Trước thực trạng HIV đang gia tăng trong nhóm tuổi trẻ, trong khi điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút đang là một biện pháp dự phòng có hiệu quả, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có hướng dẫn tạm thời triển khai PrEP cho sinh viên, học sinh.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút – Một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV rất có hiệu quả
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên đưa ra khuyến cáo về sử dụng PrEP uống hằng ngày để dự phòng lây nhiễm HIV ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao vào năm 2014 và trong khuyến cáo bổ sung năm 2016 nhấn mạnh PrEP có chứa tenofovir disproxil fumarate (TDF) nên được cung cấp như một biện pháp dự phòng bổ sung trong gói dự phòng kết hợp cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV phụ thuộc nhiều vào mức độ tuân thủ của người sử dụng. Trong các thử nghiệm lâm sàng với các nhóm đối tượng khác nhau, như nhóm người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ, người âm tính với HIV của các cặp dị nhiễm, phụ nữ bán dâm, người tiêm chích ma túy đều chứng minh điều này. Nếu tuân thủ tốt, PrEP có thể dự phòng được trên 90% khả năng lây nhiễm HIV.
Thời gian hiệu quả bảo vệ tối đa của PrEP khác nhau giữa PrEP uống hằng ngày và PrEP uống theo tình huống và khác nhau với các nhóm đối tượng khách hàng. Với nhóm MSM chỉ quan hệ tình dục qua đường hậu môn, nếu họ sử dụng liều hằng ngày, mỗi ngày một viên, thì hiệu quả bảo vệ tối đa đạt được khi họ đã sử dụng liên tục 7 ngày liền; nếu ngày đầu tiên họ dùng liều 2 viên liền thì hiệu quả bảo vệ tối đa đạt được trong vòng 2 đến 24 giờ sau khi uống. Sau khi ngừng quan hệ tình dục qua đường hậu môn, MSM chỉ cần dùng thêm 2 liều PrEP trong hai ngày kế tiếp là đủ hiệu lực dự phòng. Nếu họ sử dụng PrEP theo tình huống. Với các nhóm đối tượng khác, bao gồm chuyển giới nữ, chuyền giới nam, người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm và các cặp dị nhiễm, họ cần uống PrEP mỗi ngày một viên liên tục và đủ 21 liều mới có tác dụng bảo vệ. Trước khi dừng sử dụng PrEP, họ cần uống tiếp đến hết ngày 28 sau lần phơi nhiễm cuối cùng.
Những học sinh và sinh viên nào có thể dùng PrEP?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, PrEP phù hợp với mọi đối tượng chưa nhiễm HIV mà có nguy cơ lây nhiễm cao. PrEP uống hằng ngày có hiệu quả với các nhóm: Nam quan hệ tình dục đồng giới; Người chuyển giới nữ; Người tiêm chích ma túy; Phụ nữ bán dâm; Vợ, chồng, bạn tình âm tính của người nhiễm HIV; Và những người tiếp tục có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sau khi đã được điều trị sau phơi nhiễm HIV (PEP).
Sinh viên và học sinh có thể sử dụng PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV?
Ở Việt Nam, theo Hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS hướng dẫn tạm thời triển khai PrEP cho sinh viên, học sinh, PrEP uống hằng ngày được sử dụng cho các nhóm đối tượng là những người có HIV âm tính và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, bao gồm: MSM, người chuyển giới nữ, người tiêm chích ma túy, gái mại dâm và người quan hệ tình dục khác giới có nguy cơ cao; Những người có vợ, chồng, bạn tình nhiễm HIV: Chi định dùng PrEP nếu vợ, chồng, bạn tình nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc mới điều trị dưới 6 tháng hoặc đang điều trị mà tải lượng vi rút còn ở mức trên 200 bản sao/ml. Không cần chỉ định PrEP khi xét nghiệm tải lượng HIV của bạn tình nhiễm HIV đang điều trị ARV < 200 bản sao/ml và tuân thủ tốt; Những người gần đây đã sử dụng dự phòng sau khi phơi nhiễm HIV (PEP); Những người yêu cầu sử dụng PrEP mà không có chỉ định rõ ràng khác.
