CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin bộ, ngành TW > Quyền chuyển đổi giới tính - cần một hành lang pháp lý

Thứ Sáu, 27/12/2024 | 11:17:14 GMT+7

Quyền chuyển đổi giới tính - cần một hành lang pháp lý

14/12/2019 | 11901 lượt xem

Chuyển đổi giới tính tuy là vấn đề xã hội không mới nhưng là vấn đề nghiên cứu luôn luôn mới không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới.

Tại Việt Nam, nghiên cứu về người chuyển giới mới chỉ là “đang bắt đầu” và bắt đầu một cách rè rặt, cộng với nhiều “nút thắt”, làm hạn chế không nhỏ đến đời sống xã hội của người chuyển giới. Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến những hạn chế đó là do Nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý về quyền của người chuyển giới.

3-12-ht-chuyen-gioi-1-.jpg

TS. Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam (đứng) và PGS.TS. Hoàng Văn Tú - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội (bên phải) đồng chủ trì Hội thảo
Tại Hội thảo "Thực trạng và Giải pháp chính sách về quyền của người chuyển giới" chiều 3/12 tại Hà Nội, do Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thông tin phi chính phủ (NGO-IC) tổ chức, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia của Bộ Y tế, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội và các tổ chức xã hội thuộc Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) đã nhấn mạnh tính cấp thiết phải có một hành lang pháp lý cho người chuyển giới (NCG) ở nước ta.

3-12-ht-chuyen-gioi-6-.png

Quang cảnh Hội thảo

Chủ trì và phát biểu tại Hội thảo, TS. Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội bày tỏ, đây là hội thảo lần đầu tiên mà Liên Hiệp Hội Việt Nam tổ chức nghiên cứu và cũng là cơ hội để nhìn nhận lại về quyền của NCG trong thực tế xã hội của nước ta cũng như trên thế giới.
"Thực trạng về chuyển đổi giới tính ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Những khó khăn mà NCG phải đối mặt hiện nay ra sao, liệu nhu cầu về chuyển giới có phụ thuộc vào tiến bộ y học không hay do sự phát triển của xã hội? Điều kiện để được công nhận giới tính? hành lang pháp lý liên quan đến NCG hiện đang ở đâu, có những bất cập gì? Luật cần quy định thế nào để NCG thuận lợi hơn trong cuộc sống... là những câu hỏi cần được làm rõ, từ đó mới có kiến nghị về chính sách để đảm bảo quyền cho NCG trong xã hội" - TS. Phan Tùng Mậu nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, BS. Đỗ Thị Vân - Giám đốc Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi Chính phủ cho biết, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ NCG chiếm từ 0,3 - 0,5% dân số. Như vậy, Việt Nam ước tính có khoảng từ 290.000 - 480.000 NCG. Một bộ phận NCG gặp rất nhiều khó khăn khi chưa có hành lang pháp lý đối với quyền của họ cả trong việc chuyển đổi giới tính, đặc biệt là vấn đề điều trị nội tiết tố và thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính; việc bị phân biệt đối xử trong cuộc sống, quyền về việc làm, học tập và sức khỏe cũng gặp những trở ngại lớn. Bức tranh thực tế xã hội và người mong muốn chuyển đổi giới tính hiện nay đang phản ánh có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn trong quyết định của NCG. Họ đang gặp quá nhiều khó khăn và sẽ còn thiệt thòi hơn nếu không được luật pháp bảo vệ - BS. Đỗ Thị Vân nhận định.
Tham luận tại Hội thảo, BS. LG. Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia Việt Nam cho biết: Hiện nay, trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, việc nhìn nhận khách quan, đầy đủ về cộng đồng NCG trong xã hội còn nhiều hạn chế do chịu sự tác động bởi các yếu tố chính trị, lịch sử truyền thống, văn hóa, xã hội, định kiến, sự kỳ thị.... và tạo nên nhiều áp lực đối với đời sống của cộng đồng NCG[1].

