CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Thế giới có thể thể kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Thứ Hai, 25/11/2024 | 07:11:51 GMT+7

Thế giới có thể thể kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030

22/07/2023 | 4702 lượt xem | Bích Phượng

Ngày 13/7/2023, Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã ra báo cáo khẳng định mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là khả thi nếu các quốc gia trên thế giới thể hiện quyết tâm chính trị cũng như dành tài chính cho hoạt động phòng chống căn bệnh này.

Hội chứng Suy giảm miễn dịch mắc phải ở người do virus HIV gây ra thường được biết đến với tên gọi bệnh AIDS có thể sẽ chấm dứt hoàn toàn vào năm 2030, khi nhân loại đầu tư nhiều hơn vào các biện pháp phòng và chữa bệnh.
Vào năm 2015, Liên hợp quốc đã lần đầu tiên đặt ra mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030, khi đó AIDS không còn là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng.
“Chúng ta vẫn có một giải pháp nếu tất cả tiếp tục đi theo sự lãnh đạo của các quốc gia đã đưa ra cam kết chính trị mạnh mẽ về việc đặt con người lên hàng đầu và đầu tư vào các chương trình điều trị, phòng ngừa HIV,” UNAIDS nêu trong báo cáo.
Theo UNAIDS, “những tiến bộ lớn nhất trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS xuất hiện ở các quốc gia và khu vực có nhiều khoản đầu tư tài chính nhất”. Chẳng hạn như khu vực miền Đông và miền Nam châu Phi, nơi số ca nhiễm HIV mới đã sụt giảm tới 57% kể từ năm 2010. Rwanda, Tanzania và Zimbabwe là các quốc gia đã đạt được mục tiêu 95-95-95 đề ra.
Mục tiêu này là 95% số người sống chung với HIV biết về tình trạng của mình, 95% những người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và 95% người được điều trị có kết quả ức chế virus (tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế).
Hiện nay, ít nhất 16 quốc gia khác đang tiến rất gần tới mục tiêu này, trong đó có tám nước thuộc khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi, nơi tập trung tới 65% ca nhiễm HIV của thế giới.

 
Bà Maria Elena Borromeo Filio, Giám đốc quốc gia, UNAIDS Việt Nam chia sẻ về Bài học kinh nghiệm các nước trên thế giới và Kiến nghị cho Việt Nam.

Tuy nhiên UNAIDS cho biết thêm rằng đã có sự gia tăng mạnh các ca nhiễm mới ở khu vực Đông Âu và Trung Á, cũng như ở Trung Đông và Bắc Phi. Tổ chức UNAIDS đánh giá "xu hướng này xảy ra chủ yếu là do thiếu các dịch vụ dự phòng HIV dành cho những nhóm dân cư yếu thế và chịu thiệt thòi”.
UNAIDS cho rằng việc ứng phó hiệu quả với dịch HIV/AIDS đòi hỏi một điều kiện là các quốc gia phải chống tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử, thúc đẩy các hoạt động vì cộng đồng. Hiện những người nhiễm HI ở nhiều nước vẫn phải đối mặt với tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực.
Theo báo cáo của UNAIDS, năm 2022, thế giới có 39 triệu người sống chung với HIV, trong đó 29,8 triệu người được cung cấp các liệu pháp điều trị kháng virus. Trong số những người chưa được tiếp cận điều trị, có 660.000 trẻ em.
Số thuốc điều trị kháng virus cũng tăng gấp bốn lần từ mức 7,7 triệu của năm 2010. Khoảng 82% phụ nữ có thai và cho con bú sống chung với HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus trong năm 2022, tăng mạnh so với mức 46% của năm 2010, giúp số ca mắc mới ở trẻ em giảm 58%.
Năm 2022, có thêm 1,3 triệu người nhiễm HIV mới, giảm 59% so với mức đỉnh điểm năm 1995. Tuy nhiên vẫn có 630.000 trường hợp tử vong vì các bệnh liên quan AIDS.
HIV được cho là đã truyền từ các loài linh trưởng như từ khỉ sang con người ở khu vực Tây-Trung Phi vào đầu đến giữa thế kỷ 20. Nhưng phải tới tận năm 1981, AIDS mới được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) coi là một căn bệnh. Bước sang thập niên 1990, HIV/AIDS đã trở thành một dịch bệnh toàn cầu. Năm 2004, dịch HIV/AIDS được cho là đạt đỉnh khi làm khoảng 3 triệu người chết và hơn 37 triệu người nhiễm bệnh. Trong năm đó, số phụ nữ nhiễm HIV cũng tăng lên mức 47%.
HIV chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn (bao gồm cả quan hệ tình dục qua đường hậu môn và thậm chí bằng miệng), qua việc truyền máu hoặc dùng chung kim tiêm với người nhiễm HIV và từ mẹ sang con (trong khi mang thai, khi sinh, hoặc khi cho con bú).
Hiện HIV/AIDS vẫn là căn bệnh chưa có thuốc chữa khỏi. Người nhiễm HIV chỉ có thể dùng thuốc kháng virus để ức chế sự phát triển của HIV, từ đó giữ được hệ miễn dịch khỏe mạnh và không bị nhiễm trùng cơ hội hoặc phát triển sang giai đoạn AIDS. Nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu vaccine HIV và một số trong đó đã có kết quả được đánh giá là khả quan.
Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS là tổ chức dẫn đầu và truyền cảm hứng cho thế giới đạt được tầm nhìn chung về việc không còn ca nhiễm HIV mới, không có sự phân biệt đối xử và không có ca tử vong liên quan đến AIDS. UNAIDS kết hợp các nỗ lực của 11 tổ chức Liên hợp quốc - UNHCR, UNICEF, WFP, UNDP, UNFPA, UNODC, UN Women, ILO, UNESCO, WHO và Ngân hàng Thế giới - đồng thời hợp tác chặt chẽ với các đối tác toàn cầu và quốc gia nhằm chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 như một phần của Mục tiêu Phát triển Bền vững.