CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Phỏng vấn Lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Thứ Năm, 02/01/2025 | 21:53:25 GMT+7

Phỏng vấn Lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS

10/11/2024 | 61 lượt xem | Trần Trường

Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 - 10/12/2024), Cục Phòng, chống HIV/AIDS xin trân trọng gửi tới Quý độc giả nội dung phỏng vấn PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS:
 

Câu 1: Thưa bà, tình hình dịch HIV/AIDS hiện nay như thế nào? Bà có thể cho biết kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?
Trả lời:
Dịch HIV/AIDS hiện vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp. Hình thái lây nhiễm HIV thay đổi rõ rệt từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục. Nhóm MSM liên tục chiếm tỷ lệ cao trong số mới phát hiện hằng năm (trên 40%). Kết quả ước tính và dự báo cũng cho thấy MSM là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam. Về địa bàn, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu ở khu vực phía Nam và các thành phố lớn. Đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 70% số người nhiễm HIV mới phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các số liệu cảnh báo dịch cho thấy các khu vực Miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đang tiềm ẩn các nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV.
Một số kết quả chính:
-    Công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông tạo cầu cho giới trẻ được đa dạng hóa và đạt hiệu quả cao.
-    Tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại: phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt tập trung nhiều cho nhóm MSM.
-    Duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Tính đến 30/9/2024, chương trình Methadone đã được triển khai tại 347 cơ sở điều trị của 63 tỉnh/thành phố, điều trị cho khoảng 48.000 bệnh nhân
-    Hoàn thành Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày: Đề án được triển khai thí điểm từ tháng 3/2021 đến nay với khoảng 5.000 bệnh nhân được triển khai tại 6 tỉnh/thành phố (chiếm khoảng 40% tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị Methadone tại các cơ sở này). Hiện tại, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang phối hợp với các đơn vị liên quan sửa đổi Hướng dẫn điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trong đó có hướng dẫn triển khai cấp phát thuốc nhiều ngày chuẩn bị cho việc triển khai mở rộng cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày ra toàn quốc trong thời gian tới.
- Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP): Vào năm 2023 Việt Nam trở thành nước dẫn đầu Châu Á – Thái Bình Dương về số người điều trị PrEP. Đến nay đã có 221 cơ sở triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm tại 35 tỉnh/thành phố trên cả nước. Các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP được đa dạng, gồm mô hình cố định tại cơ sở y tế, mô hình lưu động tại các địa bàn, khu vực phù hợp với nhu cầu của quần thể đích. Đến hết tháng 10/2024, số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần là 123.793, trong đó nhóm MSM chiếm khoảng 80%.
- Điều trị HIV/AIDS: Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sỹ. Tính đến tháng 6/2024, trên toàn quốc có 181.558 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV), trong đó có 2.466 trẻ em dưới 15 tuổi, tại hơn 500 cơ sở y tế ở 63 tỉnh, thành phố. Số người được cấp thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 119.055 người, chiếm trên 66%. Gần đây, các cơ sở điều trị đã bắt đầu triển khai sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường, sức khỏe tâm thần.
- Công tác quản lý và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được tăng cường, bao gồm xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai để phát hiện và điều trị ARV kịp thời, giúp trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng và tư vấn chăm sóc. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện duy trì ở mức rất thấp, dưới 1,9%.
-    Triển khai đa dạng các hoạt động và mô hình tư vấn, xét nghiệm HIV. Toàn quốc có hơn 1.300 phòng xét nghiệm sàng lọc và 251 phòng xét nghiệm khẳng định HIV: (Tuyến Trung ương 31 phòng (Trong đó có 05 phòng thuộc Công An bao gồm 02 trạm giam; 03 phòng thuộc Quận đội) ; tuyến tỉnh 80 phòng, tuyến huyện 136 phòng, tư nhân: 04 phòng)
-    Xét nghiệm nhiễm mới HIV được triển khai tại 50/63 tỉnh thành phố. 
-    Đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV triển khai tại 5 tỉnh: Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cao Bằng. Và đạt được nhiều thành tựu nổi bật như: tăng tỷ lệ chuyển gửi điều trị ARV thành công, tăng tỷ lệ điều trị ARV trong ngày và tăng số khách hàng tham gia điều trị PrEP mới. 
-    Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoat động quản lý điều hành và quản lý chuyên môn trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. 
- Tự chủ tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS: Bên cạnh tiếp tục vận động, huy động các nguồn tài chính quốc tế, Bộ Y tế tiếp tục huy động các nguồn lực tài chính trong nước quan trọng bao gồm Ngân sách địa phương, Nguồn quỹ BHYT, Ngân sách Trung ương, Thu phí dịch vụ và huy động khu vực tư nhân và các nguồn xã hội hóa. Đến nay các nguồn tài chính trong nước đã đạt khoảng 42%. 
Câu 2: Thưa PGS.TS. PHAN THỊ THU HƯƠNG, chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Vậy khẩu hiệu này được hiểu ra sao thưa bà?
Công bằng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS có thể hiểu là việc đảm bảo rằng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được cung cấp cho tất cả mọi người dựa trên nhu cầu thực tế của họ, thay vì dựa vào khả năng tài chính, địa vị xã hội, hoặc các yếu tố khác.
Bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là việc bảo đảm mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc, khu vực sinh sống, tình trạng kinh tế hay bất kỳ đặc điểm cá nhân nào khác, đều có quyền sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà không bị phân biệt đối xử.
Kết thúc dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn ca nhiễm mới hay ca tử vong do AIDS, mà đảm bảo rằng AIDS không còn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, với các tiêu chí như số ca nhiễm HIV mới dưới 1.000 ca mỗi năm và tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con dưới 2%.

