CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Hợp tác quốc tế > Tiếp đón Đoàn chuyên gia Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS và ...

Thứ Ba, 10/12/2024 | 02:27:35 GMT+7

Tiếp đón Đoàn chuyên gia Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS và STI, Bộ Y tế, CHDCND Lào

18/12/2023 | 646 lượt xem | Thế Hoạt

Ngày 18/12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Đoàn chuyên gia từ Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS và STIs, Bộ Y tế, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã có buổi thăm và trao đổi với Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Đoàn chuyên gia do bà Bà PANINA PHOUMSAVANH, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS và STI Lào làm trưởng đoàn cùng đại diện các phòng thuộc Trung tâm.
Tham gia tiếp Đoàn về phía Cục Phòng, chống HIV/AIDS có Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng; Ts. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục; Ths. Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV; Ths. Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát và xét nghiệm cùng đại diện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh. 
Về phía các tổ chức quốc tế có Bà Nguyễn Thị Thúy Vân, Chuyên gia cao cấp Văn phòng WHO tại Việt Nam; TS. Dương Công Thành, Trưởng nhóm Giám sát, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; bà Nguyễn Thiên Nga, Cố vấn thông tin chiến lược, UNAIDS tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chào mừng Đoàn chuyên gia đến thăm và làm việc với Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Ông  thể hiện mong muốn được chia sẻ các kinh nghiệm của Việt Nam với nước bạn, đồng thời cũng được học hỏi thêm kinh nghiệm từ nước bạn cũng như trao đổi, định hướng, hợp tác trong tương lai nhằm hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. 

Chia sẻ với Đoàn chuyên gia, Ths. Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm cho biết: Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 9 năm 2023, theo báo cáo giám sát phát hiện cả nước có 231.481 người đang sống chung với HIV. Tính tới tháng 9 năm 2023, đã có 100% số tỉnh, thành phố; 100% số quận/ huyện và trên 99,98% số xã/phường báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV còn sống được phát hiện và báo cáo chủ yếu thuộc khu vực Đông Nam Bộ (38,67%) và Đồng bằng sông Cửu Long (19,87%).
Tính đến tháng 9 năm 2023, cả nước ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.126 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,5% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 (47,3%) và 30 - 39 (28,2%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (75,1%). Đối tượng chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (49,2%) và đối tượng khác (31,2%). 
Hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010 đến tháng 9 năm 2023 có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010 xuống còn 6,4% vào tháng 9 năm 2023; tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47,5% năm 2010 lên 84,4% năm 2022 và 75,1% vào tháng 9 năm 2023.
Xu hướng dịch HIV trong nhóm nam nghiện chích ma túy (khoảng 12%) và nhóm phụ nữ bán dâm tương đối ổn định (dưới 5%). Tuy nhiên, dịch HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian qua, cũng như dự báo dịch HIV trong thời gian tới (tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM trong giám sát trọng điểm HIV tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022). Kết quả các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nhóm người chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỷ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội là 5,8% năm 2022, tại TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ này là 6,8% năm 2004 tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.
Theo số liệu ước tính và dự báo dịch HIV của Việt Nam năm 2022, số người nhiễm HIV còn sống là 249.000 (220.000 – 270.000) và khoảng 6.200 (5.600 – 6.800) người nhiễm HIV mới. Kết quả ước tính và dự báo những ca nhiễm mới HIV, dựa trên mô hình dịch AIDS/mô hình dịch tại Châu Á (Asian/AIDS Epidemic Model) cho thấy MSM là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam và có tỷ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua.
Một trong những nội dung mà Đoàn chuyên gia rất quan tâm tại buổi trao đổi là kinh nghiệm triển khai giám sát trọng điểm HSS và mô hình tư vấn, xét nghiệm tại Việt Nam.

Bs. Nguyễn Thanh Huyền, Phòng Giám sát và xét nghiệm chia sẻ với các đại biểu:
Tại Việt Nam, xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện tại hơn 1300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 230 phòng xét nghiệm khẳng định. Xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện. Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 35 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đã chỉ rõ hướng đi mới trong tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV, cụ thể: “Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm;”. Cục Phòng chống HIV/AIDS đã nỗ lực phối hợp với các dự án, tổ chức quốc tế, các nhóm dựa vào cộng đồng mở rộng tối đa các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng: bên cạnh việc cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV tại hơn 1300 cơ sở y tế còn cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV thông qua các nhóm dựa vào cộng đồng và thông qua trang web trực tuyến: tuxetnghiem.vn cho 28 tỉnh/thành phố trọng điểm, xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 35 tỉnh/thành phố trên cả nước; kêu gọi sự tham gia tích cực của cộng đồng trong công tác tìm ca nhiễm HIV, huy động sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đặc biệt là công tác tư vấn xét nghiệm HIV…việc này giúp tiếp cận được nhiều hơn với những người có hành vi nguy cơ cao do dịch vụ được cung cấp bởi những người có cùng hoàn cảnh sẽ giảm rất nhiều rào cản về kỳ thị và tự kỳ thị của những người trong cộng đồng.
Ngoài việc huy động sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng, hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng liên tục được mở rộng với 230 phòng xét nghiệm, trong đó có 122 phòng xét nghiệm tuyến huyện để những người có kết quả xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng khi có nhu cầu có thể tiếp cận sớm nhất với dịch vụ xét nghiệm khẳng định HIV mà không mất quá nhiều thời gian di chuyển và chờ đợi kết quả.

Cũng tại buổi trao đổi, Ths. Nguyễn Thị Thanh Hà, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã chia sẻ kinh nghiệm tổ chức triển khai giám sát trọng điểm HSS/HSS+ về: Lựa chọn tỉnh và số lượng tỉnh tham gia HSS; Lập khung mẫu; Chọn mẫu 3 nhóm đối tượng đích; Tổ chức mời, phỏng vấn và thu thập mẫu máu tại thực địa; Bảo quản mẫu và xét nghiệm cũng như phân tích và viết báo cáo.

Với tinh thần hợp tác cùng phát triển, buổi trao đổi đã diễn ra vô cùng thuận lợi, để lại ấn tượng tốt đẹp. Đoàn chuyên gia đã rất ấn tượng với những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thay mặt Đoàn công tác bà PANINA PHOUMSAVANH, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS và STI Lào cảm ơn những chia sẻ quý báu từ phía Cục Phòng, chống HIV/AIDS và mong được tiếp tục được trao đổi học hỏi thêm trong thời gian tới. 


Cũng trong chuyến công tác, trong 4 ngày tiếp theo, Đoàn chuyên gia sẽ tiếp tục thăm quan và trao đổi tại Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ./.