3-12-ht-chuyen-gioi-1-.png

BS. LG. Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, IV/AIDS, phát biểu tại Hội thảo
Bà Trâm cho rằng, mong muốn lớn nhất của NCG hiện nay là pháp luật về chuyển đổi giới tính sớm được ban hành để giảm bớt khó khăn cho những người muốn được chuyển đổi giới tính. “Việc ban hành Luật Chuyển đổi giới tính càng chậm càng gây khó khăn, không đảm bảo quyền cho NCG trong việc đảm bảo quyền thực hiện chuyển đổi giới tính, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được sống, được làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” - bà Trâm chia sẻ.
Hiện nay ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đã công nhận sự tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Thực hiện quy định này, Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015, tại Điều 37 công nhận quyền được chuyển đổi giới tính, nhưng “Việc chuyển đổi giới tính phải được thực hiện theo quy định của luật”[2]. Do vậy, việc ban hành Luật là điều hết sức cấp thiết và là mong muốn hợp pháp của cộng đồng NCG cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Chừng nào chưa có Luật thì những vấn đề phức tạp trong cộng đồng NCG vẫn còn nảy sinh và có những hệ lụy khó lường đối với xã hội. NCG không được tư vấn thăm khám tâm lý về y tế cả trước, trong và sau khi thực hiện can thiệp y tế; muốn can thiệp y tế, NCG phải ra nước ngoài, hoặc làm “chui” tại các cơ sở y tế trong nước không được cấp phép; sau khi can thiệp y tế, NCG rất khó khăn trong việc làm lại các giấy tờ tùy thân, như căn cước công dân, hộ tịch, hộ khẩu; bị kỳ thị, phân biệt đối xử và khó tìm kiếm việc làm ổn định,...
Giới thiệu về những điểm chính Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, Bà Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên chính Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, cách đây hơn 4 năm, Bộ Y tế đã được Chính phủ giao chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện quyền của người chuyển đổi giới tính. Trong 4 năm qua, Dự thảo Luật đã được xây dựng với sự tham gia đóng góp của nhiều tổ chức cộng đồng, các cơ quan hữu quan và đang tiếp tục ghi nhận những đóng góp, sửa đổi.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên chính Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội thảo
“Dự thảo Luật có 5 chương, 25 điều. Ngoài các quy định chung (chương I), Dự thảo luật nhằm đảm bảo hướng đến các quy định pháp lý về: Quyền của NCG (chương II). Điều kiện đối với cá nhân đề nghị chuyển đổi giới tính (chương III); Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân thực hiện xác định tâm lý, can thiệp y học để chuyển đổi giới tính (chương IV). Công nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính (chương 5)" - Bà Thủy cho biết.
Quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo Luật đã bám sát các nguyên tác cơ bản của chuyển đổi giới tính: 1) Đảm bảo cho NCG được sống thật với giới tính của họ. 2) Thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trên cơ sở tự nguyện của người đề nghị chuyển đổi giới tính. 3) không kỳ thị, phân biệt đối xử với NCG và gia đình họ. 4) Tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền của người chuyển đổi giới tính. 5) Việc chỉnh sửa thông tin hộ tịch của NCG sau khi được công nhận giới tính mới sẽ không làm thay đổi các quyền nghĩa vụ pháp luật mà người đó có trước khi chỉnh sửa thông tin.
Theo đó, Dự thảo Luật đề ra các quyền của người chuyển đổi giới tính và các hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể về quyền của người chuyển đổi giới tính là: Được tư vấn hỗ trợ về tâm lý, y tế trước, trong và sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật cá nhân và quyền riêng tư khác của người chuyển đổi giới tính. Được bảo đảm quyền học tập, lao động và hòa nhập gia đình, xã hội sau khi thực hiện can thiệp y học của người chuyển đổi giới tính. Không bị bắt buộc phải triệt sản khi phẫu thuât bộ phận sinh dục, trừ trường hợp tự nguyện. Được bảo đảm quyền khác theo quy định của pháp luật.
