CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường triển khai công tác phòng, ...

Thứ Tư, 16/10/2024 | 14:08:22 GMT+7

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc

19/05/2023 | 2256 lượt xem | Nguyễn Vân

Ngày 19/5, tại TP.HCM, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc” nhằm tìm ra các giải pháp tăng cường triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp.

Toàn thể đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tham dự Hội thảo có Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS;  ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo - Tổng LĐLĐVN; ông Phạm Ngọc Chính, Phó Chủ tịch Hiệp hội phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh; bà Sunshine, Phó Giám đốc Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại TP.HCM cùng gần 100 đại biểu là: Cán bộ Liên đoàn Lao động của thành phố và một số quận/huyện tập trung các khu công nghiệp; Cán bộ công đoàn của các khu công nghiệp, công đoàn cơ sở và đại diện công nhân lao động; Chủ nhà trọ có nhiều nam công nhân; Cán bộ y tế tại địa phương; Lãnh đạo một số doanh nghiệp/nhà máy trên địa bàn.

Phát biểu tại khai mạc hội thảo, Ths.Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế cho biết, năm 2022, Cục đã phối hợp với Ban Tuyên giáo - Tổng LĐLĐVN triển khai một số Hội thảo nhằm tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động ở một số tỉnh thành và đã đạt được những kết quả nhất định. Đây là khởi đầu cho hàng loạt hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ dự phòng cho công nhân, người lao động các tỉnh, thành phố. 
Tuy nhiên, Ths. Sơn cảnh báo tình hình lây truyền HIV/AIDS tăng nhanh trong giới trẻ, tuổi từ 16 - 29, đặc biệt tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn, rất đáng lo ngại. Nhiều công nhân ở khu công nghiệp nhiễm HIV, thậm chí nhiều người đến giai đoạn AIDS mới biết. Đây là điều đáng tiếc, khi hiện nay đã có thuốc điều trị giúp người bệnh khỏe mạnh bình thường. Tỷ lệ nhiễm HIV nhiều nhất hiện nay là người quan hệ tình dục đồng giới. Không có con số cụ thể của quốc gia nào để ước tính được tỉ lệ người quan hệ tình dục đồng giới trong cộng đồng. Nhưng các báo cáo nghiên cứu tại nhiều quốc gia, nhiều tỉnh ở Việt Nam cho thấy khoảng 3,5% dân số thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, chuyển giới, lưỡng tính).
Ông Võ Hải Sơn cảnh báo, nếu có quan niệm sai lầm, kỳ thị phân biệt đối xử với LGBT, sẽ tiếp tục đẩy tình trạng nhiễm HIV lên cao trong cộng đồng này, từ đó lây tiếp cho các cộng đồng dân cư khác, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Vì vậy, cần đối xử công bằng, bình đẳng và đảm bảo hài hòa quyền lợi cho cộng đồng này, giúp cho họ sống và cống hiến. Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, cần tuyên truyền phổ biến nhận thức đầy đủ về HIV/AIDS tại các khu công nghiệp, đặc biệt trong các tổ chức liên đoàn lao động.
Để cảnh báo những nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM và cung cấp thông tin về HIV/AIDS cũng như các dịch vụ hiện có về xét nghiệm HIV, điều trị Dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, điều trị ARV… đến lực lượng nam công nhân, theo ông Võ Hải Sơn, rất cần có sự phối hợp của Tổng LĐLĐVN.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo - Tổng LĐLĐVN Vũ Mạnh Tiêm cho biết, TPHCM là một trong 5 trung tâm về công nghiệp, đồng thời là trung tâm lao động trên cả nước. Toàn Thành phố hiện có hơn 1 triệu công nhân, viên chức lao động. Tuy nhiên, con số phát hiện HIV/AIDS trên cả nước có 21% là của công nhân lao động, theo ông Tiêm, đây là một thực trạng đáng báo động. Tổng LĐLĐVN cùng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng xác định có 12 địa phương có nguy cơ cao, trong đó có TPHCM. Vì vậy, theo ông Vũ Mạnh Tiêm, cần có sự phối hợp của tổ chức Công đoàn để triển khai hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong công nhân viên chức lao động, nhất là tại các khu công nghiệp.

Về phía tổ chức CDC Hoa Kỳ, bà Sunshine cho biết: Nhờ những cam kết và nỗ lực lớn trong dự phòng và điều trị HIV, Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục đạt được các mục tiêu của dự án trong việc phát hiện ca bệnh và liên kết với điều trị. Tuy nhiên, thành phố TP. HCM vẫn là tỉnh có tỷ lệ nhiễm HIV cao trong nhóm MSM, đang gia tăng hàng năm đặc biệt ở nhóm tuổi 15-29 và với 80% người nhiễm HIV mới là lao động nhập cư.
Bà cũng thể hiện tin tưởng thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành công trong việc tiếp cận các nhóm dân cư trọng điểm trong các khu công nghiệp nhờ sự lãnh đạo tuyệt vời và sự hợp tác chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể. CDC Hoa Kỳ vinh dự được tiếp tục hợp tác với Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật nhằm đảm bảo rằng tất cả các nhóm dân số đích đều có thể tiếp cận các dịch vụ HIV thiết yếu bất kể họ làm việc và sinh sống ở đâu.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Ông Nguyễn Mai Huy, Phó Giám đốc Trung tâm công tác xã hội, Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết: Tình hình dịch HIV có dấu hiệu tăng ở nhóm công nhân vì thế cần có những chiến lược và cách thức can thiệp phù hợp, hiệu quả để đảm bảo dự phòng HIV. Do hiện nay, tình hình xã hội phát triển do đó các hình thức can thiệp cần đa dạng lồng ghép nhiều hình thức khác nhau, song song với trực tiếp cần thực hiện thêm trực tuyến và áp dụng kỹ thuật số. Cách truyền thông cũng cần mới lạ để công nhân dễ dàng tiếp thu hơn. Ngoài truyền thông trong nhà máy/xí nghiệp có thể mở rộng lồng ghép truyền thông tại các nhà trọ, khu nhà ở vào cuối tuần/buổi tối để tăng khả năng tiếp cận. Liên đoàn lao động và các nhà máy cần chủ động tìm kiếm nguồn lực cũng như liên hệ đơn vị y tế địa phương và các tổ chức cộng đồng hoạt động về HIV để cung cấp thông tin cho công nhân. Ngoài truyền thông trực tiếp các nhà máy/xí nghiệp cần chủ động chia sẻ thông tin lên các group zalo/bản tin để công nhân nắm thông tin.

Đại diện dự án Tăng cường hỗ trợ kĩ thuật phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) cho biết, sau buổi thảo luận, đơn vị sẽ tiến hành hợp tác với LĐLĐ tỉnh để triển khai các hoạt động phòng chống HIV/ADIS cho người lao động tại các khu công nghiệp. Cụ thể, đơn vị sẽ tổ chức truyền thông quảng bá về phòng chống HIV/AIDS cho công nhân, cũng như đẩy mạnh hoạt động tập huấn cho lãnh đạo quản lí, cán bộ công đoàn của các doanh nghiệp... trong thời gian tới để góp phần bảo vệ sức khỏe cho công nhân lao động trên địa bàn.


Tại Hội thảo, đã nhận được nhiều các ý kiến trao đổi thẳng thắn, đóng góp giá trị từ các đại biểu tham dự