PrEP là sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV. Với hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV tới trên 90%, PrEP đã là một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV rất hiệu quả. Tuy nhiên, một số ngưởi sử dụng PrEP cũng có thể gặp một số các tác dụng không mong muốn, vậy các tác dụng phụ đó là gì và cách xử trí như thế nào?
Hiệu quả của PrEP trong dự phòng lây nhiễm HIV đạt hơn 90%
Các thử nghiệm về PrEP đã diễn ra ở châu Phi, châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Hiệu quả của thuốc đã được ghi nhận sau những thử nghiệm lâm sàng trên nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ, người dị tính và cả những người tiêm chích ma túy. Tuy nhiên, để PrEP có thể phát huy được tối đa hiệu quả, người dùng phải tuân thủ việc uống thuốc mỗi ngày và đúng giờ.
Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV lên đến trên 90% ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
PrEP hiện nay ở dạng viên nén nên rất dễ sử dụng
Sự an toàn của PrEP khi sử dụng
PrEP rất an toàn, không có tác dụng phụ đối với 90% người sử dụng.
Chỉ khoảng 10% người sử dụng gặp một số tác dụng phụ nhẹ, thoáng qua lúc đầu, như tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn, đau quặn bụng hoặc đầy hơi. Một số người có thể chóng mặt hoặc đau đầu. Các tác dụng phụ này thường kéo dài trong vài ngày hay vài tuần, nhưng thường không quá 1 tháng mà không cần ngừng PrEP.Đặc biệt, phương pháp này an toàn với hầu hết người sử dụng, bao gồm cả phụ nữ mang thai và cho con bú.
Ai không dùng được PrEP?
Mặc dù sử dụng PrEP có hiệu quả cao và an toàn, tuy nhiên không phải tất cả mọi người có nhu cầu đều có thể đều dùng được PreP. Những người sau đây không dùng được PrEP:
Với PrEP uống hàng ngày, không chỉ định dùng PrEP cho:
- Người có HIV dương tính.
- Người có bệnh lý về thận.
- Người có dấu hiệu nhiễm HIV cấp hoặc có khả năng mới nhiễm HIV.
- Người dị ứng hoặc có chống chỉ định với bất kỳ thuốc nào trong phác đồ PrEP.
- Người nhẹ cân (dưới 35 kg);
- Người phơi nhiễm với HIV trong vòng 72 giờ qua.
- Nếu chỉ có một bạn tình duy nhất, xét nghiệm tải lượng HIV của bạn tình nhiễm HIV đang điều trị ARV <200 bản sao/ml và tuân thủ điều trị tốt.
Với PrEP uống theo tình huống, PrEP cũng không phù hợp với:
- Phụ nữ hoặc người chuyển giới nữ.
- Chuyển giới nam có quan hệ tình dục qua đường âm đạo.
- Nam quan hệ tình dục với nữ qua đường âm đạo/hậu môn.
- Người có viêm gan B mạn tính.
- Người tiêm chích ma túy.
Do vậy cần xét nghiệm trước khi sử dụng PrEP
- Một người cần xét nghiệm HIV trước khi bắt đầu PrEP hoặc khi tái sử dụng PrEP sau khi đã dừng một thời gian. Chỉ dùng PrEP khi kết quả xét nghiệm HIV âm tính. PrEP không dùng để điều trị người đã nhiễm HIV. Dùng PrEP ở những người đã nhiễm HIV có thể dẫn đến kháng thuốc, làm hạn chế hiệu quả điều trị sau này.
- PrEP không phòng ngừa được các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác ngoài HIV như giang mai, lậu và chlamydia. Do vậy bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm các nhiễm khuẩn lây truyển qua đường tình dục khi có nghi ngờ mắc bệnh hoặc để tầm soát bệnh, Khi dùng PrEP cũng vẫn cần sử dụng bao cao su đúng cách mỗi lần quan hệ tình dục để bảo vệ bạn không mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục này.
Nên theo dõi chức năng gan, thận khi sử dụng PrEP
Cần làm gì trước khi sử dụng PrEP?
Trước khi sử dụng PrEP, người dùng cần phải xét nghiệm HIV, và nên xét nghiệm cả chức năng gan và thận. Người dùng đặc biệt lưu ý, thuốc PrEP chỉ dành cho những người âm tính với HIV.
Tư vấn trước khi dùng PrEP
PrEP được cung cấp ở đâu?
Hiện nay PrEP được cung cấp tại 26 tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc, với tác dụng của PrEP, Bộ Y tế dự kiến sẽ triển khai biện pháp điều trị dự phòng ra tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong thời gian tới.
Hãy liên hệ với các cơ sở điều trị HIV/AIDS hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để được biết thêm thông tin chi tiết.