Đại sứ Hòa Bình của Liên Hợp Quốc, diễn viên và nhà sản xuất điện ảnh. Ngoài ra, Hội nghị có sự tham dự và phát biểu của 132 quốc gia thành viên LHQ, đại diện các nhóm nước, các khu vực và các tổ chức phi chính phủ (NGOs), trong đó có 23 nước cử đại diện ở cấp lãnh đạo chính phủ và 66 nước cử đại diện ở cấp bộ trưởng tham dự. Về phía đầu cầu Việt Nam, Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện các Bộ, Ban, ngành có liên quan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch ĐHĐ LHQ Volkan Bozkir, Phó Tổng Thư ký Amina J. Mohammed và Giám đốc điều hành UNAIDS Winnie Byanyima đánh giá cao sự tham gia tích cực của các quốc thành viên trong việc đối phó với dịch bệnh HIV/AIDS trong nhiều năm qua. Các ý kiến đánh giá “lạc quan thận trọng” về việc thế giới có thể đạt được mục tiêu đẩy lùi căn bệnh chết người này vào năm 2030. Chủ tịch ĐHĐ LHQ cho rằng AIDS là dịch bệnh của bất bình đẳng, nếu muốn đẩy lùi AIDS vào năm 2030 thì bắt buộc phải đầy lùi bất bình đẳng. Đây vừa là điều kiện, vừa là kết quả của việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030. 
Theo UNAIDS, tính đến năm 2020, thế giới có 37,6 triệu người đang sống chung với căn bệnh này, trong đó 27,4 triệu người đang được điều trị, gấp hơn 3 lần so với con số 7,8 triệu người được ghi nhận vào năm 2010. Trong một thập kỷ qua, số người tử vong do HIV/AIDS đã giảm 43% xuống còn 690.000 người vào năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ tỷ vong hàng đầu vẫn là phụ nữ tuổi từ 15- 49 tại khu vực châu Phi và những trường hợp mắc mới phần lớn là trẻ em gái tuổi từ 15-19. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 đang gây ra những tác động đáng lo ngại, nhất là đối với hệ thống y tế của những quốc gia có tỷ lệ mắc HIV/AIDS cao nhất khiến việc tiếp cận những dịch vụ liên quan đến căn bệnh này trở nên khó khăn hơn.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp.

Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng để đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030, thế giới “đã chạy nhanh rồi nhưng phải chạy nhanh hơn nữa”. Qua thực tiễn công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải đảm bảo nguồn lực, nhất là nguồn lực cho các nước đang phát triển, bảo đảm được chuỗi cung ứng các loại thuốc để chống loại virus này, cũng như các sản phẩm để người dân có thể tự xét nghiệm cho mình.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng phải nhanh chóng tìm ra phương pháp chữa khỏi cũng như phát triển được vắc-xin ngừa căn bệnh này. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại cam kết của Việt Nam cũng là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế, rằng để đạt được mục tiêu 90-90-90 (gồm 90 % người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp) và sắp tới đây là mục tiêu 95-95-95, thế giới cần nỗ lực 100-100-100 và hơn thế nữa.

Theo chương trình, trong hai ngày tiếp theo, Hội nghị sẽ diễn ra các phiên họp chuyên đề tập trung thảo luận với chuyên gia theo các chủ đề:
Thảo luận với chuyên gia theo chủ đề #1: Giải quyết các bất bình đẳng để kết thúc dịch AIDS: thập kỷ cuối trước mốc 2030 
Phiên thảo luận này tập trung vào các bất bình đẳng đã và đang khiến AIDS lan tràn, đặt ưu tiên vào những người còn chưa tiếp cận được các dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV toàn diện để kéo dài cuộc sống, thảo luận những việc cần làm để không người dân nào còn bị bỏ lại phía sau. Các chuyên gia sẽ thảo luận các vấn đề về khoa học, số liệu và bằng chứng, các thực hành tốt, công cụ chẩn đoán, các công nghệ mới và các hành động thiết yếu để thúc đẩy dự phòng và điều trị HIV, bao gồm cho những người đồng mắc HIV và Lao, cải thiện hoạt động chăm sóc và hỗ trợ cho trẻ em sống với HIV và AIDS ở trẻ em.
Phiên thảo luận cũng sẽ xem xét nhu cầu về đầu tư cho dự phòng HIV toàn diện và dựa trên quyền, tập trung vào các nhóm quần thể có nhu cầu lớn nhất. Các chuyên gia sẽ thảo luận về cách thúc đẩy một cách sáng tạo hoạt động xét nghiệm HIV, thực hiện các mục tiêu 95-95-95 về xét nghiệm và điều trị, cũng như mục tiêu 10-10-10 về tiếp cận công bằng, bao trùm và đáng tin cậy tới các loại thuốc, vật phẩm và công nghệ y tế có chất lượng tốt và giá hợp lý. Phiên thảo luận sẽ tập trung vào nỗ lực đưa đáp ứng với HIV trở lại đúng quỹ đạo để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 khi AIDS không còn là một mối đe dọa sức khỏe của người dân, trong khuôn khổ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Thảo luận với chuyên gia theo chủ đề #2: Đặt người dân và các cộng đồng ở trung tâm của đáp ứng với HIV và AIDS 
 Phiên thảo luận sẽ tập trung vào các cộng đồng của người sống với HIV và chịu ảnh hưởng bởi HIV – những người ở trung tâm của đáp ứng với HIV, tham gia và thúc đẩy quá trình quản trị, ra quyết định, giải trình trách nhiệm và giám sát hoạt động đáp ứng với HIV, tham gia xây dựng và thực hiện, cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV cho những người có nhu cầu lớn nhất.