Câu 3: Vâng, vậy tại sao chọn chủ đề đó là chủ đề chính trong năm nay và ý nghĩa của nó với cộng đồng là gì?
Chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” mà Việt Nam lựa chọn trong năm 2024 có ý nghĩa quan trọng và được đưa ra dựa trên bối cảnh cụ thể. Trước hết, nó hưởng ứng chủ đề “Take the Rights Path” của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), nhằm nhấn mạnh vai trò của quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. UNAIDS cho rằng việc chăm sóc y tế lấy con người làm trung tâm, tùy vào nhu cầu, hoàn cảnh của mỗi người, để giúp họ có thể tiếp cận dịch vụ y tế hay dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách dễ dàng nhất sẽ giúp thế giới đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
Bên cạnh đó, đây còn là sự tiếp nối cam kết đã được thể hiện rõ tại Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS lần thứ 75 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2021. Tại hội nghị này, cộng đồng quốc tế, bao gồm Việt Nam, đã thông qua Tuyên bố Chính trị với mục tiêu: “Chấm dứt các bất bình đẳng và trở lại đúng hướng để kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. 
Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện sự cam kết thông qua việc xây dựng và thực hiện các chính sách cụ thể nhằm đảm bảo mọi người dân, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao, đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng và bình đẳng. Chính phủ đã thông qua Chiến lược Quốc gia phòng, chống AIDS, ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS (2006, sửa đổi năm 2020), và chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc các biện pháp can thiệp. Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW năm 2021 để tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, thể hiện sự quyết tâm cao độ trong việc thực hiện cam kết chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Việt Nam cũng đã triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ đa dạng và linh hoạt để giải quyết vấn đề khó khăn trong tiếp cận dịch vụ,. Ngoài các cơ sở điều trị HIV/AIDS công lập và tư nhân, đã có các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao. Việt Nam cũng đã tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trong làm việc với các nhóm nguy cơ cao. 
Chính vì vậy, việc Việt Nam chọn chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS" thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của UNAIDS mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. 

