CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Thực trạng – Nguyên nhân - Giải pháp phòng lây nhiễm HIV ở ...

Thứ Năm, 09/05/2024 | 03:04:23 GMT+7

Thực trạng – Nguyên nhân - Giải pháp phòng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới

07/12/2022 | 9962 lượt xem | Đỗ Chanh

Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị  có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. 

Tuy nhiên, những “con đường mới nổi” trong lây nhiễm HIV tại nước ta cũng đang cho thấy những vấn đề cần quan tâm khi tỷ lệ lây bệnh qua đường tình dục, trong đó có nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (gọi tắt là MSM), đang có xu hướng tăng mạnh tại nhiều địa phương, khiến con đường tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS kéo dài hơn. 
 


Ảnh mang tính chất minh họa

Đỉnh dịch HIV của Việt Nam là những năm 2006-2007 mỗi năm chúng ta phát hiện mới hơn 30 nghìn trường hợp nhiễm HIV. Với nhiều sáng kiến, nỗ lực vượt bậc trong việc phòng và chống HIV/AIDS, sau 10 năm từ 2017 đến 2019, Việt Nam chỉ còn phát hiện 10 nghìn trường hợp nhiễm mới mỗi năm. Tuy nhiên trong 2 năm 2020 và 2021, chúng ta lại phát hiện mỗi năm 13 nghìn ca nhiễm. Và năm nay, trong 9 tháng đã phát hiện hơn 9 nghìn ca và dự báo đến hết năm cũng sẽ có khoảng gần 13 nghìn ca nhiễm mới. Như vậy xu hướng dịch đang có dấu hiệu tăng liên tục 3 năm. Trong 13 nghìn ca nhiễm mới này, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía nam với vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 36%, TPHCM là 28%, đông nam bộ 9%.
Nếu giai đoạn trước, lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy và lây qua đường tình dục ở nhóm phụ nữ mại dâm. Song thời gian gần đây, lây truyền qua đường quan hệ tình dục, trong đó có nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới MSM đang có xu hướng tăng mạnh. Phân tích trong số người mới nhiễm HIV gần đây cho thấy người có quan hệ tình dục đồng giới (gọi tắt là MSM) chiếm phần lớn, cá biệt có  tỉnh phía nam, số này chiếm 80%.
Ghi nhận mới đây ở Long An, trong lần khám sức khỏe của đợt tuyển nghĩa vụ quân sự tại địa phương, Trần Văn Phong 20 tuổi ở Long An đã thông báo cho 3 người mà mình từng có quan hệ tình dục đồng giới. Kết quả xét nghiệm khẳng định cả bốn người trong nhóm đều nhiễm HIV, người trẻ nhất chưa đầy 16 tuổi.
Anh Phong cho biết: “Trong lần khám nghĩa vụ quân sự thì em vô tình phát hiện ra tình trạng nhiễm HIV. Lúc đầu cũng sốc. Em đã đi xét nghiệm mấy lần mới tin vào đó. Khi đã bình tĩnh lại thì em tìm đến CDC của tỉnh để tiếp cận điều trị…”
Đó là một trường hợp cụ thể cho thấy, xu hướng dịch HIV đang thay đổi từ hình thái lây nhiễm qua đường máu sang lây qua đường tình dục. Nói cách khác, đường lây truyền HIV hiện nay chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) chiếm khoảng 75% và chủ yếu tập trung ở nhóm thanh niên. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An cho biết, thời gian qua, phát hiện nhiều trường hợp nhiễm HIV ở độ tuổi học sinh, sinh viên. "Chúng tôi chưa có những nghiên cứu để đánh giá đầy đủ, nhưng qua thống kê cho thấy, học sinh là người nhiễm HIV khá đông. Quan hệ tình dục đồng giới là xu hướng tình dục có từ lâu rồi. Công tác truyền thông còn ít nên nhiều người chưa hiểu. Do đó khi phát hiện con em mình quan hệ tình dục đồng giới thì nhiều gia đình hốt hoảng, tổn thương. Quan hệ tình dục đồng giới là một xu hướng tình dục, không phải là bệnh và không phải là điều gì ghê gớm để phân biệt, kỳ thị " đó là ý kiến của của BS Linh.
Trong 10 năm trở lại đây, tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tại nước ta tăng gần 6 lần, là một thách thức không nhỏ trong quá trình thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030. 
Tổng cục Thống kê đưa ra báo cáo Kết quả điều tra mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2021 cho thấy, ở nam nhóm tuổi 15-24 có nhiều hơn 01 bạn tình (trong 12 tháng trước ngày phỏng vấn) là 14%. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục. 
