Phiên họp “Không lùi bước! Không đầu hàng! Sự cấp thiết của việc điều chỉnh tập trung đầu tư cho những nơi cần nguồn lực nhất trong đáp ứng với HIV toàn cầu” nằm trong Hội nghị Quốc tế về AIDS năm 2024 diễn ra tại Munich, Đức.
Phiên họp “Không lùi bước! Không đầu hàng! Sự cấp thiết của việc điều chỉnh tập trung đầu tư cho những nơi cần nguồn lực nhất trong đáp ứng với HIV toàn cầu” nằm trong Hội nghị Quốc tế về AIDS năm 2024 diễn ra tại Munich, Đức.
Phiên họp diễn ra trong ngày 26/7/2024 do TS. Lobna Gaayeb, Viện Pasteur các bệnh về ký sinh trùng khu vực Địa Trung Hải và Biển Đen và TS. Jirair Ratevosian, Điều phối viên AIDS toàn cầu tại Hoa Kỳ điều hành.
Khai mạc phiên họp, bà Christine Stegling, Phó Giám đốc điều hành Ban Chính sách, Vận động và Tri thức của Chương trình phát triển Liên hợp quốc về HIV/AIDS cho biết Sự lơ là và chủ quan với dịch HIV có thể dẫn đến sự tái bùng phát dịch. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gỡ bỏ các rào cản và đầu tư tài chính là việc làm cấp thiết để đối phó dịch HIV.
Bà Rebecca Bunnell, Phó Điều phối viên chính của Chương trình PEPFAR chia sẻ Năm hành động cần thiết để duy trì sự hỗ trợ của các nhà tài trợ: (1) Nắm bắt rõ tình hình dịch bệnh, (2) Đánh giá tác động của các biện pháp can thiệp, (3) Thúc đẩy công bằng, (4) Đảm bảo tính bền vững và (5) Tiến hành những hành động quyết liệt. Với những nơi chưa có đủ dữ liệu, bà khẳng định cần phải dựa vào các nghiên cứu khoa học, xây dựng bằng chứng để đánh giá hiệu quả và có chiến lược hành động để đạt được mục tiêu toàn cầu về chăm sóc HIV đến năm 2030. Bên cạnh đó, bà Rebecca cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng và nỗ lực của các Quốc gia trong việc xây dựng lộ trình bền vững khống chế dịch HIV và việc đặt yếu tố công bằng, bảo đảm quyền về sức khỏe cho mọi người dân làm trọng tâm của các chương trình.
Buổi họp tập trung vào việc thảo luận các vấn đề liên quan đến xây dựng lộ trình bền vững cho việc kiểm soát dịch HIV, hướng tới mục tiêu toàn cầu về chăm sóc HIV. Các diễn giả đã thảo luận về những lĩnh vực quan trọng cần đầu tư để đảm bảo đáp ứng hiệu quả và bền vững để khống chế dịch. Nội dung buổi họp bao gồm tổng quan về chiến lược toàn cầu trong việc ứng phó và kiểm soát đại dịch, báo cáo những kết quả đã đạt được, những dự đoán về các yếu tố cần thiết để duy trì sự bền vững. Các nhu cầu về cơ sở vật chất và nhân lực được đề cập, cùng với các biện pháp nâng cao khả năng ứng phó trước những gián đoạn do biến đổi khí hậu và bất ổn chính trị. Những yếu tố này có nguy cơ làm gián đoạn việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng HIV và điều trị ARV cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Phiên họp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tiến độ thực hiện các mục tiêu chăm sóc HIV toàn cầu, nhằm ngăn chặn sự tái bùng phát dịch HIV. Vai trò của các nhà tài trợ và Chính phủ các quốc gia được nhấn mạnh, với trọng tâm là nắm bắt tình hình dịch bệnh và đánh giá hiệu quả các biện pháp can thiệp. Các mô hình cấp quốc gia và sự hợp tác với khu vực tư nhân được xem là chiến lược quan trọng trong thời gian này.
Đại diện từ Cục Phòng chống HIV/AIDS
TS. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục, đã trình bày các kịch bản mô hình để chấm dứt dịch AIDS đến năm 2030, nhấn mạnh những biện pháp mang lại hiệu quả cao nhất. Việt Nam đang hợp tác với các khu vực tư nhân và tìm kiếm các nguồn lực mới để mở rộng các chương trình dự phòng HIV.
