CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > MÍT TINH HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG AIDS 01/12 ...

Thứ Hai, 23/12/2024 | 17:57:07 GMT+7

MÍT TINH HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG AIDS 01/12 “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”

26/11/2022 | 16774 lượt xem | Nguyễn Vân

Ngày 26/11, tại thành phố Bắc Ninh, Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và tỉnh Bắc Ninh tổ chức Mít tinh, diễu hành nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2022.

Mít tinh có sự tham dự của đồng chí Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh; bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; ông Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cùng  gần 2.000 đại biểu là Lãnh đạo và thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UB50), các bộ ngành trung ương; Đại biểu các Cục, Vụ; Các Bệnh viện/Viện TƯ, cơ sở giáo dục đào tạo; Các tổ chức quốc tế; Đại diện các nhóm hưởng lợi (mạng lưới người có H...), các tổ chức dựa vào cộng đồng; Đại biểu báo chí.


 


Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, Việt Nam tập trung vào chủ đề: “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”, việc lựa chọn chủ đề này mang nhiều ý nghĩa: 
Thứ nhất, hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam có sự thay đổi, 2 năm trở lại đây số ca nhiễm mới đang tăng, mỗi năm có tới hơn 13 nghìn ca. Đáng lưu ý dịch tăng chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ. 50% số ca nhiễm HIV phát hiện mới là những người dưới 29 tuổi. Con đường lây truyền chính là qua đường quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 74,6% chủ yếu tập trung ở nhóm thanh niên trẻ. Do vậy không thể kết thúc được đại dịch AIDS nếu không có sự tham gia của Thanh niên.  
Thứ hai, về kiến thức và thái độ phòng, chống HIV/AIDS của thanh niên: theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi chỉ dưới 50%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi là gần 40%. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên. 
Thứ ba, cùng với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, ở nam nhóm tuổi 15-24 có nhiều hơn 01 bạn tình (trong 12 tháng trước ngày phỏng vấn) là 14%. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai...
Như vậy, có thể thấy việc lựa chọn chủ đề này thích hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV ở Việt Nam hiện nay. Đây cũng là đối tượng cần được quan tâm trong thời gian tới khi chúng ta muốn đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc chấm dứt dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu chúng ta huy động được thanh niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.


 


Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cảm ơn các địa phương, các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng và rất nhiều cá nhân trong thời gian qua đã nỗ lực, đóng góp nhiều công sức vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Bộ trưởng đánh giá cao và hoan nghênh sự nỗ lực, lòng nhiệt huyết và sự tận tụy, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế, các tổ chức cộng đồng trực tiếp tham gia phòng, chống HIV/AIDS trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS năm 2022, Bộ trưởng đề nghị:
1. Lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể trung ương và UBND các tỉnh thành phố căn cứ trên các hành lang pháp lý đã được ban hành và Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, chủ động xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn và từng năm và triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS Tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; phê duyệt các nội dung và định mức theo thẩm quyền để các đơn vị có cơ sở thực hiện.
2. Ngành y tế cần tiếp tục tăng cường, mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng các dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại như cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Tổ chức đánh giá Đề án thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày và mở rộng việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh dựa trên bằng chứng của Đề án thí điểm. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV nhất là dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút; người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV; Người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV sớm và tuân thủ điều trị.
3. Đề nghị hệ thống Đoàn thanh niên các cấp cần tăng cường nâng cao nhận thức cho thanh niên về sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS cũng như vai trò của thanh niên trong việc đạt được mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS. Mỗi đoàn viên, thanh niên phải là một tuyên truyền viên tích cực trong tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS. Mỗi tổ chức đoàn phải có các sáng kiến, các mô hình phòng, chống HIV/AIDS phù hợp, hiệu quả và thân thiện với thanh niên nhất là nhóm thanh niên trẻ và chú ý tới thanh niên trong khu vực trường học, khu công nghiệp.
4. Các tổ chức cộng đồng cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS từ tham gia góp ý trong quá trình xây dựng chính sách, triển khai, theo dõi, đánh giá, nhất là việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đích của mình. Bộ Y tế sẽ tham mưu cho Chính phủ trong thời gian tới nghiên cứu đề xuất tạo môi trường và cơ chế thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là việc để các tổ chức xã hội trực tiếp cùng tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn ngân sách trong nước.
5. Đề nghị các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật để giúp Việt Nam. Sự ủng hộ về tài chính của các quý vị là rất cần thiết vì Việt Nam đang tiến dần đến tự chủ tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhưng vẫn cần có lộ trình. Sự hỗ trợ về kỹ thuật của các tổ chức quốc tế cũng là rất quan trọng, giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với khoa học kỹ thuật, với các sáng kiến mới, các thực hành tốt từ đó giúp Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra.