Các chuyên gia sẽ thảo luận cơ hội và thách thức để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu toàn cầu và cam kết chính trị, cũng như những thay đổi chính sách cần thiết để hỗ trợ các đáp ứng do cộng đồng dẫn dắt, trong bối cảnh toàn thế giới đang hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, đặc biệt là trong bối cảnh COVID-19.
Phiên thảo luận sẽ đi sâu vào các đáp ứng do cộng đồng – bao gồm phụ nữ và các nhóm quần thể đích – dẫn dắt; những ưu tiên mới nổi lên từ đáp ứng của cộng đồng ứng phó với đại dịch COVID-19; tính bền vững và đầu tư thỏa đáng cho các chương trình dự phòng và hoạt động cung cấp dịch vụ phòng chống HIV do cộng đồng thực hiện, bao gồm cho  phụ nữ sống với HIV và phụ nữ thuộc các nhóm quần thể đích và nhóm người dễ tổn thương khác.
Thảo luận với chuyên gia theo chủ đề #3: Các nguồn lực và cung cấp tài chính cho đáp ứng hiệu quả với HIV và AIDS 
 Phiên thảo luận sẽ cân nhắc làm thế nào để đạt được mục tiêu cung cấp tài chính đầy đủ cho đáp ứng với HIV trong bối cảnh đầy thách thức chung về tài chính cho y tế và phát triển. Các chuyên gia sẽ phân tích cách thức để đầu tư đúng cho các can thiệp cần thiết nhất, cho những địa phương cần được can thiệp nhiều nhất, và cho những nhóm dân cần được can thiệp nhất, để đạt được các mục tieu toàn cầu mới, trong đó trọng tâm là Mục tiêu SDG3 (sức khỏe và cuộc sống tốt).
Phiên thảo luận cũng sẽ xem xét việc dùng đầu tư cho phòng chống HIV làm một phương tiện để đạt được tăng chi tiêu xã hội, thúc đẩy thực hiện Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) theo mô hình dựa trên quyền và lấy người dân làm trung tâm trong đáp ứng với HIV, và thúc đẩy đầu tư công cho các hệ thống phục vụ UHC. Ngoài ra, phiên thảo luận cũng sẽ tập trung làm rõ nhu cầu đầu tư cho các công cụ và yếu tố hỗ trợ về xã hội để có thể đảm bảo tính hiệu quả của chương trình, cũng như nhu cầu đầu tư cho công tác ứng phó với các tình huống khẩn cấp và các đại dịch. Các chuyên gia cũng sẽ thảo luận các vấn đề rộng hơn bao gồm giãn nợ, chính sách thuế, các dòng tài chính bất hợp pháp và giải quyết tình trạng thiếu bền vững và thiếu công bằng.
Thảo luận với chuyên gia theo chủ đề #4: Thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong đáp ứng với HIV và AIDS  
Phiên thảo luận này sẽ xem xét các cách thức để thực hiện quyền con người cho phụ nữ và trẻ em gái, và giải quyết các bất bình đẳng đang khiến dịch HIV tiếp tục lan tràn. Các chuyên gia sẽ phân tích các giải pháp nhằm giải quyết các bất bình đẳng trên cơ sở giới, bạo hành giới, và phân biệt đối xử dưới nhiều hình thức, trong khuôn khổ đáp ứng với HIV. Các chuyên gia cũng sẽ thảo luận việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, đặc biệt liên quan đến chăm sóc y tế, quyền và giáo dục bao gồm trong chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục; các quyền về kinh tế của phụ nữ và trẻ gái vị thành niên; vai trò của nam giới và trẻ em trai trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất. Giáo dục được nhìn nhận và sử dụng làm cánh cửa tiếp cận tới các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đồng thời với các nỗ lực nhằm giải quyết bạo lực giới và các chuẩn mực có hại về giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái và xây dựng mối liên kết quan trọng với Diễn đàn về Thế hệ Bình đẳng. 
Thảo luận với chuyên gia theo chủ đề #5: Giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 lên đáp ứng toàn cầu với HIV và phục hồi trở lại theo cách tốt đẹp hơn để sẵn sàng ứng phó với các đại dịch khác 
Phiên thảo luận sẽ xem xét làm thế nào để đáp ứng với HIV và COVID-19 có thể đóng góp xây dựng các hệ thống sẵn sàng ứng phó đa ngành bằng cách cung cấp các ví dụ cụ thể, thiết thực về các sáng kiến và thay đổi về chính sách và hệ thống đã được nhanh chóng đưa ra và triển khai trong bối cảnh COVID-19. Các chuyên gia sẽ phân tích và thảo luận làm cách nào để cải thiện khả năng chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch, bao gồm các hệ thống chăm sóc y tế, trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.  Các chuyên gia cũng sẽ xem xét làm thế nào để các sáng kiến và công nghệ có thể gỡ bỏ các nút thắt trong việc thực hiện mục tiêu SDG3, thông qua hạ tầng y tế số và các mô hình cung cấp dịch vụ năng động, đáp ứng các nhu cầu đa dạng. Phiên thảo luận sẽ phân tích tầm quan trọng của các đáp ứng do cộng đồng dẫn dắt trong việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân, đồng thời thảo luận về tầm quan trọng của việc duy trì tình đoàn kết trong và giữa các quốc gia nhằm bảo đảm tiếp cận công bằng đến các hỗ trợ về sức khỏe và kinh tế - xã hội.
Sau các thảo luận chung, phiên bế mạc sẽ diễn ra vào 4h sáng ngày 11/6 (theo giờ Việt Nam).