CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > PrEP – Một trong những giải pháp hiệu quả nhất giúp giảm ...

Thứ Sáu, 03/01/2025 | 06:22:54 GMT+7

PrEP – Một trong những giải pháp hiệu quả nhất giúp giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng MSM.

06/11/2020 | 1944 lượt xem

Sáng 05/11, tại Hà Nội, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Dự án USAID PATH Healthy Markets và Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tổ chức Hội thảo "Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) 2018-2020 và kế hoạch 2021". Hội thảo nhằm nhìn lại kết quả triển khai chương trình dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giai đoạn 2018-2020 với nhiều kết quả hết sức tích cực, cũng như thảo luận để đẩy nhanh tốc độ phủ rộng của PrEP, hướng tới mụ

Hội thảo do PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chủ trì. Tham dự Hội thảo có PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Bà Ritu Singh, Giám đốc phòng y tế, cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam; Bà Ramona Bhatia, cố vấn y tế cao cấp, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; Bà Kimbery Green, Giám đốc tổ chức PATH; Ông Vũ Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Dự án USAID/PATH Healthy Markets (HM). Cùng tham dự còn có hơn 150 đại biểu là Lãnh đạo các Phòng và chuyên viên Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Lãnh đạo Sở Y tế và cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS; cơ sở điều trị PrEP và các nhóm CBOs của các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn La, Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An; đại diện các tổ chức quốc tế: PEPFAR, USAID, U.S. CDC, Quỹ Toàn cầu (GF), PATH, FHI 360, cùng các đối tác trong chương trình, các phòng khám cung cấp dịch vụ PrEP, tổ chức cộng đồng.
Anh-Long-va-ba-Ritu.jpg
PrEP viết tắt từ tiếng Anh (Pre-exposure prophylaxis ), có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Nó có nghĩa là một người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) mỗi ngày để dự phòng không bị nhiễm HIV. PrEP là liệu pháp dự phòng mang tính đột phá, có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV tới hơn 92% nếu được sử dụng hàng ngày. Đầu năm 2017, PrEP lần đầu tiên được giới thiệu ở Việt Nam trong chương trình thí điểm do Cục Phòng, chống HIV/AIDS và dự án USAID PATH Healthy Markets phối hợp triển khai tại 02 thành phố là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Kết quả thí điểm cho thấy không có trường hợp nào bị nhiễm HIV sau khi điều trị PrEP và có tính khả thi, hiệu quả, chấp nhận của người có nguy cơ cao đối với điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP.
Hiện tại, Việt Nam đang ở năm thứ 2 triển khai mở rộng chương trình dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại 27 tỉnh, thành phố và đã có những điều chỉnh phù hợp để tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu của nhóm đích.
Đánh giá việc triển khai mở rộng chương trình PrEP qua 2 năm qua cho thấy Việt Nam đang trên lộ trình tiến tới loại trừ AIDS vào năm 2030.
Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ khi khởi động chương trình PrEP năm 2017, đã có hơn 12.000 người đăng ký sử dụng PrEP. Dịch vụ PrEP nhận được sự quan tâm của nhóm đích với số lượng đăng ký sử dụng ngày càng tăng và tỷ lệ người tiếp tục sử dụng PrEP cao.
Việc triển khai PrEP không ngừng được đổi mới và sáng tạo nhằm cung cấp các lựa chọn tiếp cận mới và đa dạng cho những người có nguy cơ nhiễm HIV.
Anh-Long-phat-bieu.jpg
Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; trong đó có việc giảm được số lượng trường hợp mắc hằng năm, giảm được số lượng tử vong và đã đạt được mục tiêu kiểm soát HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao đã giảm rất rõ rệt như, trước đây tỷ lệ HIV trong nhóm tiêm chích ma túy lên đến gần 30%, đến nay tỷ lệ này chỉ còn khoảng 10%; tương tự ở nhóm phụ nữ mại dâm cũng giảm đến 2/3. Tuy nhiên tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang gia tăng nhanh. “PrEP giúp giảm từ 95-98% khả năng lây nhiễm HIV trong cộng đồng sử dụng PrEP. Cụ thể, trong 10.000 trường hợp điều trị PrEP chỉ có 8 người dương tính với HIV, trong khi nếu không được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, số lượng người nhiễm mới khoảng 700 người. Việt Nam phấn đấu có khoảng 30% người trong cộng đồng MSM được sử dụng PrEP vào năm 2025 (tương đương khoảng 60.000 người) và tỷ lệ này sẽ đạt lên 40% vào năm 2030 (tương đương 80.000 người)”. Ông cũng khẳng định: hiện nay, PrEP là một trong những giải pháp hiệu quả nhất giúp giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng MSM.
Anh-Hai-trinh-bay.jpg
Tại Hội thảo, Các đại biểu đã được nghe Ths. BS. Nguyễn Hữu Hải, Phó trưởng phòng Điều trị và chăm sóc HIV trình bày kết quả triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Một điểm mới của chương trình điêu trị dự phòng trước phơi nhiễm năm nay có thêm PrEP tình huống (ED-PrEP) . Hiện nay theo báo cáo thì có 254 khách hàng sử dụng PrEP theo tình huống. Theo chia sẻ tại hội thảo thì có 76 cơ sở y tế nhà nước cung cấp dịch vụ PrEP cho khoảng hơn 6000 khách hàng và Y tế tư nhân với 20 cơ sở cung cấp cho khoảng 5800 khách hàng. Hiện nay thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 địa phương có số khách hàng sử dụng PrEP nhiều nhất.
Tung-trinh-bay.jpg
Cũng theo Ths. Trần Thanh Tùng, đại diện Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS: Xu hướng truyền thông năm tới sẽ tập trung vào nhóm đích MSM; đa dạng hóa truyền thông qua mạng xã hội cũng như các ứng dụng hẹn hò và tạo ra chiến dịch thân thiện với người dùng đồng thời chú ý đến những người có ảnh hưởng đến khách hàng đích.
Chương trình truyền thông tạo cầu cũng là một trong những chương trình quan trọng nhằm thu hút và tăng số lượng khách hàng tham gia sử dụng PrEP. Trong đó, các kênh truyền thông qua mạng xã hội như Facebook, các ứng dụng hẹn hò của nhóm đồng tính Nam (Blued) cũng rất quan trọng vì giúp tăng cường quảng bá chương trình PrEP. Những mạng xã hội và ứng dụng này khu trú và quảng bá trực tiếp đến đối tượng đích, thu hút sự quan tâm của các đối tượng đích. Đồng thời việc tiếp tục truyền thông đại chúng và truyền thống cũng giúp tiếp cận các khách hàng đến với chương trình.
Cũng tại hội thảo, TS. Benjamin Bavinton, Nghiên cứu viên cấp cao, Trưởng nhóm nghiên cứu dự phòng hành vi sinh học Chương trình Dự phòng và Dịch tễ học HIV, Viện Kirby, Đại học UNSW Sydney cũng chia sẻ trực tuyến với các đại biểu về việc mở rộng quy mô PrEP để có tác động tại Úc.
Ba-Ritu-phat-bieu.jpg
Bà Ritu Singh - Giám đốc Văn phòng Y tế Việt Nam của USAID cho biết: “Chúng tôi cam kết hỗ trợ Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các đối tác giới thiệu các chiến lược dự phòng mới dựa trên bằng chứng khoa học đáng tin cậy, đảm bảo khách hàng PrEP nhận được sự hỗ trợ cần thiết để tiếp tục sử dụng PrEP. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác để giúp hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này.”
Chương trình PrEP quốc gia được xây dựng dựa trên những thực hành tốt nhất trên toàn cầu và nghiên cứu nhu cầu của nhóm đích.
Ba-Kim.jpg
Tiến sỹ Kimberly Green - Giám đốc Chương trình toàn cầu về HIV và Lao của PATH, giám đốc dự án USAID/PATH Healthy Markets cho biết chương trình PrEP được nhân rộng bằng cách tích hợp toàn diện các dịch vụ PrEP ở cả phòng khám công và tư, song song với các chiến dịch tạo cầu với sự tham gia của cộng đồng ngay từ khâu thiết kế chương trình. Các nhóm đích sẽ chỉ tiếp cận dịch vụ nếu họ biết thông tin và cảm thấy an toàn, tin tưởng người cung cấp dịch vụ.
Dự án USAID/PATH Healthy Markets đã hỗ trợ các tổ chức cộng đồng tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ PrEP, điều chỉnh dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, cùng đồng hành thiết kế các chiến dịch và sự kiện hướng tới khách hàng, đồng thời thực hiện một chương trình cải tiến chất lượng liên tục nghiêm ngặt.
Ba-Loan-Phong-kham-Tay-Ho.jpg
Bác sỹ Nguyễn Loan, Trưởng phòng khám ngoại trú quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết vẫn còn khoảng trống trong việc cung cấp PrEP cũng như các dịch vụ liên quan đến HIV khác cho nhóm đích tại Hà Nội. Thời gian qua phòng khám đã hợp tác với USAID/PATH Healthy Markets trong nhiều năm để cung cấp thông tin quan trọng và các dịch vụ y tế cho cộng đồng. Với sự hỗ trợ từ dự án, chúng tôi đã trở thành một điểm đến an toàn của cộng đồng.