Về những hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: Kỳ thị phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bạo lực đối với người mong muốn chuyển đổi giới tính, người chuyển đổi giới tính. Cản trở gây khó khăn đối với việc can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Lợi dụng người chuyển đổi giới tính để mua, bán người, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục hoặc có hành vi trái pháp luật khác. Lợi dụng việc chuyển đổi giới tính để trốn tránh nghĩa vụ pháp luật. Triệt sản khi phẫu thuật bộ phận sinh dục mà người đó không đồng ý. Bắt buộc người chuyển đổi giới tính nghỉ học, thôi việc vì lý do chuyển đổi giới tính. Tiết lộ thông tin, bí mật cá nhân khi NCG không đồng ý.
Bà Thủy cho biết thêm, hiện Bộ Y tế đã xây dựng 2 thông tư nhằm tránh tình trạng chờ được thông qua Luật mới xây dựng thông tư, làm chậm trễ việc thực hiện điều trị của người mong muốn chuyển giới và NCG.
Trên thực tế, ở Việt Nam tuy chưa có quy định của pháp luật nhưng tỷ lệ người đã can thiệp chuyển đổi giới tính lên tới 34%. Một tỷ lệ lớn (48,4%) người chuyển đổi giới tính mong muốn được thực hiện chuyển đổi giới tính ở trong nước nhưng pháp luật Việt Nam chưa cho phép thực hiện, do đó họ phải ra nước ngoài để làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính[3]. Điều này, khiến NCG gặp nhiều khó khăn khi chi phí cao, bất đồng về ngôn ngữ và hạn chế trong chăm sóc hậu phẫu. Trong khi, ở Việt Nam đã có điều kiện về trang thiết bị y tế và đội ngũ y bác sĩ đã sẵn sàng, song phải hoạt động tự phát dưới nhiều hình thức “chui” để né tránh phát luật.
Bên cạnh đó, vì chưa có hành lang pháp lý nên đa số (78,2%) người chuyển đổi giới tính cho rằng họ bị kỳ thị, phân biệt đối xử khá nặng nề (trong đó đa phần là chính từ họ hàng, đồng nghiệp và bạn bè); rất khó khăn trong việc thay đổi giấy tờ tùy thân, cũng như tìm kiếm việc làm ổn định.
Đồng thuận với nhiều ý kiến tham gia tại Hội thảo, TS. Phạm Nguyên Hà đánh giá cao các quy định trong Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính mà Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, đặc biệt là quan điểm tích cực của Bộ Y tế trong việc lắng nghe góp ý từ các tổ chức, cộng đồng NCG Việt Nam cũng như các nghiên cứu tiên tiến trên thế giới.
Ông Hà cho rằng, càng sớm ban hành cơ sở pháp lý, đặc biệt là Luật chuyển đổi giới tính, thì những đối tượng này sẽ càng được pháp luật bảo vệ. Pháp luật của Nhà nước về người chuyển đổi giới tính là cơ sở pháp lý cho việc cung cấp các dịch vụ can thiệp y học chuyển đổi giới tính an toàn cho NCG Việt Nam.
“Những người có mong muốn chuyển đổi giới tính cũng cần phải tìm hiểu thông tin một cách chính thống từ các cơ sở y tế, những chuyên gia có đủ năng lực và được pháp luật thừa nhận để có quyết định đúng đắn trước khi can thiệp y học. Trong khi đó, cộng đồng xã hội cũng cần có cái nhìn cởi mở hơn, xóa bỏ kỳ thị đối với người chuyển đổi giới tính để họ không thực sự bị cô lập” - ông Hà nhấn mạnh.
Những NCG tham gia Hội thảo cũng chia sẻ những khó khăn, nỗi buồn, những rủi ro và cả những đau đớn, lo sợ khi can thiệp chuyển đổi giới tính. Họ thiết tha mong muốn: “Việt Nam sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính, quy định rõ hành lang pháp lý cho việc cung cấp dịch vụ can thiệp y học chuyển đổi giới tính một cách an toàn cho cộng đồng NCG; Nhà nước các tổ chức xã hội cần đẩy mạnh truyền thông để xã hội quan tâm chia sẻ, xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với NCG, nhất là trong trường học, nơi làm việc và cơ sở y tế, tạo điều kiện cho NCG được thừa nhận về quyền con người, quyền được sống, được học tập, được làm những việc có ích cho bản thân và xã hội - NCG có tên Thanh Hà (Hà Nội) bày tỏ.


Thanh Hà (Hà Nội) - Người chuyển giới
Đã đến lúc cần phải có một bộ luật về Chuyển đổi giới tính, tạo nên một hành lang pháp lý về quyền của NCG. Từ Hội thảo, đó là Thông điệp có ý nghĩa sâu sắc của cộng đồng NCG và cũng là tình cảm, trách nhiệm của xã hội đối với họ./.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

MB