 


Năm 2022, Việt Nam đạt được khá nhiều thành tựu:
Thứ nhất,
Về công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông tạo cầu cho giới trẻ được đa dạng hóa và đạt hiệu quả cao thông qua nhiều sự kiện truyền thông trong khu công nghiệp, trường học và truyền thông đa phương tiện.
Thứ hai, Tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại: phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt tập trung nhiều cho nhóm MSM (trong 10 tháng đầu năm đã tiếp cận được hơn 100.000 MSM)
Thứ ba, Về công tác xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 204 phòng xét nghiệm khẳng định. Xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện với 97 phòng xét nghiện khẳng định. Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 28 tỉnh/thành phố trên cả nước
Thứ tư, Duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Tính đến 30/9/2022, chương trình Methadone đã được triển khai tại hơn 600 cơ sở điều trị và cấp phát thuốc trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố với hơn 51.000 người bệnh tham gia điều trị trong đó gần 3.000 người được cấp thuốc mang về nhà. Điều trị Methadone đã góp phần khống chế được tình hình nhiễm HIV trong người tiêm chích ma túy. 
Thứ năm, Về việc triển khai các biện pháp dự phòng thế hệ mới: Điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) triển khai đa dạng thông qua các mô hình TelePrEP, PrEP trực tuyến, OS, lưu động... Tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Tính đến 31/8/2022, đã có 210 cơ sở PrEP triển khai cung cấp dịch vụ PrEP (nhà nước và tư nhân) tại 29 tỉnh, thành phố. Số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần trong kỳ báo cáo là 40.020 khách hàng (đạt 88,9% so với chỉ tiêu 45.000 khách hàng vào năm 2022); số khách hàng duy trì trị điều trị PrEP trên 3 tháng liên tiếp đạt 69,6%; 80,4% số khách hàng PrEP là MSM.
Thứ sáu, Về công tác điều trị HIV/AIDS: Hiện có 499 cơ sở ĐT, trong đó 362 cơ sở đang điều trị thuốc ARV BHYT Tổng số: 167.022 BN, trong đó 3.453 BN trẻ em, 163.568 người lớn. Mở rộng điều trị ARV qua Bảo hiểm y tế, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt tới 96% và Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt được tỷ lệ này.
Thứ bảy, Tăng cường cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại 31 trại giam và 35 trại tạm giam với kết quả: (i) xét nghiệm cho khoảng 22.250 lượt trại viên tại trại giam và 7.201 lượt tại trại tạm giam được làm xét nghiệm HIV (trong đó có 1,5% dương tính); (ii) Điều trị cho khoảng 3.525 bệnh nhân ARV và (iii) với 1.200 bênh nhân ARV được điều trị Viêm gan C.
Thứ tám, Mở rộng triển khai Điều trị Viêm gan C cho bệnh nhân HIV và bệnh nhân điều trị Methadone. Đến 30/9/2022 số bệnh nhân nhiễm HIV và bệnh nhân điều trị methadone mắc Viêm gan C (VGC) được điều trị tại 38 tỉnh/thành phố là 16.052 bệnh nhân (trong đó có 4324 bệnh nhân methadone). Tỷ lệ khỏi bệnh trong số bệnh nhân được làm SVR12 đạt 97,4%
Thứ chín, Về công tác tự chủ tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS: Chuyển đổi điều trị ARV từng nguồn viện trợ sang nguồn BHYT. Huy động y tế tư nhân cung cấp các dịch vụ phòng, chống AIDS. Hiện có 20 phòng khám tư nhân; 50% người sử dụng PrEP nhận dịch vụ ở kênh tư nhân.
Thứ mười, Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và giám sát dịch HIV. Đến nay, hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV (HIV-INFO) phiên bản 4.0  và phần mềm quản lý điều trị PREP, ARV, cung ứng thuốc (HMED) đã được triển khai cho 63 tỉnh.


 

Ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá cao những thành tựu ấn tượng đã đạt được của Việt Nam trong thời gian qua và ông cũng nhấn mạnh: Cùng hành động, Việt Nam sẽ tiếp tục đi đầu trong đáp ứng với HIV trong khu vực và có thêm nhiều kinh nghiệm để tiếp tục chia sẻ với bạn bè quốc tế về không để người dân nào bị bỏ lại phía sau trong phòng, chống HIV/AIDS. Đó sẽ không chỉ là kinh nghiệm trong việc khống chế dịch HIV mà còn rất có giá trị học hỏi đối với những nỗ lực lớn hơn về thực hiện Chăm sóc sức khỏe toàn dân và các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Các tổ chức Liên Hợp Quốc sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam trên con đường tiến tới chấm dứt AIDS để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng. 

 
Cũng tại Mít tinh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan và đại diện các đơn vị, tổ chức đã trao tặng quà cùng 23 chiếc xe đạp cho các bé bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.