CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội trong phòng, chống ...

Thứ Hai, 23/12/2024 | 02:58:18 GMT+7

Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng

16/08/2023 | 557 lượt xem | Khiếu Minh

Trong 02 ngày 15-16/8, tại thành phố Hải Phòng, được sự hỗ trợ của tổ chức CDC Hoa Kỳ, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Doanh nghiệp xã hội IRD Việt Nam tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội/doanh nghiệp xã hội tại các tỉnh/thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tham dự lớp tập huấn có Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Ông Minesh Shah, Cố vấn trưởng về y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; bà Asia Nguyễn, Cố vấn hệ thống y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; Ts. Hoàng Khánh Chi, Giám đốc Dự án HIV thuộc DNXH IRD Việt Nam cùng gần 100 tổ chức xã hội tại 03 tỉnh/thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng. 

Trong Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu 95-95-95 (95% người sống chung với HIV biết tình trạng có HIV của mình, 95% người chẩn đoán có HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế) nhằm hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên mục tiêu này sẽ không thể đạt được nếu như không có các nỗ lực chung từ nhiều phía, đặc biệt là các tổ chức xã hội (tổ chức dựa vào cộng đồng, doanh nghiệp xã hội, nhóm tự lực…). Tổ chức cộng đồng ngày càng có vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình ứng phó với đại dịch HIV/AIDS. 

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Sự tham gia tích cực của các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội đã và đang góp phần tăng độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho nhóm có nguy cơ cao tại cộng đồng dân cư và đặc biệt giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử của xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS. Chương trình thí điểm mô hình Hợp đồng xã hội đã cho thấy những bước tiến quan trọng của Việt Nam hướng đến kiểm soát dịch vào 2030, đồng thời cũng là một tiền đề quan trọng trong việc chuyển dịch từ nguồn hỗ trợ quốc tế sang nguồn ngân sách nhà nước trong những năm tới. Phó Cục trưởng mong muốn thông qua 2 ngày tập huấn, các đại biểu tích cực trao đổi, để đưa ra được các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và cùng phối hợp tìm ra phương án giải quyết. Cùng thảo luận để định hướng giai đoạn tiếp theo, làm như thế nào để nâng cao năng lực cho các tổ chức cộng đồng, để các tổ chức có thể đảm nhiệm được các dịch vụ công và có thể ký được hợp đồng với các cơ quan nhà nước.

Ông Minesh Shah, Cố vấn trưởng về y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam trong bài phát biểu tại lớp tập huấn cho biết: Ông rất tự hào có thể nói Việt Nam là quốc gia luôn dẫn đầu trong khu vực, là điểm sáng về công tác phòng chống HIV/AIDS. Ông cũng đề cao tầm quan trọng, vai trò của các tổ chức cộng đồng trong công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và phòng, chống HIV/AIDS nói riêng. Ông thể hiện mong muốn các tổ chức cộng đồng hãy cùng lắng nghe, học hỏi, hỗ trợ nhau, làm như thế nào để ngày càng phát triển bền vững. Trong thời gian tới, CDC Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các đối tác và đặc biệt các tổ chức dựa vào cộng đồng trong việc hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực tài chính nhằm bảo đảm nhóm đối tượng đích đều có thể tiếp cận các dịch vụ HIV thiết yếu.

Toàn cảnh lớp tập huấn

Theo khảo sát năng lực tổ chức xã hội được tiến hành bởi DNXH IRD Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có 8 Doanh nghiệp xã hội, 7 tổ chức cộng đồng/nhóm tự lực; Thái Nguyên chỉ có 10 tổ chức cộng đồng, chưa có doanh nghiệp xã hội; Hải Phòng có 2 doanh nghiệp xã hội và 18 tổ chức cộng đồng/nhóm tự lực. Lý do lớn nhất mà các tổ chức xã hội chưa đăng ký tư cách pháp nhân là thủ tục thuế phức tạp, tiếp đến là thiếu nhân lực chất lượng, thiếu cơ sở hạ tầng đủ điều kiện để được cấp phép dịch vụ, quy trình đăng ký phức tạp, tốn thời gian và thiếu vốn điều lệ.

Thông qua 2 ngày tập huấn, các học viên có thể hiểu được chiến lược phát triển khu vực tư nhân trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam; Mô tả được vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam; hiểu rõ về khái niệm về doanh nghiệp và doanh nghiệp xã hội, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội, các bước thành lập doanh nghiệp xã hội; hiểu được khó khăn và thách thức trong phát triển bền vững tổ chức xã hội (tổ chức dựa vào cộng đồng, nhóm tự lực…); Xác định được các giải pháp khắc phục các khó khăn và thách thức trong phát triển bền vững tổ chức cộng đồng/doanh nghiệp xã hội; Xác định được nhu cầu nâng cao năng lực tổ chức dựa vào cộng đồng/doanh nghiệp xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS; hiểu rõ về phát triển tổ chức bền vững, một số mô hình kinh doanh bền vững dựa trên sản phẩm, dịch vụ, nền tảng, nhượng quyền, một số nguồn lực thiết yếu cho việc phát triển tổ chức bền vững; Xác định được tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị của tổ chức, các bước xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển tổ chức bền vững. 

Một số hình ảnh tại lớp tập huấn

Ths. Phạm Hồng Thúy, Cục Phòng, chống HIV/AIDS trình bày về Kế hoạch tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS

Ths. Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục PC HIV/AIDS cho biết: Các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong các hoạt động cung cấp dịch vụ HIV/AIDS (để đạt 2/3 mục tiêu 95-95-95)


Các đại biểu tích cực chia sẻ tại lớp tập huấn