CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Tập huấn giảng viên tuyến tỉnh về kỹ năng truyền thông ...

Thứ Bảy, 23/11/2024 | 20:10:02 GMT+7

Tập huấn giảng viên tuyến tỉnh về kỹ năng truyền thông thông điệp Không phát hiện = Không lây truyền tại Hà Nội

05/12/2020 | 799 lượt xem

Nhằm nâng cao năng lực kỹ năng truyền thông về lợi ích điều trị ARV, thông điệp Không phát hiện bằng không lây truyền, được sự tài trợ của tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức Khoá tập huấn giảng viên tuyến tỉnh từ ngày 2/12 đến 4/12 tại Hà Nội.

toan-canh.jpg
Học viên tham dự lớp tập huấn là các cán bộ y tế, cán bộ truyền thông 6 tỉnh/ thành phố phía Bắc thuộc dự án PEPFAR gồm: Hà Nội, Sơn La, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh.
Giảng viên lớp tập huấn là các chuyên gia đến từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, HAIVN và chuyên gia của Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương.

anh-canh.jpg

Khai mạc lớp tập huấn, TS.BS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cảm ơn và đánh giá cao sự tham gia của các học viên trong của các tỉnh PEPFAR trong phòng, chống HIV/AIDS trong những năm qua. Ngày 06/9/2019, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ban hành Hướng dẫn truyền thông về K=K cùng kế hoạch triển khai Chiến dịch K=K trên toàn quốc. Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong các hoạt động K=K do đã sớm đưa các phát hiện này vào các chính sách và chương trình quốc gia. Việt Nam được đánh giá là có tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới. K=K là thông điệp mang hy vọng cho người người nhiễm HIV cùng với bạn tình và gia đình họ. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh các học viên sau 3 ngày tập huấn sẽ về tỉnh hỗ trợ và đào tạo lại cho các tuyến về truyền thông lợi ích điều trị ARV cũng như về truyền thông thông điệp Không phát hiện = Không lây truyền tại địa phương mình.

asia-nguyen.jpg

Tại lớp tập huấn, bà Asia Nguyễn, chuyên gia cao cấp CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã có bài chia sẻ với các học viên về thông điệp K=K “Không phát hiện = Không lây truyền”. “Không phát hiện = Không lây truyền” được dịch từ tiếng Anh U=U (Undetectable = Untransmittable) là một phát hiện mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) với người nhiễm HIV dựa trên bằng chứng khoa học. Một người nhiễm HIV, được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) và khi đạt tải lượng vi rút ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục rất thấp (từ không đáng kể đến không có nguy cơ). Tải lượng vi rút không phát hiện được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu. Điều này có ý nghĩa rằng, một người nhiễm HIV được điều trị ARV khi có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khoẻ cho người sống chung với HIV và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình. Đây là thông điệp mang hy vọng cho người người nhiễm HIV cùng với bạn tình và gia đình họ. Nếu người nhiễm HIV được điều trị ARV sớm, hiệu quả và liên tục cho phép họ sống lâu, khỏe mạnh, có con, không phải lo lắng về việc lây truyền HIV cho bạn tình.

todd-pollack.jpg

Ngoài ra, tại lớp tập huấn, các học viên được BS. Todd Pollack, Giám đốc HAIVN tại Việt Nam cập nhật các thông tin về những lợi ích của K=K: Hiểu biết về Kết quả Tải lượng vi rút trên các bệnh nhân HIV tại Việt Nam.

Ths. Đào Thị Tuyết, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương chia sẻ Các kỹ năng cơ bản trong truyền thông trực tiếp. Và đặc biệt tại lớp tập huấn các học viên đến từ các tỉnh có cơ hội được giảng thử về các phương pháp giảng dạy tích để về địa phương mình áp dụng trong truyền thông về lợi ích điều trị ARV và thông điệp Không phát hiện bằng không lây truyền.

Tài liệu tập huấn về kỹ năng truyền thông về lợi ích điều trị ARV và thông điệp Không phát hiện = Không lây truyền gồm một số nội dung như:

- Mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS: Bài học này giới thiệu các mục tiêu 90-90-90 mà chương trình phòng, chống HIV/AIDS mà Việt Nam đang cam kết và hướng tới. Nó giải thích các mục tiêu này là gì? Tầm quan trọng của mục tiêu và hiện tại Việt Nam đã đạt được kết quả với từng mục tiêu này ở mức độ nào? Những khó khăn, thách thức và giải pháp để đạt được mục tiêu 90-90-90.

- Các thông tin cần truyền thông về HIV/AIDS: Phần này cung cấp các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS để người làm truyền thông có kiến thức nền tảng trước khi truyền thông về điều trị và không phát hiện = không lây truyền.

- Phổ biến Bộ tiêu chí cơ sở cung cấp dịch vụ HIV/AIDS thân thiện với cộng đồng đích nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS

- Một số thông điệp cần truyền thông về điều trị bằng thuốc kháng vi rút và không phát hiện = không lây truyền: Phần này cung cấp các kiến thức chuyên môn sâu với các thông tin nhằm giúp cho truyền thông viên có thể truyền thông và giải thích cho khách hàng về việc điều trị bằng thuốc kháng HIV cũng như lan tỏa các thông điệp liên quan đến không phát hiện = không lây truyền.

- Các kỹ năng truyền thông và các can thiệp truyền thông: Bao gồm các nội dung về kỹ năng truyền thông và các thực hành truyền thông trực tiếp thường sử dụng trong truyền thông về điều trị bằng thuốc kháng vi rút và “Không phát hiện bằng không lây truyền bao gồm tư vấn, nói chuyện với cá nhân, nói chuyện với nhóm cũng như cách sử dụng một số tài liệu truyền thông.

Vân Anh