CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Khởi động chiến dịch “Không phát hiện = Không lây truyền” ...

Chủ Nhật, 24/11/2024 | 02:23:36 GMT+7

Khởi động chiến dịch “Không phát hiện = Không lây truyền” trên nhiều tình thành cả nước

18/06/2020 | 1234 lượt xem

Chiến dịch K=K - “Không phát hiện = Không lây truyền” đem lại nhiều ý nghĩa lớn trong cộng đồng người sống chung với HIV. Do đó, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã bắt tay khởi động chiến dịch.

Theo các bằng chứng khoa học, việc sử dụng thuốc kháng HIV để điều trị cho người nhiễm HIV còn có tác dụng dự phòng lây nhiễm HIV. Nói một cách đơn giản, khi điều trị cho người nhiễm HIV sẽ kiểm soát được tải lượng virus HIV trong máu của họ, từ đó sẽ làm giảm nguy cơ hoặc không làm lây nhiễm HIV sang người khác. Ngoài ra, thuốc ARV còn có tác dụng điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV.

Hiện đã có nhiều bằng chứng khoa học xác nhận rằng một người nhiễm HIV, được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) và khi đạt tải lượng vi rút ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục rất thấp từ không đáng kể đến không có nguy cơ. Không đáng kể ở đây được hiểu là: quá nhỏ bé hoặc không quan trọng, không đáng để xem xét hoặc không có ý nghĩa.
Tải lượng vi rút không phát hiện được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu. Điều này có ý nghĩa rằng, một người nhiễm HIV được điều trị ARV khi có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khoẻ cho người sống chung với HIV và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình.

Không phát hiện = Không lây truyền là thông điệp đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống chung với HIV tiến tới đạt được mục tiêu 90-90-95 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác).


Tại sự kiện K=K Vũng Tàu, PGS. TS. Phạm Đức Mạnh phát biểu: Bằng chứng khoa học trên thế giới gần đây đã chứng minh: Người nhiễm HIV có tải lượng Virus HIV trong máu dưới ngưỡng KHÔNG phát hiện thì KHÔNG có khả năng lây nhiễm HIV cho người khác qua đường tình dục. Gọi tắt là K=K. Đây là một phát hiện mới, rất quan trọng, là một cột mốc mới trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu. Mục tiêu của thế giới là phấn đấu để 90% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế. Ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế (1000 bản sao/ml máu) lên đến 95% và dưới ngưỡng phát hiện lên đến 92%. Điều này có nghĩa là 92% trong tổng số 140.000 bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV hiện nay ở Việt Nam không có khả năng lây nhiễm HIV cho người khác qua con đường tình dục. Việt Nam là một trong các nước đạt tỷ lệ này cao nhất thế giới hiện nay.

Tại chiến dịch Không phát hiện = Không lây truyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ông John Blandford, Giám đốc CDC tại Việt Nam một lần nữa khẳng định: “Những người sống chung với HIV đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) và đạt tải lượng vi rút ở mức không phát hiện được trong máu thì không có nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục”. Thông điệp K=K được xây dựng dựa trên các bằng chứng khoa học từ các nghiên cứu chứng minh rằng điều trị HIV đạt hiệu quả cao trong việc giảm lây truyền HIV. K=K đã được 859 tổ chức y tế và tổ chức cộng đồng tại hơn 97 quốc gia công nhận và ủng hộ.

Đại diện các tổ chức chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện K=K tại Bà Rịa - Vũng Tàu

1-10-dia-phuong.jpg

Cam kết của Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng trong chiến dịch phát động K=K

1-10-cuc.jpg

Chiến dịch K=K tại Bệnh viện Bạch Mai

Phương Hà