Ngày 8/1/2023 vừa qua Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC) Long An vừa tổ chức khởi động dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC)
Ngày 8/1/2023 vừa qua Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC) Long An vừa tổ chức khởi động dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC)
Dự án EPIC là Dự án hợp tác giữa Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC) và Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), Bộ Y tế Việt Nam trong khuôn khổ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR). Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (từ 01/1/2020 đến 30/9/2024). Long An là một trong 6 tỉnh/thành phố ưu tiên được chọn triển khai dự án.
Dự án EPIC là thỏa thuận hợp tác (TTHT) 5 năm nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được sự kiểm soát dịch bệnh ở 06 tỉnh ưu tiên: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Long An, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu được lựa chọn vào năm 2020; tăng cường năng lực của Bộ Y tế/ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, để duy trì và mở rộng các dịch vụ phòng ngừa, chăm sóc và điều trị HIV có chất lượng cho người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV/ đối tượng chủ chốt, thông qua hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp, đặc biệt là ưu tiên tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm cả giới thiệu và nhân rộng các sáng kiến, mô hình và công nghệ mới; phát triển và duy trì mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS ở cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh;
Trong giai đoạn 2020 - 2024, Dự án sẽ hỗ trợ Việt Nam: Xây dựng/áp dụng và triển khai các mô hình, hoạt động đổi mới (về dự phòng HIV, xét nghiệm HIV…) nhằm đạt được các mục tiêu 90-90-95 ở 06 tỉnh ưu tiên được lựa chọn (nêu trên); Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị điều trị nhiễm HIV/AIDS thông qua việc xây dựng/áp dụng và mở rộng các mô hình, hoạt động đổi mới có liên quan đến điều trị nhiễm HIV/AIDS;Tăng cường hệ thống theo dõi và giám sát trong phòng, chống HIV/AIDS và sử dụng dữ liệu HIV/AIDS của Việt Nam;Thể chế hóa và triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về phòng, chống HIV/AIDS ở các tuyến.
ThS. Nguyễn Ngọc Linh, Phó giám đốc CDC Long An báo cáo tình hình dịch
ThS. Nguyễn Ngọc Linh, Phó giám đốc CDC Long An cho biết, tại Long An, dịch HIV/AIDS tập trung cao tại các địa bàn giáp ranh TP.HCM và khu công nghiệp, dân cư đông như huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP.Tân An… Tỷ lệ lây nhiễm do hành vi tiêm chích giảm rõ rệt và ngày càng cao trong nhóm nam giới. Xu hướng quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là đường lây chính, đặc biệt đối với nhóm nguy cơ thấp thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự, người trẻ trong giới công nhân lao động, sinh viên, học sinh…
Mặc dù công tác phòng chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều chỉ tiêu đề ra, như:
Số người nhiễm mới HIV được điều trị ARV lần đầu đạt 116%
Số khách hàng HIV âm tính mới được điều trị PrEP lần đầu đạt 165%;
Số khách hàng điều trị PrEP ít nhất 1 lần trong năm đạt 123,4%...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ca nhiễm HIV mới trên các địa bàn không có can thiệp trực tiếp của các dự án. Tỷ lệ bệnh nhân lao nhiễm HIV phát hiện thấp và tỷ lệ người nhiễm mới phát hiện qua xét nghiệm Recency còn thấp…
Bà Amy Frances Bailey, Phó Giám đốc Chương trình Lao/HIV CDC Hoa Kỳ tại TP.HCM.
Phát biểu tại hội nghị khởi động dự án, bà Amy Frances Bailey, Phó Giám đốc Chương trình Lao/HIV, CDC Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, CDC Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Long An để thực hiện định hướng chiến lược của PEPFAR nhằm chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030.
Theo đó, sẽ tập trung nhiều hơn vào đối tượng MSM trẻ và lực lượng lao động lưu động, đặc biệt là tại các khu công nghiệp; tiếp tục nâng cao năng lực cốt lõi của hệ thống phòng, chống HIV từ tỉnh đến cơ sở; tận dụng các hệ thống HIV do PEPFAR hỗ trợ để sử dụng cho đa bệnh và lồng ghép các bệnh không lây, viêm gan, bệnh lây truyền qua đường tình dục vào các dịch vụ HIV…
Trong quá trình thực hiện dự án EPIC, ThS. Nguyễn Ngọc Linh cho biết, Long An có nhiều thuận lợi do kế hoạch dự án hằng năm được xây dựng bám sát vào nhu cầu tình hình thực tế của tỉnh; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực; trang thiết bị; giám sát, hỗ trợ kỹ thuật; triển khai nhiều mô hình/sáng kiến mới...
Năm 2023, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì các can thiệp truyền thống và triển khai mô hình mới nhằm tăng nhanh tốc độ tìm ca HIV mới chuyển gửi điều trị ARV, PrEP; triển khai điều trị Lao/HIV, viêm gan C và triển khai mới điều trị bệnh không lây nhiễm; cải thiện các kết quả còn hạn chế; triển khai hoạt động đáp ứng y tế công cộng và ước tính quần thể nguy cơ MSM…
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức K=K (Không phát hiện = Không lây truyền), dịch vụ HIV/AIDS… cho các ngành, ưu tiên ngành giáo dục, khu công nghiệp và xét nghiệm thanh niên sơ tuyển nghĩa vụ quân sự bằng nguồn kinh phí huy động địa phương.