CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm và làm việc với ...

Thứ Bảy, 20/04/2024 | 09:17:06 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm và làm việc với Lãnh đạo, cán bộ Cục Phòng, chống HIV/AIDS

25/11/2021 | 1655 lượt xem | HH

Chiều ngày 24/11, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã có chuyến thăm và làm việc với Lãnh đạo và cán bộ Cục Phòng, chống HIV/AIDS. 

Tiếp đón Thứ trưởng có PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; PGS.TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng cùng toàn bộ công chức, viên chức và cán bộ các Dự án thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
 
Thay mặt Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long đã báo cáo Thứ trưởng về kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua:
Hiện nay, số người nhiễm HIV báo cáo được phát hiện là 212.769 trường hợp. Trung bình mỗi năm phát hiện được khoảng 12.000 trường hợp nhiễm HIV. Tính đến tháng 10/2021, cả nước ghi nhận thêm 10.925 trường hợp HIV dương tính, trong đó, 84,8% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 (46%) và 30 - 39 (29%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%). Ước tính đến hết năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp HIV dương tính và 2.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Dịch HIV/AIDS đã thuyên giảm 2/3 so với đỉnh cao (2007-2008), nhưng vẫn còn ở mức độ cao. Mỗi năm vẫn phát hiện >10.000 người nhiễm HIV mới, dịch có xu hướng gia tăng ở một số địa phương phía Nam và một số nhóm nguy cơ cao (NCMT, MSM), liên quan đến vấn nạn ma túy tổng hợp.
Xây dựng các văn bản pháp quy kịp thời, đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng. Các hướng dẫn chuyên môn được xây dựng toàn diện, đầy đủ. Hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, TTgCP và lãnh đạo Bộ giao. 2 Nghị định, 1 Thông tư và nhiều Quyết định của Bộ trưởng đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
Triển khai toàn diện, rộng rãi, sáng tạo và linh hoạt các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS, như: XN HIV tại cộng đồng, tự XN HIV, cung cấp XN qua mạng; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, cấp phát Methadone nhiều ngày; mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP); mở rộng và duy trì chất lượng điều trị HIV/AIDS ở mức độ cao hàng đầu thế giới... Việt Nam được cộng đông quốc tế đánh giá mà một trong những điểm sáng trên thế giới về phòng, chống HIV/AIDS. 
Nhiều giải pháp đã được triển khai để vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19 để triển khai và đạt được các chỉ tiêu về PC HIV/AIDS được giao trong năm 2021, cụ thể: Phát hiện mới 13.000 trường hợp nhiễm HIV; điều trị Methadone cho trên 50.000 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện; điều trị PrEP cho trên 30.000 khách hàng; điều trị ARV cho trên 160.000 bệnh nhân HIV/AIDS với chất lượng rất tốt...
Bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc:
Tình hình dịch HIV/AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng số nhiễm mới, đặc biệt các tỉnh thành phố lớn, khu vực đông bằng sông Cửu Long, việc gia tăng dịch chủ yếu liên quan đến nhóm MSM, các số liệu cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Các can thiệp trong nhóm MSM khó khăn hơn nhiều so với các nhóm ma tuý, mại dâm trước đây do đó cần các can thiệp đặc hiệu trong nhóm đối tượng này.
Kinh phí cho PC HIV/AIDS còn nhiều khó khăn. BHYT chỉ chi trả cho KCB HIV/AIDS. Các hoạt động thuộc mảng dự phòng (như truyền thông, tư vấn xét nghiệm, BKT, BCS, PrEP…) vẫn chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ. Nhiều địa phương khó khăn về nguồn lực, ít phân bổ kinh phí cho PC HIV/AIDS.
Sáp nhập các Trung tâm PC HIV/AIDS tuyến tỉnh (PAC) vào CDC dẫn đến các hoạt động PC HIV/AIDS bị ảnh hưởng; nhân lực cho PC AIDS giảm sút nghiêm trọng, công tác PC AIDS ít được quan tâm.
Cung ứng thuốc ARV trong nước chậm trễ do rất nhiều lý do. Thuốc ARV bậc 2, ARV cho trẻ em không mua được. TLD đàm phán giá rất chậm.
Ảnh hưởng của COVID-19, dẫn đến việc cung ứng dịch vụ khó khăn, tiếp cận dịch vụ khó khăn, nguồn lực cho PC AIDS bị ảnh hưởng, cung ứng thuốc, sinh phẩm chậm và giá tăng.
Trong buổi làm việc, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long đã đề nghị Thứ trưởng quan tâm đến việc mua sắm thuốc ARV nguồn BHYT; chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương thúc đẩy việc đấu thầu tập trung và đàm phán giá để có thể mua kịp thời thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV từ tháng 1/2022. Cục trưởng cũng đề  nghị Thứ trưởng ủng hộ giữ nguyên bộ máy tổ chức Cục PC HIV/AIDS vì dịch HIV/AIDS vẫn còn rất phức tạp, có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; mục tiêu Chấm dứt dịch bệnh AIDStrước năm 2030 mà VN đã cam kết với cộng đồng quốc tế vẫn còn xa; Liên hợp quốc tiếp tục duy trì UNAIDS tại các Quốc gia, trong đó có Việt Nam; nhiều tổ chức quốc tế lớn khác tiếp tục quan tâm đến PC HIV/AIDS (như Quỹ Toàn cầu, PEPFAR Hoa Kỳ...); Thực tế cho thấy các TT PC AIDS (PAC) tuyến tỉnh trước đây, sau khi sáp nhập vào CDC thì công tác PC HIV/AIDS bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều địa phương không quan tâm triển khai hoạt động PC HIV/AIDS. Đồng thời, đề nghị Thứ trưởng chủ trì cuộc họp với các Vụ/Cục để xây dựng và hoàn thiện đề án đầu tư CDC tuyến tỉnh và chỉ đạo để sớm trình Chính phủ Nghị định về xác định tình trạng nghiện cũng như việc viện trợ thuốc Bông sen để điều trị nghiện ma túy cho nước bạn Lào.
 
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã đánh giá cao nỗ lực của Cục Phòng, chống HIV/AIDS với những kết quả đã được trong thời gian qua đặc biệt khi dịch Covid diễn ra thì Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có nhiều đóng góp tích cực. Thứ trưởng cũng đề nghị, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Cục tiếp tục khẩn trương triển khai các hoạt động: 

  •     Thay đổi trong cách truyền thông, tiếp cận, hỗ trợ với nhóm MSM, đồng thời thay đổi nhận thức xã hội nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử.
  •     Mở rộng hoạt động xét nghiệm, tự xét nghiệm bằng cách quảng bá rộng rãi trên truyền thông đại chúng, quảng bá đến từng địa phương, đến từng đối tượng nguy cơ một cách nhanh nhất.
  •     Nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đấu thầu mua thuốc để tránh bị ngắt quãng thuốc của bệnh nhân.
  •     Có công văn nhắc nhở các địa phương bố trí Ngân sách cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ nguồn kinh phí địa phương qua Đề án đảm bảo tài chính.
  •     Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế và sử dụng nguồn kinh phí viện trợ một cách hiệu quả, đúng pháp luật.
  •     Triển khai đánh giá, nghiên cứu về ảnh hưởng của Covid với người nhiễm HIV.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Thứ trưởng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ khẩn trương triển khai các hoạt động theo đúng tiến độ đã đề ra.