CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tập huấn triển khai mô hình nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao ...

Chủ Nhật, 15/09/2024 | 05:15:05 GMT+7

Tập huấn triển khai mô hình nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ (CAB)

26/04/2024 | 323 lượt xem | Minh Thắm

Trong 2 ngày (25-26/4/2024) tại TP. Cần Thơ, được sự hỗ trợ của tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cục phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với tổ chức BIDMC tổ chức tập huấn triển khai mô hình nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ (CAB) cho 4 tỉnh:  Đồng Tháp, Sóc Trăng, Kiên Giang và Cần Thơ.
 

Hiện nay, tại Việt Nam, có 5 tỉnh đã triển khai mô hình CAB gồm: Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Thái Nguyên, Hải Phòng. Mô hình này đóng vai trò quan trọng trong việc lồng ghép tiếng nói của người sử dụng dịch vụ và cộng đồng trong việc thiết kế các dịch vụ HIV thân thiện và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của khách hàng. Mô hình CAB chính là cầu nối chính thức giữa cộng đồng đích và hệ thống y tế trong phòng chống HIV.

Đến dự lớp tập huấn có Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Ông Minesh Shah, Cố vấn cao cấp về y tế của tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; Bà Asia Nguyễn, chuyên gia cao cấp của tổ chức CDC Hoa Kỳ cùng các giảng viên đến từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS và tổ chức BIDMC.

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra, với các biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Đây chính là rào cản, là lỗ hổng lớn trong việc phấn đấu đạt các mục tiêu 95-95-95 (tức là 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV, 95% người biết tình trạng HIV được điều trị ARV, 95% người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế). Trong bối cảnh này, mô hình Nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ (CAB) là một sáng kiến tạo ra cơ chế để cộng đồng và khách hàng đóng góp ý kiến cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS với mục tiêu cải thiện các dịch vụ ngày một tốt hơn, đúng với tiêu chí lấy khách hàng làm trung tâm. Tuy nhiên, mô hình CAB mới được triển khai tại 5 tỉnh do CDC Hoa Kỳ hỗ trợ, việc nhân rộng mô hình này ra các tỉnh khác là hết sức cần thiết. Tùy vào điều kiện, nguồn lực thực tế của từng địa phương, các tỉnh nghiên cứu đưa mô hình CAB vào chương trình phòng, chống HIV/AIDS của địa phương mình. 

Ông Minesh Shah, Cố vấn cao cấp về y tế của tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả Việt Nam đã đạt được trong triển khai mô hình CAB. Việt Nam đã đi đầu trong việc triển khai mô hình CAB, giúp kiểm soát bệnh HIV và thu hẹp khoảng cách trong các khâu xét nghiệm HIV, tiếp cận điều trị và đạt được mục tiêu ức chế virus cho phần lớn người nhiễm HIV. CDC Hoa Kỳ công nhận những nỗ lực và đóng góp quan trọng của CDC các tỉnh/thành phố và tổ chức cộng đồng trong triển khai mô hình CAB, đồng thời cam kết CDC Hoa Kỳ sẽ luôn đồng hành trong việc mở rộng mô hình này. 

Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Đại diện tổ chức BIDMC

Tại lớp tập huấn, các học viên đã được các giảng viên đến từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS và tổ chức BIDMC chia sẻ Hướng dẫn quốc gia về thành lập mô hình CAB; sự cần thiết thành lập, các khái niệm, nguyên tắc hoạt động, chức năng nhiệm vụ… mô hình CAB

Đại diện tỉnh Bình Dương

Đại diện nhóm CAB Thái Nguyên

Đại diện Hải Phòng

Các đại biểu được các đại diện đến từ các tỉnh đã triển khai mô hình CAB gồm Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm thành lập, quản lý, điều phối nhóm CAB; kinh nghiệm và kết quả cải thiện chất lượng dịch vụ tại cơ sở từ các sáng kiến của CAB; kinh nghiệm trong việc tiếp cận, xây dựng mối quan hệ với cộng đồng…

Cũng tại lớp tập huấn, đã có buổi chia sẻ từ đại diện 3 tỉnh về triển khai mô hình CAB và hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm mô hình CAB tại địa phương. Các đại biểu cùng thảo luận về những khó khăn, kinh nghiệm giải quyết những khó khăn này về: chính sách, nguồn lực, tài chính, hỗ trợ kỹ thuật.