CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tham dự đối thoại ...

Thứ Hai, 23/12/2024 | 07:16:18 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tham dự đối thoại cấp cao của liên minh phòng chống HIV toàn cầu

30/05/2023 | 5789 lượt xem | Quỳnh Trang

Từ ngày 21/5 – 24/5/2023, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Đại hội đồng y tế Thế giới lần thứ 76 tại Thụy Sỹ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã tham dự "Đối thoại cấp cao của Liên minh phòng chống HIV toàn cầu về tăng tốc phòng chống HIV và chuẩn bị cho đại dịch trong tương lai". Tham dự Đoàn công tác, có Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế.

Thứ trưởng Liên Hương chụp ảnh lưu niệm cùng Bà Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành của UNAIDS
Phiên đối thoại do UNAIDS phối hợp với các đối tác tổ chức. Sự kiện nhằm tăng cường cam kết chính trị, xóa bỏ các rào cản đối với các dịch vụ HIV, giải quyết vấn đề bất bình đẳng, đảm bảo nguồn tài trợ bổ sung và đảm bảo chương trình HIV được triển khai hiệu quả trên quy mô lớn. Đây là cơ hội để các quốc gia chia sẻ các bài học kinh nghiệm, qua đó Việt Nam cũng sẽ học hỏi được kinh nghiệm của các nước bạn để có khả năng ứng phó tốt nhất với dịch HIV trước các tình huống đại dịch trong tương lai như là dịch COVID-19 bùng phát thời gian vừa qua.
 

Theo báo cáo của UNAIDS, vào năm 2021 có 1,5 triệu ca nhiễm HIV mới trên toàn cầu. Con số này cao hơn ba lần so với mục tiêu đặt ra là 500.000 ca vào cuối năm 2021. Mục tiêu đến năm 2025 là giảm số ca nhiễm HIV mới xuống dưới 370.000 ca. Để đạt được mục tiêu đó, các quốc gia cần đạt được mức giảm 82,5% ca nhiễm mới so với năm 2010 như đã nêu trong Lộ trình phòng chống HIV năm 2025.
Trong số 28 quốc gia ưu tiên được Liên minh Phòng chống HIV Toàn cầu hỗ trợ, phân tích dữ liệu từ UNAIDS cho thấy 5 quốc gia gồm: Côte d'Ivoire, Zimbabwe, Malawi, Lesotho và Cộng hòa Hồi giáo Iran đã giảm hơn 61% ca nhiễm HIV mới từ 2010 đến 2021. Mười hai quốc gia khác ghi nhận mức giảm hơn 40%.
Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy các ca nhiễm HIV mới đang gia tăng ở 38 quốc gia khác, trong đó một số quốc gia có dịch HIV lớn. Xu hướng đáng lo ngại này kêu gọi đẩy mạnh công tác phòng chống HIV và mở rộng Liên minh sang các quốc gia này.
Cũng theo số liệu từ UNAIDS, các chương trình phòng chống HIV dành riêng cho trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ chỉ chiếm 41% tại các nơi có tỷ lệ nhiễm HIV từ trung bình đến cao ở châu Phi cận Sahara.
Ở các quốc gia trọng điểm của Liên minh Phòng chống HIV Toàn cầu, 63% người hành nghề mại dâm, 49% người đồng tính nam và những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới và 36% người tiêm chích ma túy đã tiếp cận với các dịch vụ phòng chống HIV vào năm 2021. Tuy nhiên, sự kỳ thị trong việc cung cấp dịch vụ y tế, các rào cản về giới … vẫn là những trở ngại lớn đối với việc tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV ở các nhóm dân số chính.
Khả năng tiếp cận bao cao su, thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và nam giới tự nguyện cắt bao quy đầu vẫn chưa đồng đều. Chỉ có Uganda và Zimbabwe đáp ứng hơn 80% nhu cầu phân phát bao cao su. Dữ liệu cũng chỉ ra, một số quốc gia giảm sử dụng bao cao su từ sau năm 2015. Điều này, cho thấy nhu cầu cấp thiết phải thay đổi tình trạng này. Mặc dù mức độ cung cấp và sử dụng PrEP tăng nhanh ở 28 quốc gia trọng điểm, nhưng con số tuyệt đối vẫn rất thấp— chỉ có 1,5 triệu người dùng vào cuối năm 2021 so với mục tiêu toàn cầu là hơn 10 triệu người.
Nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới có thể ngăn ngừa lây nhiễm HIV lên đến 60% nếu cắt bao quy đầu. Từ năm 2017-2019, số nam giới tự nguyện cắt bao quy đầu để phòng ngừa HIV liên tục ở mức hơn 4 triệu mỗi năm. Nhưng đến năm 2020, giảm 40% và năm 2021 duy trì ở mức 2,8 triệu (chỉ với Ethiopia, Tanzania và Zambia đạt mục tiêu hàng năm). Chính vì vậy, các chương trình này đòi hỏi các quốc gia phải tập trung đổi mới để đạt được 90% mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phòng chống AIDS toàn cầu 2021-2026.