MSM quan hệ tình dục qua đường hậu môn mà đặc điểm niêm mạc ở trực tràng, hậu môn mỏng và không tiết ra dịch để bôi trơn nên dễ bị tổn thương và dễ bị virus xâm nhập hơn so với niêm mạc âm đạo. 
MSM không bị tâm lý lo sợ mang thai nên việc sử dụng bao cao su không được đặt nặng như quan hệ tình dục nam – nữ. Nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục sẽ cao hơn.
Thậm trí ở quần thể này còn có những "cuộc yêu" tập thể, thay vì sử dụng các biện pháp an toàn như bao cao su, chất bôi trơn, thuốc dự phòng (PrEP), họ lại dùng chất kích thích như ma túy, rượu bia... để tăng khoái cảm và tìm cảm giác khác biệt... Lúc này, họ có thể mất kiểm soát hành vi.
Nguy hiểm hơn nữa là có những trường hợp không biết rõ về bạn tình của mình, nhất là tình trạng sức khỏe. Có người mang nhiều nguy cơ chồng chéo, như tiêm chích ma túy, có nhiều bạn tình là cả nam và nữ, thường xuyên thay đổi bạn tình, và có thể mắc kèm các bệnh lây qua đường tình dục khác... khiến cho nguy cơ lây nhiễm HIV càng tăng cao hơn. 
Nhận định về một trong những nguyên nhân khiến tình trạng HIV gia tăng trong nhóm thanh thiếu niên, ông Nguyễn Văn Lên, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, sự kỳ thị trong xã hội đã khiến những người trong nhóm nguy cơ cao không được tiếp cận với các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, trong đó có thuốc dự phòng lây nhiễm (PrEP) và thuốc điều trị (ARV):
 “Theo tôi trong những khó khăn trong phòng chống HIV/AIDS thì rào cản lớn nhất là sự kỳ thị của cộng đồng. Khi không còn sự kỳ thị, coi họ rủi ro nhiễm HIV cũng như mắc những bệnh tật khác, từ đó can thiệp kịp thời thì sẽ đảm bảo được sức khỏe cho họ và hạn chế được sự lây lan. Mặt khác khi người nhiễm HIV cảm nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng, họ sẽ có trách nhiệm hơn với bản thân và sẽ giảm hại cho cộng đồng… ”
Tổ chức liên hợp quốc về phòng chống AIDS (UNAIDS) chọn Chủ đề của ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay là “Bình đẳng hóa” – Tức là mọi người đều xứng đáng được đối xử công bằng và được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ điều trị HIV, bất kể tuổi tác, giới tính, xu hướng tình dục và nơi sống.
Điều đó chứng tỏ rằng, không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới vẫn đang tồn tại sự bất bình đẳng về y tế đối với người nhiễm và người có nguy cơ nhiễm HIV. 
Cũng trong báo cáo Kết quả điều tra mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi đều dưới 50%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi là gần 40%. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi. 
 


PrEP là biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV đang được Bộ Y tế khuyến khích triển khai mở rộng ở nhóm MSM

Để ứng phó với vấn đề này, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp chuyên môn phù hợp và hiệu quả với nhóm mới nổi.
Thứ nhất: Tiếp tục đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV. Đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV; Khi phát hiện được người nhiễm HIV thì kết nối ngay với hệ thống điều trị.
Thứ 2: Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông ở cả kênh truyền thông đại chúng; Hệ thống thông tin cơ sở và nhất là truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ. Tiếp tục các can thiệp để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.  
Thứ 3: Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao qua hệ thống y tế nhà nước và tư nhân v.v…đồng thời duy trì các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm truyền thống như cung cấp các vật dụng can thiệp (BKT, BCS, CBT) và điều trị thay thế nghiện bằng methadone.
Chúng ta không nên đánh giá hoặc ngăn cấm xu hướng tính dục, nhu cầu quan hệ tình dục của người khác. Điều cần làm là chỉ cho họ cách tự bảo vệ khỏi bệnh tật và không lây bệnh cho người khác.