CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Hợp tác quốc tế > Sử dụng hiệu quả nguồn lực của quốc tế cho công tác phòng, ...

Thứ Năm, 21/11/2024 | 16:52:40 GMT+7

Sử dụng hiệu quả nguồn lực của quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS

08/02/2023 | 779 lượt xem | Thanh Nhàn

Nguồn tài chính cho chương trình phòng chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% các dự án quốc tế, nhất là các hoạt động dự phòng lẫy nhiễm HIV hiện quỹ bảo hiểm y tế chưa chi trả

Nội dung chi và mức chi một số hoạt động đặc thù cho chương trình phòng chống HIV/AIDS đã phân cấp cho ngân sách địa phương đảm nhiệm. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc lập dự toán cũng như phê duyệt. Do vậy, quá trình chuyển giao tài chính cho phòng chống HIV/AIDS trước mắt còn nhiều khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, nhằm bảo đảm bền vững các kết quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam cần tập trung vào 3 trụ cột chính. 
Thứ nhất, đó là triển khai xét nghiệm HIV, phát hiện người dương tính HIV cần điều trị càng sớm càng tốt và phải đạt tới mức dưới ngưỡng ức chế.
Thứ hai, điều trị giảm người tử vong, triển khai các biện pháp dự phòng khác nhau, tập trung vào các nhóm ưu tiên và địa bàn cần ưu tiên để tiết kiệm nguồn lực.
Thứ ba, cần có các giải pháp xây dựng về chính sách pháp luật, về tài chính, công tác về truyền thông, huy động nhân lực, huy động cộng đồng, phối hợp liên ngành và các chiến lược về giám sát dịch để bảo đảm các nghiên cứu, định hướng, đường lối tốt nhất cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các dự án do nước ngoài hỗ trợ. Như dự án Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS (dự án VUSTA) dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC)…
Là một trong những dự án tiêu biểu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS với nhiều hoạt động can thiệp giảm hại, hỗ trợ tiếp cận, dự án VUSTA đã giúp cho nhiều trường hợp nhiễm HIV được phát hiện tình trạng bệnh và tiếp cận dịch vụ y tế.
Ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Dự án VUSTA cho hay, VUSTA đã tham gia vào các dự án của Quỹ Toàn cầu từ năm 2011, từ đơn vị nhận tài trợ phụ vào năm 2011 đã trở thành nhà tài trợ chính từ năm 2015.
Giai đoạn 2021-2023, dự án đặt mục tiêu tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng và triển khai tại 15 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Từ năm 2018 đến nay, dự án VUSTA luôn hướng tới mục tiêu thúc đẩy môi trường thuận lợi về mặt pháp lý và thực thi chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng chính của dự án tiếp cận với dịch vụ y tế. Trong số đó, một trong những mục tiêu của dự án là đẩy mạnh việc hoàn thiện và thực thi khung pháp luật và chính sách nhằm tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ y tế một cách công bằng và thuận lợi.
Do đó, dự án VUSTA khuyến nghị mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước, bên cạnh đó đẩy mạnh các cuộc vận động xã hội tham gia bảo đảm an sinh xã hội; tập trung các giải pháp làm giảm kỳ thị của xã hội đối với người tiêm chích ma túy, MSM, phụ nữ bán dâm và tăng ngân sách cho các dịch vụ dành cho các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS. Đặc biệt, quy trình để cung cấp dịch vụ cho các đối tượng có nguy cơ cao nên được tính toán lại và đơn giản hơn.
Để khắc phục tình trạng trên, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã đưa ra một số giải pháp như: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị mua sắm thuốc ARV bảo hiểm y tế để thực hiện các kế hoạch mua sắm bổ sung thuốc ARV; điều tiết thuốc ARV các nguồn để hỗ trợ cho các cơ sở chưa có thuốc.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh làm việc với Quỹ toàn cầu đề nghị hỗ trợ thuốc ARV đối với các thuốc do bảo hiểm y tế và nguồn ngân sách nhà nước chi trả nhưng không mua được. Đồng thời, làm việc với các đơn vị cung ứng xét nghiệm tải lượng, hướng dẫn các cơ sở điều trị điều chỉnh đơn vị ký hợp đồng xét nghiệm tải lượng HIV…
Công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đã trải qua hơn 30 năm và thu được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch HIV trên cả 3 tiêu chí đó là: giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Ngoài ra, còn nhiều thành tựu khác đã đạt được trong công tác này và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Để tiếp tục bảo đảm bền vững kết quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động tích cực để người bệnh sớm phát hiện bệnh, sớm tiếp cận dịch vụ điều trị, để hướng tới không còn người nhiễm HIV vào năm 2030.