CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Một số câu hỏi thường gặp về “Không phát hiện = Không lây ...

Thứ Bảy, 20/04/2024 | 14:08:40 GMT+7

Một số câu hỏi thường gặp về “Không phát hiện = Không lây truyền”

21/08/2020 | 11273 lượt xem

Gần đây thuật ngữ “Không phát hiện = Không lây truyền” đã được phổ biến rộng rãi trong các chương trình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS ở trên Thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên vẫn có nhiều người còn chưa hiểu đầy đủ về thuật ngữ này. Sau đây là một số câu hỏi thường gặp về “Không phát hiện = Không lây truyền”.

Không phát hiện = Không lây truyền (K= K là gì)?
Không phát hiện = Không lây truyền (được viết tắt K=K ) có nghĩa là: Khi một người nhiễm HIV được điều trị ARV mà đạt đến mức ức chế vi rút nghĩa là tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu (hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện), sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục.
- K=K cũng có nghĩa là: Khi một người nhiễm HIV uống ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ đến mức đạt được và duy trì tải lượng vi rút không phát hiện (tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu) sẽ thực sự không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình chưa nhiễm HIV của họ.

1-10-cuc.jpg

Cục Phòng, chống HIV/AIDS khởi động chiến dịch

Có bằng chứng khoa học nào không?
- Ít nhất đã có 04 nghiên cứu khác nhau trên hàng ngàn người chưa nhiễm HIV với tổng số hàng trăm ngàn lần quan hệ tình dục với người nhiễm HIV đang điều trị ARV và có tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/1ml máu (không phát hiện) cho thấy họ không bị nhiễm HIV (không lây truyền).
- Những người chưa nhiễm HIV trong các nghiên cứu trên bao gồm cả những người quan hệ tình dục đồng giới; quan hệ tình dục khác giới nhưng không sử dụng bao cao su hay thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
- Các bằng chứng khoa học trên đã được công bố tại các Hội nghị khoa học Thế giới về HIV/AIDS năm 2017 tại Paris và 2018 tại Hà Lan. Hàng trăm tổ chức quốc tế tuyên bố đồng thuận phát hiện này.
- Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS cũng xác nhận khái niệm không phát hiện = không lây truyền.

1-10-bach-mai.jpg
Các đối tác cùng tham gia chiến dịch

Tại sao một người có tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu lại được cho là không phát hiện được?
- Hiện nay, tất cả các xét nghiệm tải lượng vi rút trên thế giới đều thực hiện dựa trên các máy xét nghiệm đếm tự động. Các máy khác nhau của các hãng sản xuất khác nhau đưa ra các “ngưỡng phát hiện” khác nhau. Hầu hết các máy xét nghiệm đều có thể phát hiện được có vi rút HIV trong máu khi số lượng từ 200 bản sao/1ml máu. Một số máy có thể phát hiện với số lượng vi rút thấp hơn như 50 bản sao/1ml máu.
- Do vậy, thế giới cần thống nhất một ngưỡng chung. Ngưỡng chung quy định trong các nghiên cứu này là 200 bản sao/1ml máu. Dưới 200 bản sao được coi là không phát hiện.

Một người nhiễm HIV điều trị bằng ARV sau bao lâu đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện?
- Thông thường một người nhiễm HIV điều trị bằng ARV, tuân thủ điều trị tốt, sau 6 tháng sẽ đạt được tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu.
- Người nhiễm HIV tiếp tục tuân thủ điều trị ARV tốt sẽ duy duy trì được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế và khi đó không làm lây truyền HIV cho bạn tình của họ.
- Do vậy, Bộ Y tế quy định người nhiễm HIV khi điều trị ARV cần xét nghiệm tải lượng vi rút định kỳ. Năm đầu tiên xét nghiệm 2 lần (6 tháng 1 lần). Những năm sau mỗi năm xét nghiệm tải lượng vi rút 1 lần.
- Xét nghiệm tải lượng vi rút định kỳ là rất cần thiết, không chỉ giúp để biết một người có đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện hay không mà còn giúp theo dõi hiệu quả điều trị.

Làm sao để đạt được và duy trì được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện?
- Điều trị ARV là điều trị liên tục suốt đời và phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc một cách nghiêm ngặt. Tuân thủ điều trị là dùng đúng thuốc, đúng liều, đúng giờ, đúng đường và đúng cách:
- Đúng thuốc nghĩa là không uống nhầm giữa các loại thuốc, trong trường hợp phải uống nhiều thứ thuốc.
- Đúng liều lượng thầy thuốc đã chỉ định, một hay hai viên (liều) một ngày.
- Đúng giờ nhất định theo chọn lựa phù hợp của từng bệnh nhân. Việc thực hiện uống thuốc đúng giờ nhằm đảm bảo buy trì nồng độ thuốc cần thiết trong máu.
- Đúng đường, là đường uống, vì hiện nay ARV ở Việt Nam chỉ sử dụng qua đường uống.
- Đúng cách theo lời dặn của bác sĩ như khi uống trước ăn hoặc sau ăn
- Tuân thủ điều trị tốt sẽ trực tiếp làm tăng hiệu quả của thuốc. Sự kiềm chế/duy trì lượng HIV trong máu thấp không chỉ phụ thuộc vào tính hiệu nghiệm của thuốc ARV mà còn phụ thuộc vào nồng độ thuốc đó trong máu bệnh nhân trong một khoảng thời gian thích hợp. Khoảng thời gian này lại phụ thuộc vào thời gian bán hủy của từng loại thuốc, do vậy uống thuốc đúng giờ là rất cần thiết.
- Tuân thủ điều trị kém hoặc không tuân thủ điều trị dẫn đến kháng thuốc, thất bại điều trị và tử vong.

1-10-dia-phuong.jpg
Các địa phương trong cả nước cũng khởi động chiến dịch

- Để tăng mức độ tuân thủ điều trị, ngoài việc lựa chọn giờ uống thuốc phù hợp cho mình, người nhiễm HIV có thể sử dụng các biện pháp hỗ trợ như: nhờ người nhắc uống thuốc, hẹn giờ bằng đồng hồ hoặc điện thoại hằng ngày, nhắc trên điện thoại hoặc ghi lịch hằng ngày.

KT