Buổi họp đã làm nổi bật những thách thức trong cuộc chiến toàn cầu trong phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là nhu cầu về các chiến lược tài trợ, sáng tạo các mô hình can thiệp và sự cam kết chính trị mạnh mẽ hơn. Những khoảng cách trong việc tiếp cận nhóm dân số dễ bị tổn thương và vai trò của các sáng kiến do cộng đồng dẫn dắt để khắc phục bất bình đẳng cũng được nhấn mạnh. Đồng thời, buổi họp chỉ ra những thách thức đối với Chính phủ trong việc đầu tư và tài trợ cho các chiến lược dự phòng lây nhiễm HIV, do vướng mắc về quy định và chính sách bảo hiểm xã hội. Các cuộc thảo luận khẳng định rằng cần có một cách tiếp cận bền vững và phối hợp, lồng ghép các dịch vụ HIV vào hệ thống y tế để đạt được hiệu quả cao hơn.
Để triển khai bền vững, TS. Dương Thúy Anh cũng chia sẻ 1 số giải pháp như: (1) Cam kêt chính trị: Tăng cường hơn nữa cam kết chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh/thành phố trực thuộc TW; đổi mới, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Ủy ban 50 đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.
(2) Truyền thông: Cần đặc biệt quan tâm đổi mới, tìm các giải pháp hiệu quả hơn, mở rộng và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS để nâng cao nhận thức, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS .
(3) Dự phòng: Tập trung cao để mở rộng nhanh diện bao phủ của các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV và giảm hại hiệu quả , đặc biệt là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone (MMT); đổi mới cách tiếp cận triển khai mở rộng bao cao su, bơm kim tiêm sạch đã triển khai nhiều năm; tập trung cao độ vào các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM trẻ và nhóm nghiện chích ma túy.
(4) Xét nghiệm: Đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV; mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao để phát hiện thêm các trường hợp nhiễm HIV trong cộng đồng .
(5) Điều trị: Tiếp tục mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị HIV/AIDS. Đổi mới và đa dạng các biện pháp để điều trị ARV cho người nhiễm HIV ngay sau khi được chẩn đoán xác định ; mở rộng điều trị HIV/AIDS tại các trại giam, trại tạm giam; huy động y tế tư nhân tham gia điều trị HIV/AIDS; lồng ghép điều trị HIV/AIDS vào hệ thống khám chữa bệnh chung; phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; tiếp tục duy trì chất lượng điều trị HIV/AIDS ở mức độ cao.
(6) Giám sát: Triển khai thu thập, tổng hợp số liệu để theo dõi, giám sát tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS để đánh giá hiệu quả các giải pháp can thiệp, phát hiện kịp thời những diễn biến bất thường về tình hình dịch và các yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV mới ở các nhóm nguy cơ cao để có giải pháp đáp ứng kịp thời.
(7) Tài chính: Triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng nhanh các nguồn tài chính trong nước, đặc biệt là nguồn quỹ BHYT cho điều trị HIV/AIDS, nguồn ngân sách các địa phương, đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS; sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ quốc tế trong quá trình chuyển giao.
(8) Tổ chức: Xây dựng và ổn định mô hình tổ chức TTKSBT TW, TTKSBT địa phương; có một đầu mối quản lý nhà nước và đầu mối chỉ đạo chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS đủ mạnh về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và nhân lực để điều hành, chỉ đạo toàn diện, huy động và điều phối nguồn lực, ít nhất cho đến khi dịch bệnh AIDS được tuyên bố đã chấm dứt tại Việt Nam. Lồng ghép và phân cấp tối đa việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở các tuyến.
(9) Nhân lực: Bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là nhân lực chuyên môn có chất lượng ở các địa phương; triển khai hỗ trợ kỹ thuật để giúp các địa phương tăng cường năng lực phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tăng cường sự tham gia bền vững, có trách nhiệm cao của tư nhân, các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.
(10) Cung ứng: Xây dựng chuỗi ứng cung bền vững từ trung ương tới địa phương để bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm, vật dụng can thiệp phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Kết thúc phiên họp, bà Barbara Lee, đại diện Hạ viện Hoa Kỳ, kêu gọi rằng "Chúng ta phải quyết tâm đánh bại HIV và AIDS" và khuyến khích mọi người không lùi bước hay từ bỏ.