PrEP tình huống (ED-PrEP) chỉ sử dụng cho người nam quan hệ tình dục đồng giới qua đường hậu môn; Không bị viêm gan B; Có quan hệ không quá 2 lần/tuần và chủ động được thời gian quan hệ tình dục.
Mô hình cung cấp dịch vụ PrEP cho học sinh và sinh viên
Cũng theo hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS: Mô hình điều trị PrEP cần đa dạng, phù hợp cho sinh viên và học sinh như mô hình cố
định tại cơ sở y tế, mô hình lưu động gần các tụ điểm trường đại học, ký túc xá, mô hình khám bệnh từ xa. Các quy trình triển khai và quy trình chuyên môn cung cấp dịch vụ PrEP theo Hướng dẫn của Bộ Y tế ban hành.
Việc tiếp cận khách hàng là sinh viên học sinh tại các trường cũng cần linh hoạt như: Tiếp cận khách hàng đích, các trưởng nhóm cộng đồng chuyển giới (LGBT) của các trường, của các nhóm cộng đồng để giới thiệu dịch vụ PrEP và các dịch vụ khác. Ưu tiên tiếp cận viên đồng đẳng ở trong trường để tiếp cận những sinh viên không bộc lộ xu hướng tính dục (“gay kín”) trong trường. Các hoạt động tiếp cận khách hàng có thể được thực hiện thông qua các cuộc tổ chức sự kiện tại các trường như giới thiệu dịch vụ, đầu mối liên hệ của cơ sở cung cấp dịch vụ, cung cấp các thông tin sàng lọc nguy cơ cao đối với lây nhiễm HIV, STIs cho học sinh sinh viên, cung cấp các thông tin về cách tiếp cận dịch vụ PrEP trực tiếp, trực tuyến…
Việc cung cấp dịch vụ PrEP cho sinh viên và học sinh cũng sẽ rất linh hoạt thuận tiện nhất là cho nhóm MSM là sinh viên dễ tiếp cận bao gồm: Cung cấp dịch vụ PrEP trực tiếp tại phòng khám, có thể đặt lịch khám
qua nền tảng công nghệ thông tin; Phối hợp cung cấp dịch vụ PrEP trực tiếp tại chỗ với tư vấn, sàng lọc nguy cơ nhiễm HIV, khám chuẩn bị điều trị qua hình thức PrEP online (địện thoại trao đổi trực tiếp, SMS, Zalo hoặc Zoom,…) để tăng cường tiếp cận dịch vụ của các sinh viên có nguy cơ cao nhiễm HIV; Cung cấp dịch vụ PrEP lưu động tại các tụ điểm, các địa điểm tổ chức sự kiện cho học sinh, sinh viên: Lập bản đồ xác định các tụ điểm/ nơi gặp gỡ của các nhóm sinh viên và tiếp cận các khu vực để cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, cung cấp PrEP.
Quy trình cung cấp dịch vụ rõ ràng, thuận tiện bao gồm cả thời gian
cung cấp điều trị PrEP ngoài giờ, cuối tuần, giảm thời gian chờ của khách hàng; Hỗ trợ tuân thủ điều trị PrEP và duy trì PrEP với sự tham gia hỗ trợ của nhóm đồng đẳn; Từng bước bổ sung một số các dịch vụ cần thiết với nhu cầu học sinh, sinh viên; Sàng lọc một số nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục thường gặp và kết nối điều trị hoặc điều trị tại chỗ nếu có thể; Sàng lọc các vấn đề bạo lực giới, sức khỏe tâm thần, lạm dụng chất, và
quan hệ tình dục tập thể (chem sex); Cung cấp các vật dụng can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn (kết hợp với chương trình can thiệp giảm hại) nếu có; Thiết lập phòng khám thân thiện, tập huấn cho nhân viên y tế về phòng khám thân thiện.
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS đến hết tháng 3 năm 2022 Việt Nam có lũy tích hơn 44.000 khách hàng đã từng sử dụng PrEP và hiện tại có 22.600 khách hàng đang sử dụng PrEP. Hiện PrEP đang được cung cấp tại 212 cơ sở của 29 tỉnh, thành phố. Sinh viên và học sinh ở tất cả các tỉnh, thành phố lớn đều có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ này.