CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin bộ, ngành TW > Quản lý sau cai nghiện, hỗ trợ tạo việc làm là giải pháp ...

Chủ Nhật, 28/04/2024 | 23:44:15 GMT+7

Quản lý sau cai nghiện, hỗ trợ tạo việc làm là giải pháp quan trọng, lâu dài

26/01/2024 | 452 lượt xem

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của UBQG phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, tổ chức ngày 26/1, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường công tác quản lý sau cai nghiện, triển khai các chính sách tín dụng, hỗ trợ tạo công ăn việc làm để người sau cai nghiện có cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế, phòng chống tái nghiện.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị

Thông tin tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện toàn quốc có 229.265 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy, trong đó có 43.748 người sử dụng trái phép chất ma túy; 170.521 người nghiện ma túy trong đó có hơn 71.000 người đang ở ngoài xã hội chiếm 42%. Hàng nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá".
Đây được xác định là "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy rất lớn, gây áp lực cho công tác phòng, chống ma túy, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cao tội phạm về ma túy, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác, gây mất ANTT tại nhiều địa phương.
Đáng chú ý, tình trạng lái xe, nhất là lái xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dương tính với ma túy tiếp tục gia tăng. Hoạt động sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về ANTT tiếp tục có xu hướng diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tấn công mạnh "nguồn cung" và giảm "cầu". Đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp sớm xây dựng dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến ma túy để phục vụ kết nối, điều hành, quản lý, đấu tranh của các cơ quan chức năng, góp phần phát hiện sớm, tránh để tình trạng lọt người nghiện, người nghiện ở bên ngoài xã hội.
"Các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho những người yếu thế trong xã hội, cho vay tín chấp để họ có cơ hội làm ăn, đây là vấn đề rất quan trọng", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.
 
Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của UBQG phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm - Ảnh: VGP
Xem xét xây dựng đề án dạy nghề cho người sau cai nghiện
Từ góc độ địa phương, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, Thành phố xác định giải pháp giảm cầu thông qua các biện pháp tuyên truyền phòng ngừa, tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện, hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện là giải pháp quan trọng, cần thiết và lâu dài.
Tính đến ngày 14/12/2023, tổng số người sử dụng và nghiện ma túy trên địa bàn TP.Hà Nội là 17.841 người có hồ sơ quản lý. Trong đó, số có mặt tại cộng đồng là 14.474 người. Tình hình người sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng trên địa bàn…
Trong thời gian qua, TP.Hà Nội đã xây dựng và triển khai các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người cai nghiện sớm phục hồi và hòa nhập cộng đồng, phấn đấu đến năm 2025, 100% xã phường trên địa bàn toàn Thành phố áp dụng ít nhất một mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy.
Để hoàn thành chỉ tiêu nêu trên, Thành phố tập trung triển khai 5 giải pháp. Thứ nhất, đó là công tác tuyên truyền. Thứ hai, thường xuyên tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ tham gia quản lý, triển khai thực hiện các mô hình.
Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp, rà soát, phân loại, quản lý người sau cai nghiện ma tuý tại nơi cư trú, vận động, thu hút người sau cai tham gia mô hình. Thứ tư, tăng cường phối hợp, rà soát, phân loại, quản lý người sau cai nghiện ma tuý tại nơi cư trú, vận động, thu hút người sau cai tham gia mô hình. Thứ năm, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả mô hình.
Năm 2023, toàn Thành phố đã phát triển 181 mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. Lũy kế đến thời điểm hết năm 2023, Hà Nội có tổng số 470 mô hình hỗ trợ người sau cai nghiện tìm lại chính mình trong môi trường gia đình, cộng đồng.
Có thể kể đến, mô hình Câu lạc bộ "Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy" (Câu lạc bộ B93). Hiện có 98 câu lạc bộ đang hoạt động hiệu quả tại nhiều địa phương Hay mô hình "Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng". Thông qua hơn 330 mô hình đang hoạt động, các tình nguyện viên đã tiếp cận, tư vấn, giúp đỡ về nhiều mặt cho hàng vạn lượt người sau cai nghiện ma túy, người thuộc nhóm nguy cơ cao...
Ngoài hai mô hình nêu trên, Hà Nội còn có 36 mô hình "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng" đang hoạt động, cung cấp kịp thời nhiều dịch vụ hỗ trợ giảm tác hại cho người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy tại cộng đồng; đồng thời chuyển gửi nhiều trường hợp đến các dịch vụ hỗ trợ xã hội chuyên sâu (điều trị cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy; điều trị thay thế bằng thuốc Methadone; xét nghiệm HIV, viêm gan B, C...). Đối với những trường hợp có tình trạng sức khỏe tốt, quyết tâm tránh xa ma túy và có nhu cầu việc làm, họ được kết nối để tiếp cận với cơ hội việc làm, học nghề, vay vốn để tự tạo việc làm...
Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Sơn, hiện nay việc thực hiện các quy định mới về quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ gặp một số khó khăn, vướng mắc do chưa có quy định cụ thể về công tác phối hợp quản lý, chế độ quản lý, chế độ đánh giá người cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.
Bên cạnh đó, chưa có chính sách khuyến khích, ưu đãi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Công tác hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện tại nơi cư trú chưa huy động được nguồn lực của xã hội. Số người sau cai nghiện khi về địa phương được hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ học nghề còn hạn chế.
Một khó khăn nữa, đó là chưa có chính sách hỗ trợ tín dụng riêng cho người sau cai nghiện ma túy và hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy, do đó họ khó tiếp cận các nguồn vốn vay.
Lãnh đạo UBND.TP Hà Nội đề xuất các bộ ngành chức năng tổ chức đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; trên cơ sở đó, đề xuất xem xét, sửa đổi bổ sung một số điều liên quan đến công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, công tác quản lý sau cai nghiện để bảo đảm sát với thực tiễn và hiệu quả khi triển khai tại cơ sở.
Tổ chức chương trình tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu, toạ đàm, hỗ trợ thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì hiệu quả các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý; xây dựng Khung định mức kinh tế - kỹ thuật cho mô hình "Tư vấn pháp lý, xã hội và chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện" đã triển khai tại Hà Nội, giai đoạn 2019 -2020.
Triển khai các chính sách tín dụng đối với người sau cai nghiện và hộ gia đình người sau cai nghiện, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế để họ có thể tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi, có cơ hội làm ăn phát triển kinh tế, phòng chống tái nghiện. Đồng thời xây dựng đề án đào tạo nghề cho người sau cai nghiện ma túy...

Theo Tiếng chuông Chính phủ