Chi-Phan-Huong.jpg
Kết thúc hội thảo, PGS. TS. Phan Thị Thu Hương đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các tổ chức: PEPFAR, USAID, PATH, WHO, Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, các tỉnh/thành phố, các đối tác liên quan đã có những hỗ trợ quý báu về kỹ thuật và tài chính để triển khai dịch vụ PrEP trong 02 năm qua. Trong giai đoạn tới, mong muốn các Dự án, các nhà tài trợ sẽ tiếp tục cùng chung tay để mở rộng và triển khai chương trình PrEP tốt hơn nữa góp phần hoàn thành chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Dai-bieu-thao-luan.jpg
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trình bày và thảo luận kết quả đã đạt được, các khó khăn, thách thức xuất hiện trong quá trình triển khai dịch vụ, tìm ra các giải pháp và kế hoach tối ưu cho mục tiêu đã đề ra trong năm 2021 và những năm tới.

Một số hình ảnh tại Hội thảo

Anh-Long-tra-loi-phong-van.jpg
1. Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long tham gia trả lời phỏng vấn của báo chí bên lề Hội thảo

Chup-anh-luu-niem.jpg
2. Các đại biểu hào hứng chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Gian-hang-1.jpg
3. Các gian hàng thu hút sự quan tâm của đại biểu tham dự

Tiet-muc-thoi-trang.jpg
4. Tiết mục trình diễn thời trang của Nhóm cộng đồng

NVân