CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Sáng kiến trong can thiệp phòng chống viêm gan vi rút ở các ...

Thứ Ba, 24/12/2024 | 02:16:58 GMT+7

Sáng kiến trong can thiệp phòng chống viêm gan vi rút ở các nhóm quần thể nguy cơ cao tại Việt Nam

21/07/2022 | 1216 lượt xem | Hữu Tùng

Sáng ngày 20 tháng 7 năm 2022, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế và PATH tổ chức hội thảo tổng kết dự án HepLINK, sáng kiến sàng lọc và điều trị viêm gan vi rút lồng ghép với dịch vụ HIV tại các cơ sở điều trị methadone, cơ sở điều trị HIV/AIDS và các tổ chức cộng đồng (CBO), phòng khám cộng đồng chăm sóc sức khỏe ban đầu trong đó có điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).

TS Vương Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Thông qua dự án này, PATH đã huy động 9 tổ chức cộng đồng (CBO) và 18 cơ sở y tế tham gia cung cấp dịch vụ viêm gan vi rút và đã ứng phó linh hoạt trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch COVID-19. Từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 5 năm 2022, các cơ sở cung cấp dịch vụ đã xét nghiệm sàng lọc viêm gan C cho 19.601 người và sàng lọc viêm gan B cho 19.518 người, phát hiện 2.285 người nhiễm viêm gan C và 1.552 người nhiễm viêm gan B và chẩn đoán xác định 847 người mắc viêm gan C mạn tính và 604 người mắc viêm gan B mạn tính, trong đó 668 người được kết nối điều trị viêm gan C và 464 người được điều trị viêm gan B.
Trong số những khách hàng có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính, 48,1% và 43,8% được xét nghiệm khẳng định viêm gan C và B, 76,4% và 76,8% đã được điều trị viêm gan C và B tương ứng. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nên các tỷ lệ này khác xa so với số liệu ước tính quốc gia năm 2020 là 7% người sống chung với viêm gan C và 17% người sống chung với viêm gan B được chẩn đoán và chỉ có 1% người cần điều trị được điều trị hằng năm.
Để có được những kết quả trên HepLINK chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông tạo cầu, tập huấn tăng cường kỹ năng cho những người cung cấp dịch vụ tư vấn trước và sau xét nghiệm, chuyển gửi và kết nối dịch vụ, đồng thời với tiếp cận bảo hiểm y tế và huy động nguồn lực trong nước. 
Vì vậy, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh đã đưa ra nhận định: “HepLINK là giải pháp sáng tạo giúp người bệnh được phát hiện sớm, đồng thời nâng cao nhận thức và ủng hộ của cộng đồng với chương trình phòng chống viêm gan.” 
Bộ Y tế Việt Nam cam kết mạnh mẽ với việc loại trừ viêm gan vi rút bằng cách tăng cường các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị cho các nhóm dân số có nguy cơ cao. Tuy nhiên, để triển khai một chương trình phòng, chống viêm gan vi rút độc lập sẽ rất tốn kém về nguồn lực. 
Từ những kết quả bước đầu của HepLINK, PATH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ lồng ghép này ở quy mô lớn hơn, đặc biệt trong vận động chính sách và nguồn lực cần thiết để có thể hỗ trợ những người có nguy cơ nhiễm viêm gan vi rút tiếp cận với dịch vụ toàn diện. Mặc dù hành trình tiến tới loại trừ viêm gan B và C còn xa, nhưng việc tối ưu hóa nguồn lực có thể giúp chúng ta tiết kiệm được chi phí và giúp bệnh nhân tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn.
 

ThS.BS Vũ Ngọc Bảo- Giám đốc Dự án HepLINK chia sẻ kết quả của Dự án tại Hội thảo

ThS.BS. Vũ Ngọc Bảo, Giám đốc kỹ thuật cao cấp, Chương trình Lao, HIV và Viêm gan vi rút, Tổ chức PATH, Giám đốc dự án HepLINK phát biểu tại Hội thảo: “Nguồn lực cho chương trình phòng, chống viêm gan vi rút còn hạn chế, do đó việc lồng ghép dịch vụ viêm gan vi rút với dịch vụ HIV tại cộng đồng và tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vài thập kỷ qua là sự khởi đầu tuyệt vời. Với cách tiếp cận này chúng ta có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng ngay tại nơi họ sinh sống và đáp ứng nhu cầu của họ để ngăn ngừa bệnh AIDS tiến triển, bệnh gan mạn tính và ung thư gan, cũng như nguy cơ tử vong vì các căn bệnh này.” 
Viêm gan vi rút là một trong những căn bệnh nguy hiểm chết người, nhưng bị lãng quên và đang ảnh hưởng đến 350 triệu người và cướp đi sinh mạng của hơn 1,1 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Ở Việt Nam, viêm gan vi rút là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba, với gần 9 triệu người mắc viêm gan B và viêm gan C mạn tính. Những người sống chung với HIV và các quần thể đích - bao gồm người tiêm chích ma tuý, nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ và phụ nữ mại dâm - là những người có nguy cơ nhiễm cả viêm gan vi rút và HIV cao nhất ở Việt Nam.

Một số hình ảnh 


 
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS tham gia ủng hộ sự kiện

 
Toàn cảnh sự kiện
 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các nhóm cộng đồng