Câu 4: Với những gì bà chia sẻ, những rào cản nào trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, và theo nhận định của bà đâu là rào cản lớn nhất mà những người có H đang gặp phải và đặc biệt là tại các vùng có tỉ lệ dân trí thấp?
Việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS gặp phải nhiều rào cản, xuất phát từ cá nhân, xã hội, hệ thống y tế:
1. Rào cản xã hội
-  Kỳ thị và phân biệt đối xử: Người nhiễm HIV hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao (người nghiện ma túy, người bán dâm, người đồng tính, v.v.) thường bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Điều này khiến họ sợ bị phát hiện và ngần ngại tiếp cận các dịch vụ.
- Thiếu hiểu biết và nhận thức: Nhiều người không có kiến thức đầy đủ về HIV/AIDS, dẫn đến sợ hãi, định kiến sai lệch, hoặc không biết cách tiếp cận các dịch vụ.
2. Rào cản về hệ thống y tế
- Khó tiếp cận dịch vụ: Ở một số khu vực, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, khiến việc tiếp cận dịch vụ trở nên khó khăn.
- Thiếu nhân lực hoặc chuyên môn: Một số cơ sở y tế thiếu nhân viên được đào tạo để cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả và không kỳ thị.
- Chi phí dịch vụ: Mặc dù nhiều chương trình hỗ trợ miễn phí, nhưng một số dịch vụ bổ sung hoặc chi phí liên quan (đi lại, xét nghiệm bổ sung, thuốc men khác) vẫn gây trở ngại cho người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp.
3. Rào cản cá nhân
- Nỗi sợ bị phát hiện: Người thuộc nhóm nguy cơ cao lo ngại việc tham gia xét nghiệm hoặc điều trị có thể khiến họ bị người khác biết về tình trạng sức khỏe.
- Thiếu động lực hoặc ưu tiên thấp: Nhiều người không coi việc xét nghiệm, điều trị hoặc phòng ngừa HIV là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống.

Ngoài ra sự hợp tác chưa hiệu quả giữa các cơ quan y tế, giáo dục, nơi làm việc và các tổ chức xã hội khiến giảm hiệu quả của các chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Rào cản lớn nhất: Kỳ thị và phân biệt đối xử
Đây được coi là rào cản lớn nhất và khó vượt qua nhất. Kỳ thị không chỉ khiến người nhiễm HIV e ngại tiếp cận dịch vụ mà còn ảnh hưởng đến việc triển khai các chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng. 
Câu 5: Thưa PGS.TS. PHAN THỊ THU HƯƠNG, với những tân tiến trong quá trình điều trị HIV/AIDS được áp dụng trên thế giới và Việt Nam hiện nay và theo bà mô hình nào là hiệu quả nhất?
Hiện chúng ta đang triển khai mô hình dự phòng và điều trị liên tục. Theo đó, thì nhóm có hành vi nguy cơ cao sẽ được tiếp cận với xét nghiệm HIV. Các trường hợp xét nghiệm HIV dương tính sẽ được điều trị bằng thuốc ARV.
Đối với các trường hợp nhiễm HIV:
Đối với điều trị nhiễm HIV, hiện nay chúng ta đang triển khai điều trị ARV nhanh. Trường hợp không có các bệnh nhiễm trùng cơ hội nào cần trì hoãn điều trị ARV thì sẽ thực hiện điều trị ARV trong ngày. 
Tư vấn tuân thủ điều trị ARV là một can thiệp bắt buộc trong quá trình điều trị ARV vì chỉ có tuân thủ điều trị tốt thì người bệnh điều trị ARV mới có thể đạt đến ngưỡng K=K. Nghĩa là khi điều trị ARV hiệu quả, tải lượng HIV đạt xuống dưới ngưỡng 200 bản sao/ml thì người bệnh không làm lây truyền HIV sang bạn tình của họ khi quan hệ tình dục. Mặt khác khi người mẹ nhiễm HIV có tải lượng HIV dưới 50 bản sao vào lúc chuyển dạ thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ giảm từ 30-45% xuống còn dưới 0,5%. Như vậy sẽ cứu được rất nhiều đứa trẻ không bị nhiễm HIV từ mẹ.
Song song với điều trị ARV cho người nhiễm HIV, do đặc thù về đường lây truyền, người bệnh HIV có nguy cơ mắc các bệnh đồng nhiễm rất cao. Tỷ lệ nhiễm viêm gan vi rút C ở người nhiễm HIV trung bình 30%, viêm gan B ở người nhiễm HIV có tiêm chích ma túy có nơi lên đến 90%. Vì vậy, hiện nay cùng với việc điều trị ARV, chúng ta đang mở rộng các can thiệp điều trị bệnh viêm gan vi rút B, viêm gan vi rút C cho người bệnh HIV. Trong giai đoạn 2021- 2022, với sự hỗ trợ từ Dự án Quỹ toàn cầu, chúng ta đã điều trị bệnh viêm gan C cho 16.000 người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C với tỷ lệ khỏi bệnh viêm gan C là 96,4%.
Lao là một bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp ở người bệnh HIV. Người bệnh HIV nếu không được điều trị dự phòng bệnh lao thì nguy cơ mắc bệnh lao cao gấp 8 lần so với người không nhiễm HIV. Vì vậy, hiện chúng ta đang đẩy mạnh việc sàng lọc bệnh lao, điều trị lao tiềm ẩn và điều trị bệnh lao ở người bệnh HIV;
Người nhiễm HIV điều trị ARV sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn so với việc không điều trị ARV. Và họ cũng đối mặt với các bệnh không lây nhiễm khác như bệnh cao huyết áp, rối loạn lipid máu, ung thư cổ tử cung …giống như người không nhiễm HIV. Tuy nhiên, nguy cơ mắc các bệnh này ở người bệnh HIV thì thường cao hơn ở người không nhiễm HIV. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương thì Cứ 2 BN HIV có 1 người bị rối loạn lipid máu, 4 người có 1 người cao huyết áp. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở phụ nữ nhiễm HIV cao gấp 6 lần so với ở phụ nữ không nhiễm HIV. 
Chính vì vậy, hiện nay, cùng với việc mở rộng điều trị ARV, điều trị viêm gan vi rút C, viêm gan vi rút B, lao, chúng ta đang lồng ghép cung cấp sàng lọc, chẩn đoán và điều trị các bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV.
Đối với các trường hợp HIV âm tính:
-    Sẽ được tư vấn, cung cấp các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV còn gọi là PrEP, cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị thay thế bằng methadone… 
-    Bằng việc sử dụng thuốc ARV trước khi có hành vi nguy cơ phơi nhiễm với HIV thì PrEP là một can thiệp dự phòng nhiễm HIV hiệu quả với tỷ lệ dự phòng nhiễm HIV qua quan hệ tình dục với đường uống đối với lên đến 97%, qua đường tiêm lên đến 99%.

