CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Mô hình can thiệp phòng chống HIV/AIDS cho công nhân trong ...

Thứ Hai, 23/12/2024 | 16:47:36 GMT+7

Mô hình can thiệp phòng chống HIV/AIDS cho công nhân trong các khu công nghiệp

02/12/2022 | 777 lượt xem | Kiều Trang

Ngày 01/12/2022 tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống (LIFE) tổ chức Hội thảo ‘Giới thiệu mô hình can thiệp phòng chống HIV/AIDS cho công nhân nhà máy (SAFE-ZONE). Hội thảo nhằm chia sẻ, giới thiệu mô hình truyền thông can thiệp trong nhà máy/khu công nghiệp, hướng tới nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe tình dục, phòng chống HIV/AIDS.

Năm 2022, với sự hỗ trợ và chỉ đạo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung tâm LIFE thông qua dự án LADDERS đã hợp tác với một số nhà máy, thí điểm triển khai chương trình SAFE-ZONE tại thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai - nơi mật độ tập trung nhà máy khu công nghiệp cao, với các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe cho công nhân của nhà máy.
Đây là sáng kiến can thiệp quan trọng của trung tâm LIFE nhằm tăng cường kết nối nhóm đối tượng rất đặc thù và đông đảo là nhóm công nhân lao động, người trẻ trong nhà máy khu công nghiệp, đến các dịch vụ và thông tin liên quan đến HIV/AIDS và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs).
 

TS. Bs Nguyễn Thị Minh Tâm báo cáo tại Hội thảo

Thay mặt Cục Phòng, chống HIV/AIDS, TS.BS Nguyễn Thị Minh Tâm - Trưởng phòng dự phòng lây nhiễm HIV cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng và bất ngờ khi chỉ mới thí điểm ở 4 nhà máy mà SAFE-ZONE đã tiếp cận với hơn 1500 công nhân, cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho 350 người, kết nối dự phòng PrEP cho hơn 60 trường hợp và chuyển gửi 11 ca vào chương trình điều trị ARV qua bảo hiểm y tế”.
Đây là những con số rất khả quan, cho thấy tính hiệu quả và khả năng nhân rộng của mô hình này. Các bước triển khai rất rõ ràng, dễ đo lường và dễ áp dụng, nên bất cứ địa phương nào tập trung nhiều khu công nghiệp, nhà máy với mạng lưới các tổ chức cộng đồng (DOME/DNXH/CBO) cung cấp dịch vụ HIV/AIDS sẵn có đều có thể cân nhắc điều chỉnh, áp dụng và triển khai mô hình SAFE-ZONE".
Bs Nguyễn Thị Minh Tâm cũng kiến nghị Liên đoàn Lao động cần tăng cường giám sát, hỗ trợ và triển khai các hoạt động phối hợp ngành y tế để chăm lo sức khỏe và quyền lợi của công nhân. Cạnh đó, khuyến khích các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO), tổ chức phi chính phủ (NGO) chung tay với ngành y tế để cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS trong khu công nghiệp.
 


Tọa đàm về tác động, khả năng duy trì và nhân rộng mô hình SAFE-ZONE với sự tham gia của đại diện của các bên liên quan

“SAFE-ZONE” đã huy động sự tham gia của đối tác nhà máy, các tổ chức cộng đồng đang triển khai mô hình DOME và đội ngũ công nhân viên lao động từ khâu lập kế hoạch, xây dựng chương trình, thiết kế nội dung, đến triển khai hoạt động và đánh giá hiệu quả.
“Nội dung truyền thông gần gũi thiết thực, bao gồm các thông điệp, kiến thức, kỹ năng liên quan đến chăm sóc sức khỏe, tình dục an toàn, và phòng tránh HIV/AIDS, được thực hiện theo phương pháp chủ động, sáng tạo và có tính tương tác cao thông qua trò chơi, hội thi, sự kiện và bài đăng trên đa dạng các kênh trực tuyến và trực tiếp’, bà Nguyễn Nguyên Như Trang – Giám đốc Trung tâm LIFE chia sẻ.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo SAFE-ZONE cũng là cơ hội để các đại biểu, cơ quan ban ngành, đối tác chiến lược và các bên liên quan cùng với các tổ chức cộng đồng đóng góp ý kiến xây dựng mô hình toàn diện hơn, thảo luận về khả năng nhân rộng mô hình SAFE-ZONE và xác định tầm quan trọng của việc thiết kế và triển khai các mô hình can thiệp HIV tập trung vào các nhóm ưu tiên, trong đó có nhóm công nhân nhà máy.
Trong những nỗ lực phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam, việc xây dựng các chiến lược truyền thông, can thiệp nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường cung cấp dịch vụ cho cộng đồng cũng là một trong những ưu tiên trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.