Kỳ trước, TS.BS. Hoàng Đình Cảnh đã trả lời phỏng vấn phóng viên Cổng thông tin điện tử Cục Phòng, chống HIV/AIDS về thông tin cơ bản của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Kỳ này, mời độc giả đón đọc nội dung về tuân thủ điều trị và các phản ứng phụ khi tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
Hỏi: Khi một người muốn dùng PrEP cần phải làm gì thưa TS?
Trả lời:
Khi một người thường có hành vi nguy cơ cao bị nhiễm HIV như quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su) và tiêm chích không an toàn (sử dụng chung bơm kim tiêm), hãy đến cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP.
Tại cơ sở cung cấp dịch vụ, bác sĩ sẽ tư vấn, trao đổi để biết khách hàng có nguy cơ cao bị nhiễm HIV hay không. Các khách hàng yên tâm là tất cả thông tin cá nhân của khách hàng được bảo mật.
Nếu khách hàng có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ:
- Xét nghiệm HIV. Nếu khách hàng đã nhiễm HIV thì không dùng PrEP mà cần điều trị HIV/AIDS.
- Xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C. Nếu khách hàng bị viêm gan B hoặc viêm gan C thì khách hàng cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa về viêm gan để tư vấn, điều trị và theo dõi.
- Kiểm tra chức năng của thận (xét nghiệm), vì thận có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc PrEP.\Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Nếu khách hàng có thể dùng được PrEP, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc, giải thích và hướng dẫn việc sử PrEP.
Hỏi: Vậy khi một người đủ tiêu chuẩn dùng PrEP thì sẽ uống thuốc thế nào?
Trả lời:
Thuốc PrEP uống hàng ngày, mỗi ngày một viên. Có thể uống trước hoặc sau khi ăn.
Nên uống vào một thời điểm nhất định để tạo ra thói quen uống thuốc đều đặn.
Nếu quên liều, cần uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên không được uống quá 2 liều trong một ngày (trong 24 giờ).
PrEP không tương tác với đa số các thuốc khác nên an toàn khi uống cùng với nhau.
Hỏi: Liệu có phản ứng nào xảy ra với người dùng PrEP không?
Trả lời:
Hầu hết những người dùng PrEP không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một số ít người có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, đau đầu, chán ăn...Thông thường, các phản ứng phụ này chấm dứt sau một đến hai tuần. Cần gọi điện và đến gặp bác sĩ ngay nếu những biểu hiện này kéo dài và ảnh hưởng đến sinh hoạt của khách hàng.
Với những người dùng PrEP trong một thời gian dài có thể gây loãng xương (rất ít gặp) hoặc ảnh hưởng đến thận, vì vậy điều quan trọng là người sử dụng PrEP cần được kiểm tra và xét nghiệm định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Hỏi: Vậy khách hàng sử dụng PrEP sau bao lâu có tác dụng phòng lây nhiễm HIV?
Trả lời:
Điều này phụ thuộc vào cách sinh hoạt tình dục, các cách sinh hoạt tình dục khác nhau cũng cần có thời gian khác nhau, cụ thể để đạt hiệu quả tối đa thì:
- Với quan hệ tình dục qua đường hậu môn (thường với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới – MSM): Cần uống ít nhất 7 liều (7 ngày) mới có tác dụng tối đa phòng lây nhiễm HIV;
- Với quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc phòng lây nhiễm HIV qua đường máu: Cần uống ít nhất 21 ngày mới có tác dụng phòng lây nhiễm HIV tối đa.
Hỏi: Vậy khách hàng sử dụng PrEP sau bao lâu phải đi khám và lĩnh thuốc?
Trả lời:
Người sử dụng PrEP sẽ cần đến cơ sở y tế để khám và lĩnh thuốc định kỳ:
- Tái khám lần đầu sau 1 tháng;
- Tái khám lần 2 sau tái khám lần đầu 2 tháng.
- Sau đó định kỳ ba tháng đến cơ sở y tế để khám và nhận thuốc một lần.
Người sử dụng PrEP nếu có biểu hiện bất thường, có thể đến gặp thầy thuốc bất kỳ khi nào.
Khi tái khám, bác sĩ cũng có thể chỉ định làm xét nghiệm để theo dõi việc điều trị.
Hỏi: Vậy khách hàng muốn sử dụng PrEP có thể nhận thuốc PrEP ở đâu?
Trả lời:
Hiện tại thuốc PrEP đang được cung cấp tại 26 tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Trong thời gian tới, thuốc PrEP sẽ được cung cấp rộng rãi tại các tỉnh thành phố khác trong cả nước.
Hãy hỏi bác sĩ cơ sở điều trị HIV/AIDS hoặc các nhóm cộng đồng để được biết các địa điểm điều trị PrEP hiện nay.
Trân trọng cảm ơn Phó Cục trưởng!
KT