Câu 6: Vâng thưa bà, mô hình PrEP là phương án dễ tiếp cận, kịp thời, nhanh chóng, đến nay việc định hướng áp dụng, triển khai ra sao? 
Xác định PrEP là một can thiệp hiệu quả trong dự phòng nhiễm HIV, ngay sau khi thăm quan học tập tại Thái Lan vào năm 2016, năm 2017- 2018, chúng ta thí điểm PrEP tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Từ năm 2019 đã mở rộng chương trình. Hiện nay chương trình PrEP đang được triển khai tại 31 tỉnh/thành phố với trên 200 cơ sở y tế đang cung cấp dịch vụ này. Trên 80% người sử dụng dịch vụ PrEP thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.  Đến hết tháng 12/2023, số người đã từng sử dụng PrEP tại Việt Nam trong năm 2023 lên đến trên 67.000 người. Với kết quả ấn tượng này, Việt Nam trở thành nước dẫn đầu châu Á trong việc triển khai PrEP và là một trong 10 sự kiện của ngành y tế năm 2023. 
Hiện nay chương trình cũng tiếp tục được mở rộng mạnh mẽ. Số lượng khách hàng từng sử dụng dịch vụ PrEP từ tháng 1 đến tháng 10/2024 là gần 69.000 người, tăng hơn so với số lượng cùng kỳ năm 2023.
Về vấn đề thuốc ARV cho PrEP. Hiện nay trên thế giới không chỉ có PrEP đường uống, mà còn có thuốc ARV đường tiêm tác dụng kéo dài. Hiện có 02 loại thuốc ARV đường tiêm tác dụng kéo dài. Một loại thì tiêm 2 tháng/lần, một loại thì tiêm 6 tháng/lần. Việc sử dụng thuốc ARV đường tiêm tác dụng kéo dài này sẽ hỗ trợ cho việc tuân thủ điều trị PrEP, hạn chế tình trạng quên, bỏ thuốc như đường uống. Ngoài ra, cũng có một dạng dùng dành riêng cho phụ nữ đó là thuốc dạng vòng đặt âm đạo với thời gian đặt định kỳ hằng tháng. Tuy nhiên, hiện nay các thuốc tiêm và đường đặt âm đạo chưa sẵn có tại Việt Nam. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang làm việc với các đơn vị liên quan để triển khai thí điểm thuốc ARV dạng tiêm tác dụng kéo dài cho PrEP vào năm 2025.
Với hiệu quả các can thiệp PrEP như trên, những định hướng chính của PrEP tại Việt Nam như sau:
1. Tiếp tục mở rộng việc cung cấp dịch vụ PrEP cho quần thể có hành vi nguy cơ cao, ưu tiên cho hành vi lây truyền qua đường tình dục hướng đến mục tiêu 70% nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới được tiếp cận và sử dụng dịch vụ PrEP
2. Tiếp tục đa dạng thuốc ARV cho PrEP, không chỉ PrEP đường uống như hiện nay mà từng bước mở rộng PrEP đường tiêm.
3. Tiếp tục huy động sự tham gia của các nhóm cộng đồng trong việc hỗ trợ tiếp cận với quần thể nguy cơ và vai trò của y tế tư nhân trong cung cấp PrEP.

