CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Nâng cao năng lực cho phóng viên báo chí về điều trị dự ...

Thứ Năm, 26/12/2024 | 08:33:25 GMT+7

Nâng cao năng lực cho phóng viên báo chí về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

01/08/2020 | 743 lượt xem

Nhằm nâng cao năng lực cho các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), ngày 27/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phòng chống HIV/AIDS phối hợp với Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tổ chức lớp tập huấn cho các phóng viên.

Tham dự và báo cáo tại lớp tập huấn có các giảng viên là Lãnh đạo các phòng chuyên môn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), các phóng viên báo chí Trung ương và một số tỉnh, thành phố cùng đại diện các nhóm cộng đồng cùng tham dự và chia sẻ tại lớp tập huấn.
Báo cáo tại lớp tập huấn, Đại diện phía Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho hay nhiều khảo sát gần đây cho thấy ngày càng phát hiện nhiều người nhiễm HIV là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) nhất là những người MSM trẻ tuổi. Hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM là do tỷ lệ sử dụng bao cao su thấp, sử dụng ma tuý và quan hệ tình dục với nhiều người.

27-7-c-tam.jpg

Tiến sĩ, Bác sĩ, Nguyễn Thị Minh Tâm - Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phân tích: Tình hình HIV ở Việt Nam đã có những thay đổi trong những năm gần đây. Dịch HIV/AIDS tại Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên tốc độ giảm của dịch có xu hướng chậm lại.
Trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong người nghiện chích ma tuý và phụ nữ mại dâm giảm thì tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và chuyển giới nữ (TGW) vẫn ở mức cao, đang gia tăng, nhất ở các khu vực đô thị lớn, nguyên nhân chủ yếu là do hành vi tình dục không an toàn trong nhóm này.
Nghiên cứu mới nhất của Bộ Y tế cho thấy sự thay đổi hình thái nguy cơ nhiễm HIV ở các nhóm: Với nhóm nam quan hệ đồng giới, chuyển giới nữ (nguy cơ cao nhất với tỷ lệ 47%); nhóm nghiện chích ma tuý (nguy cơ nhiễm 9%); bạn tình của người nhiễm HIV (30%), nhóm phụ nữ bán dâm (2%); người quan hệ tình dục với phụ nữ bán dâm (8%).
Trong bối cảnh hiện chưa có vắcxin để phòng ngừa, phương pháp điều trị dự phòng bằng thuốc ARV (PrEP) được coi là một giải pháp hữu hiệu. PrEP là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao.
Từ hiệu quả dự phòng HIV của PrEP và lợi ích dài hạn của sử dụng thuốc ARV để dự phòng cho người chưa nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã triển khai thí điểm cung cấp PrEP cho MSM và TGW trong gói dự phòng HIV kết hợp tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thay mặt CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bác sỹ Ramonna Bhatia, Cố vấn y tế cao cấp cho biết HIV là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, người nhiễm HIV sẽ chuyển thành AIDS và tử vong nếu không được điều trị. Một người khi nhiễm HIV, virus sẽ ở trong cơ thể suốt đời ngay cả khi được điều trị.
Hiện chưa có thuốc chữa khỏi nhiễm HIV nhưng có thuốc để kiểm soát virus này. Người có HIV có thể sống lâu và khỏe mạnh, không lây HIV cho người khác khi tải lượng virus trong cơ thể ở ngưỡng không phát hiện được, hay còn gọi là K=K.
PrEP là một chiến lược dự phòng HIV trong đó người chưa nhiễm HIV dùng thuốc kháng virus để phòng lây nhiễm HIV.

27-7-t-v-n.jpg
Trung tâm y tế Quận Tân Bình tư vấn về PrEP cho khách hàng MSM.

27-7-ramona.jpg

Bà Ramonna Bhatia chỉ rõ, PrEP là một phương án dự phòng và Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo và nhiều quốc gia đã thực hiện từ nhiều năm nay. Phương pháp này tuy không thay thế được vắcxin HIV nhưng là một cách đơn giản nhất, có thể giảm tới hơn 90% nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM qua các thử nghiệm lâm sàng và qua các can thiệp thực tế trên thế giới. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo PrEP nên được cung cấp bổ sung cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao trong gói dự phòng HIV kết hợp.
PrEP là một loại thuốc sử dụng hàng ngày để ngăn ngừa lây nhiễm HIV, thuốc này sẽ mất hiệu lực khi ngừng dùng thuốc.
Việt Nam là một số ít quốc gia trên thế giới triển khai thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng virus ngay từ năm 2017 và sau thí điểm đã mở rộng ra 26 tỉnh, thành phố. Với kết quả ban đầu, trong thời gian tới Bộ Y tế có kế hoạch mở rộng dịch vụ PrEP ra tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo ước tính Việt Nam hiện có 230.000 người nhiễm HIV ở 63 tỉnh thành. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy trong 3 tháng đầu năm 2020 đã phát hiện 2.600 trường hợp mắc mới. Cả nước hiện có 212.981 trường hợp nhiễm HIV còn sống và cần được chăm sóc, điều trị. Bộ Y tế đưa ra cảnh báo nguy cơ gia tăng số người nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM) khi tỷ lệ mắc trong nhóm này đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt tỷ lệ mới nhiễm HIV cao nhất trong các nhóm.

KT - VA