 

Bà Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành của UNAIDS cho biết: “Chưa bao giờ cơ hội ngăn ngừa HIV lại lớn như lúc này. “Chúng ta có các công cụ và cả công nghệ hiện đại—nhưng chưa được cung cấp đủ rộng rãi. Vì vậy cần có sự lãnh đạo táo bạo và đổi mới hướng đầu tư vào công tác phòng chống HIV để cung cấp các lựa chọn phòng ngừa hiệu quả cho tất cả những ai cần chúng.”
 

Ông Mitchell Warren, Đồng Chủ tịch Liên minh Phòng chống HIV Toàn cầu khẳng định: “Có lẽ là trong toàn bộ lịch sử của đại dịch AIDS, đây là cơ hội tốt nhất mà chúng ta từng có để nhìn nhận lại những thành tựu trong công tác phòng chống HIV và tiếp tục triển khai thực hiện một cách công bằng và có hiệu quả” 
 

Tại buổi đối thoại, Bà Judy Chang, Giám đốc điều hành Mạng lưới Người sử dụng Ma túy Quốc tế đề nghị: Chúng tôi cần các quốc gia đầu tư đầy đủ vào các hệ thống cộng đồng và phòng chống HIV.”

 

Tại sự kiện này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã có bài phát biểu chia sẻ những thành tựu của Việt Nam trong hơn 30 năm phòng chống HIV/AIDS. Thứ trưởng nêu rõ, hiện nay số ca nhiễm HIV phát hiện hằng năm khoảng 10.000 ca, giảm 30% so với 20 năm trước đây.
Bài học kinh nghiệm trong phòng, chống HIV/AIDS là huy động động được hệ thống chính trị, sự cam kết mạnh mẽ từ nhà nước, sự tham gia của cộng đồng, sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của tổ chức quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, quy định hướng dẫn chuyên môn, triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, sử dụng thông tin, các bằng chứng khoa học trong xây dựng chính sách, ưu tiên nguồn lực can thiệp cho các địa bàn trọng điểm, nhóm nguy cơ cao và sử dụng nguồn lực hiệu quả.
Việc triển khai mạnh và đồng bộ các biện pháp can thiệp trong nhóm nghiện chích ma túy đã mang lại hiệu ứng tích cực cho cá nhân, gia đình của người nghiện ma túy và xã hội, nhiều tỉnh thành có thể chấm dứt bệnh AIDS trong nhóm nghiện chích ma túy.
Tuy nhiên HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức, nhiễm HIV trong nhóm MSM đang có xu hướng gia tăng và nhóm dẫn dắt chính dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay. Do đó Việt Nam tiếp tục mong nhận được sự hợp tác, chia sẻ và hỗ trợ kỹ thuật, tài chính trong thời gian tới để đảm bảo thành quả đã đạt được và hướng tới kết thúc AIDS vào năm 2030./.
 

Toàn cảnh buổi đối thoại
 
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng bà Achrekar, Phó Giám đốc điều hành UNAIDS
 
Thứ trưởng Liên Hương trao đổi cùng bà Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành của UNAIDS bên lề buổi đối thoại