CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Mô hình TelePrEP trong phòng, chống HIV/AIDS triển khai như ...

Thứ Bảy, 05/10/2024 | 23:02:09 GMT+7

Mô hình TelePrEP trong phòng, chống HIV/AIDS triển khai như thế nào

03/01/2023 | 1265 lượt xem | Thanh Nhàn

“Tele PrEP tạo cơ hội cho khách hàng có nguy cơ cao ở những tỉnh không có dự án hỗ trợ được tiếp cận dịch vụ PrEP miễn phí”, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhấn mạnh điều này khi trao đổi với phóng viên Báo TNVN.

Thưa Cục trưởng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống HIV/AIDS, trong đó có chương trình TelePrEP đến nay đạt kết quả như thế nào? 
Việt Nam đã trải qua hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội. Các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó.
Việc áp dụng chính sách giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly trong giai đoạn Covid-19 khiến cho khách hàng không thể đến trực tiếp cơ sở y tế để nhận dịch vụ tư vấn, khám, chữa bệnh. Giai đoạn này, Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong đó có dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP). Xuất phát từ bài học kinh nghiệm triển khai trong giai đoạn Covid-19, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa (còn gọi là Tele PrEP). Dịch vụ Tele PrEP hướng đến sự đơn giản, thuận tiện và phù hợp với nhu cầu của khách hàng, dịch vụ Tele PrEP cho phép việc kết nối, tương tác trực tuyến giữa cơ sở y tế với khách hàng trong quá trình cung cấp và nhận dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV. Tele PrEP tạo cơ hội cho khách hàng có nguy cơ cao ở những tỉnh không có dự án hỗ trợ được tiếp cận dịch vụ PrEP miễn phí. Ngoài ra, khi được nhận gói dịch vụ từ xa, khách hàng sẽ giảm bớt chi phí và thời gian di chuyển và không lo lắng về vấn đề kỳ thị phân biệt đối xử khi phải đến cơ sở y tế nhận dịch vụ trực tiếp.
Từ tháng 8 - 10/2022, dịch vụ Tele PrEP đã được chính thức triển khai tại 20 cơ sở của 7 tỉnh/thành phố với gần 400 khách hàng.

Vậy khách hàng muốn tham gia dịch vụ này cần điều kiện như thế nào? 
Đầu tiên, Tele PrEP chỉ áp dụng thực hiện cho những khách hàng tái khám.
Khách hàng sử dụng dịch vụ Tele PrEP cần đáp ứng đủ các điều kiện để sử dụng dịch vụ PrEP theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 5968/QĐ-BYT ngày 31/12/2021 ban hành Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS; Và Tele PrEP chỉ áp dụng thực hiện cho những khách hàng tái khám. Điều này có nghĩa là khách hàng lần đầu đăng ký và sử dụng dịch vụ cần phải đến cơ sở y tế để được sàng lọc hành vi nguy cơ cao, thăm khám, xét nghiệm và kê đơn khi đủ tiêu chuẩn điều trị. Từ các lần tái khám, khách hàng có thể đăng ký nhận dịch vụ Tele PrEP. Tuy nhiên, khách hàng cần có đủ phương tiện và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để kết nối và tương tác trực tuyến với nhân viên y tế trong quá trình nhận dịch vụ Tele PrEP; Khách hàng tự nguyện, đồng thuận và cam kết sử dụng dịch vụ TelePrEP theo các quy định và quy trình chuyên môn do cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP thông báo.
Khách hàng khi tiếp cận chương trình TelePrEP thì được hỗ trợ những dịch vụ gì, thưa bà?
Khách hàng khi tiếp cận chương trình TelePrEP được nhận gói dịch vụ TelePrEP bao gồm các dịch vụ được cung cấp từ xa: Đặt lịch khám; Sàng lọc nguy cơ lây nhiễm HIV; Tư vấn về lợi ích PrEP; Tư vấn, hỗ trợ thực hiện các xét nghiệm cần thiết cho PrEP; Hỗ trợ tuân thủ, duy trì điều trị PrEP; Tư vấn, hỏi bệnh và kê đơn thuốc cho các trường hợp đang điều trị PrEP có tuân thủ điều trị tốt; Cung cấp thuốc PrEP miễn phí cho khách hàng qua đơn vị vận chuyển.
Được biết, tỷ lệ mắc mới HIV tăng nhanh trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM), và dự báo con số này tiếp tục tăng trong thời gian tới. Cục Phòng, chống HIV/AIDS có chiến lược gì để mở rộng chương trình Tele PrEP?
Tele PrEP là một trong những mô hình, sáng kiến mới của Việt Nam trong các dịch vụ về HIV/AIDS. Mô hình này được đúc kết từ kinh nghiệm triển khai trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, đồng thời cũng thực hiện theo khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới ban hành tháng 7/2022 về việc hướng dẫn triển khai các dịch vụ HIV trên nền tảng trực tuyến, hướng đến sự đơn giản, thuận lợi cho người nhận các dịch vụ về HIV. Tele PrEP cũng hoàn toàn phù hợp với bối cảnh dịch HIV của Việt Nam trong những năm gần đây khi mà tỷ lệ nhiễm mới HIV có xu hướng tăng nhanh trong nhóm MSM và đa số họ là nhóm người trẻ tuổi.
Trong suốt quá trình thực hiện thí điểm dịch vụ Tele PrEP (từ tháng 5/2022-5/2023) Cục Phòng, chống HIV/AIDS liên tục theo dõi, đánh giá việc triển khai thí điểm tại 20 cơ sở PrEP thuộc 7 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm. Sau 1 năm thí điểm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ thực hiện tổng kết và đánh giá kết quả thí điểm điều trị TelePrEP bao gồm cả hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV. Từ đó tham mưu cho Bộ Y tế cho phép mở rộng triển khai Tele PrEP tại tất cả các tỉnh, thành phố và cơ sở đang cung cấp dịch vụ PrEP đủ điều kiện thực hiện Tele PrEP. Bên cạnh đó là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tạo cầu cho Tele PrEP và các mô hình PrEP hiện hành.
Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!