Câu 7: Có thể thấy tầm quan trọng của việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của giới trẻ trong việc đẩy lùi HIV/AIDS. Việc nâng cao hiệu quả đó cần sự đầu tư và chú trọng ra sao và theo bà yếu tố nào sẽ quyết định thành công trong công tác chấm dứt dịch bệnh vào năm 2030?

Truyền thông nâng cao nhận thức cho giới trẻ về HIV/AIDS có thể coi là yếu tố then chốt trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh và việc này cần được thực hiện lâu dài và có chiến lược. Do vậy cần đầu tư và chú trọng:
a) Đổi mới và nâng cao chất lượng truyền thông
Tận dụng công nghệ: Đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok, Instagram, YouTube) và các kênh trực tuyến mà giới trẻ ưa chuộng.
Tạo nội dung gần gũi: Sử dụng ngôn ngữ phù hợp, hình thức hấp dẫn như video, infographic, meme, và các câu chuyện có thật.
Tích hợp trong giáo dục: Đưa nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình giáo dục chính khóa và ngoại khóa, đặc biệt trong giáo dục giới tính.
b) Tăng cường tiếp cận thông tin
Tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, hoặc sự kiện truyền thông về phòng chống HIV/AIDS tại trường học, cộng đồng với nội dung hấp dẫn, thu hút.
Phát triển các ứng dụng, trang web cung cấp thông tin chính thống, tư vấn trực tuyến cho giới trẻ.
c) Thúc đẩy các hoạt động trải nghiệm
Thành lập các nhóm, các câu lạc bộ sinh viên để tuyên truyền về HIV/AIDS.
Tạo sân chơi kết hợp giáo dục, như các cuộc thi tìm hiểu, cuộc thi sáng tạo các chủ đề, thi hùng biện về HIV/AIDS…
d) Đảm bảo dịch vụ hỗ trợ
Cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho giới trẻ.
Phổ biến và đảm bảo khả năng tiếp cận với các biện pháp dự phòng như bao cao su, PrEP…
Như vậy, yếu tố quyết định thành công: cần có các chiến lược nâng cao nhận thức, giáo dục cộng đồng nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS:
- Khuyến khích giới trẻ tham gia lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá các chương trình truyền thông. 
- Gia đình cần mở lòng trò chuyện và định hướng sớm cho con cái về sức khỏe tình dục.
- Nhà trường cần tạo môi trường học tập thân thiện, không kỳ thị và đưa giáo dục giới tính vào chương trình học.
- Xóa bỏ rào cản tâm lý để giới trẻ thoải mái tìm kiếm thông tin và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến HIV/AIDS.
- Cần sự phối hợp giữa các cơ quan y tế, giáo dục.
Câu 8: Và câu hỏi cuối cùng thưa PGS.TS. PHAN THỊ THU HƯƠNG, trong thời gian tới là khoảng thời gian gấp rút thực hiện sứ mệnh chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, và để kiểm soát tốt, đạt hiệu quả chúng ta cần chú trọng vào những vấn đề gì?
Trước tiên, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; cần đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện.
Thứ hai, cần đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ HIV/AIDS phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, địa lý của từng địa phương.
Thứ ba, khuyến khích sự tham gia chủ động, sáng tạo của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng trong triển khai thực hiện.
Thứ tư, trong bối cảnh viện trợ quốc tế đang giảm dần, các địa phương cần ưu tiên phân bổ, huy động kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để đảm bảo các dịch vụ thiết yếu.
Thứ năm, nâng cao năng lực và phát triển đội ngũ cán bộ y tế tại các tuyến cơ sở, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa. Đây là những người sẽ trực tiếp đưa dịch vụ đến với những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, giúp mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân và góp phần giảm tải cho các cơ sở tuyến trên.