CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin địa phương > Tập huấn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

Thứ Năm, 26/12/2024 | 20:36:10 GMT+7

Tập huấn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

20/05/2020 | 1160 lượt xem

Trong hai ngày 19 và 20/5/2020, với sự hỗ trợ của WHO, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ tổ chức lớp tập huấn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho khoảng 40 học viên đến từ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Bệnh viện Da liễu, Trung tâm Y tế 9 quận, huyện, phòng khám tư nhân, nhân viên tiếp cận cộng đồng…

Tại lớp tập huấn, các học viên được trang bị kiến thức về PrEP: quy trình cung cấp dịch vụ, sàng lọc, tư vấn, các xét nghiệm, thực hành và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn.

Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ Huỳnh Minh Trúc cho biết, nếu tuân thủ tốt PrEP có thể ngăn ngừa lây nhiễm HIV hơn 90%. Cuối năm 2019, TP Cần Thơ bắt đầu triển khai PrEP và hiện nay có hơn 300 khách hàng sử dụng PrEP. Mục tiêu đến cuối năm 2020, có 1.500 khách hàng sử dụng. Cần Thơ sẽ mở rộng điều trị, thu hút nhiều khách hàng tham gia hơn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, đã có 11 tỉnh, thành phố triển khai PrEP. Hiện nay có 5.860 khách hàng đang sử dụng PrEP, trong đó 60% khách hàng sử dụng dịch vụ tại phòng khám tư nhân.

20-5-cantho-prep.jpg

BS.CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ phát biểu tại lớp tập huấn.
PrEP là sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) hằng ngày để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV. Người muốn được chỉ định dùng PrEP cần đạt các tiêu chuẩn như: Xét nghiệm HIV âm tính và trong vòng 6 tháng qua có ít nhất một yếu tố nguy cơ như: có bạn tình nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV trên 200 bản sao/ml hoặc chưa được xét nghiệm tải lượng HIV; có quan hệ tình dục với người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV (người tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới...); có nhu cầu sử dụng PrEP; dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích... Thuốc sẽ mất hiệu lực khi ngừng dùng thuốc.

20-5-cantho-prep.png
 
BS.CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ trao chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn cho các học viên.
Thuốc cũng chống chỉ định với người có HIV dương tính; độ thanh thải creatinin ước tính < 60 ml/phút; có dấu hiệu nhiễm HIV cấp hoặc có khả năng mới nhiễm HIV; dị ứng hoặc có chống chỉ định với bất kỳ thuốc nào trong phác đồ PrEP; dưới 35kg...
Tính đến năm 2020 toàn quốc có 26 tỉnh, thành phố triển khai cung cấp dịch vụ điều trị PrEP. Đến 12/2019, số người có nguy cơ cao nhiễm HIV sử dụng dịch vụ PrEP là 7.504 người tại 49 cơ sở của 12 tỉnh, số người đang sử dụng dịch vụ PrEP là 5.888 người. Tỷ lệ khách hàng duy trì điều trị sau 3 tháng đạt 84% và sau 6 tháng đạt 71%.  Đồng thời toàn quốc có khoảng trên 210.000 người nhiễm HIV, trên 142.000 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV. Tỷ lệ nhiễm HIV trong một số nhóm nguy cơ cao có xu hướng giảm như nhóm nghiện chính ma tuý, nhóm phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng nhanh trong 3 năm gần đây (khoảng 11% năm 2019) và cộng đồng người chuyển giới có xu hướng tăng lên, đặc biệt là tại các khu vực đô thị, các tỉnh, thành phố lớn hoặc các tỉnh du lịch.

T