Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, từ trường hợp nhiễm HIV phát hiện tại thành phố Tân An vào tháng 6/1993, đến 6/2022 (sau 29 năm) 100% huyện thị, thành phố và 100% xã phường có người nhiễm HIV.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, từ trường hợp nhiễm HIV phát hiện tại thành phố Tân An vào tháng 6/1993, đến 6/2022 (sau 29 năm) 100% huyện thị, thành phố và 100% xã phường có người nhiễm HIV.
Dịch HIV tập trung cao ở Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP Tân An. Đây là các huyện và thành phố trọng điểm, tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, có đường quốc lộ liên tỉnh… Tính đến 30/6/2022, tổng số người nhiễm HIV toàn tỉnh là 4.880 người, trong đó đã tử vong 1.574 trường hợp. Hiện số người nhiễm HIV còn sống đang quản lý tại cộng đồng là 3.889 (trong đó ngoại tỉnh là 620 người). Điều đặc biệt lưu ý là trong số người nhiễm HIV mới phát hiện hàng năm thì lây qua đường tình dục chiếm phần lớn. Tỉ lệ lây truyền qua đường tình dục năm 2018 là 63,7%; năm 2019 là 79,2%, và năm 2021 tăng lên tới 94,7%. Trong số người nhiễm HIV lây qua đường tình dục thì chủ yếu lây qua quan hệ tình dục đồng giới (MSM); tăng mạnh, từ 16,2% (năm 2018) lên 69,9% (năm 2021), trong 6 tháng đầu năm 2022 là 67,9%. Từ năm 2019 đến nay, trong số người mới phát hiện nhiễm HIV ở độ tuổi 15-24 của tỉnh Long An luôn ở tỷ lệ 33%-35%, thậm chí có những em bị nhiễm HIV dưới 15 tuổi, độ tuổi đang ngồi ghế nhà trường.
Đứng trước thực trạng đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Long An đã chú trọng đến việc cung cấp kiến thức về HIV và cách dự phòng cho học sinh, sinh viên trên địa bàn. Theo ThS Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc CDC Long An cho biết, cách đây hai năm, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về phòng, chống HIV/AIDS cho giáo viên các trường THPT trên toàn tỉnh. Và trước thềm năm học mới năm nay, CDC Long An phối hợp với HAIVN tổ chức chuỗi sự kiện truyền thông cho học sinh và giáo viên các trường THPT Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Hưng Điền B với chủ đề “Hè vui PrEP càng vui”, thu hút sự tham gia từ 100-150 học sinh mỗi trường.
Chương trình "Hè vui PrEP càng vui" nhằm tăng cường tiếp cận điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) thông qua nâng cao nhận thức và giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến PrEP trong cộng đồng. Các em học sinh được tham gia các trò chơi dân gian lồng ghép tìm hiểu kiến thức PrEP và được tham gia Hội thảo về PrEP, về đa dạng giới và an toàn tình dục. Kết quả đánh giá kiến thức, thái độ về HIV/AIDS và PrEP trước và sau chương trình có sự cải thiện rõ rệt.
“Nếu biết tin mình bị nhiễm HIV/AIDS, tôi sẽ cảm thấy tội lỗi và xấu hổ”. Tỷ lệ các em hoàn toàn đồng ý và đồng ý giảm từ 28% xuống 5%.
“Tôi lo người khác thấy tôi uống thuốc PrEP sẽ nghĩ tôi là người có HIV hoặc có suy nghĩ không tốt về tôi”. Tỷ lệ hoàn toàn đồng ý và đồng ý giảm từ 28% xuống 5%.
“Tôi e ngại trong việc tìm kiếm dịch vụ dự phòng PrEP”. Tỷ lệ hoàn toàn đồng ý và đồng ý) giảm từ 23% xuống 0%.
Kiến thức về thông điệp Không phát hiện = Không lây truyền (K=K) Tỷ lệ trả lời đúng tăng từ 28% lên 47% sau khi tập huấn.
Câu hỏi về kiến thức về đa dạng giới, tỷ lệ trả lời đúng tăng từ 23% lên 47%.
Trước những kết quả tích cực trên, ThS Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc CDC Long An, cho biết trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong các trường THPT và các trường đại học, trường dạy nghề để trang bị cho các em kiến thức và thực hành về dự phòng lây nhiễm HIV góp phần kiểm soát sự gia tăng lây nhiễm HIV trong tỉnh.
Một số hình ảnh tại Chương trình “Hè vui PrEP càng vui”
BS.CK1 Hồ Thanh Huy - CDC tỉnh Long An giao lưu với các em học sinh THPT tại Hội thảo
ThS. Nguyễn Thanh Sơn, Phó Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC tỉnh Long An trao đổi về HIV/AIDS và PrEP với các bạn học sinh
Tại các gian hàng truyền thông trong sự kiện “Hè vui PrEP càng vui”