CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tiếp đón Đoàn đại biểu EpiC Trung Á đến thăm và làm việc ...

Thứ Năm, 25/04/2024 | 06:19:52 GMT+7

Tiếp đón Đoàn đại biểu EpiC Trung Á đến thăm và làm việc tại Cục Phòng, chống HIV/AIDS

16/08/2022 | 721 lượt xem | Khiếu Minh

Ngày 15/8, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chuyến thăm quan học tập tại Việt Nam, Đoàn đại biểu từ các nước cộng hòa Trung Á (Tajikistan, Kyrgyzstan và Kazakhstan) đã có chuyến thăm và làm việc tại Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Tham gia tiếp Đoàn có PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng đại diện Lãnh đạo Văn phòng và các Phòng thuộc Cục. 
Đoàn đại biểu từ 3 nước cộng hòa Trung Á gồm lãnh đạo các Trung tâm AIDS, cán bộ USAID, cán bộ dự án EpiC và lãnh đạo các tổ chức cộng đồng do Ngài Daniiar Saliev, Giám đốc Dự án FHI 360, cộng hòa Kyrgyz làm Trưởng đoàn.

 

Phát biểu chào mừng Đoàn đại biểu, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương đã bày tỏ mong muốn được hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các nước bạn trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Dự án EpiC Trung Á với sự tài trợ từ PEPFAR/USAID được thực hiện bởi FHI360 tại Trung Á, hỗ trợ 14 tổ chức cộng đồng tại 3 quốc gia Trung Á để triển khai các dịch vụ dự phòng, tìm ca và hỗ trợ điều trị cho nhóm đích và người có HIV. Nhóm đối tượng hỗ trợ gồm: người sử dụng ma túy, người quan hệ tình dục đồng giới, người có HIV và bạn tình/bạn chích của họ; phụ nữ hành nghề mại dâm và nam có hành vi tình dục nguy cơ cao (bao gồm dân di cư).
Với các mục tiêu: Tăng cường phát hiện các ca HIV bằng cách mở rộng tìm ca tới các nhóm đối tượng mới, cũng như mở rộng các phương thức và chiến lược xét nghiệm nhằm tăng cường kết quả xét nghiệm; Đóng góp vào việc dự phòng HIV bằng cách mở rộng việc sử dụng PrEP tới các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người sử dụng ma túy, phụ nữ hành nghề mại dâm và những cặp đôi trong đó có một người dương tính với HIV; Tăng cường việc bắt đầu điều trị và ức chế tải lượng vi rút, thông qua các mô hình cung cấp dịch vụ khác nhau về điều trị ARV và quản lý ca tại cộng đồng; Cải thiện các yếu tố phòng chống HIV/AIDS bằng cách áp dụng chiến lược thay đổi hành vi xã hội để cải thiện việc xét nghiệm và nâng cao hiểu biết về K=K và ức chế tải lượng vi rút; Nâng cao năng lực và tăng cường hệ thống của đối tác để thu thập và phân tích dữ liệu chương trình, nhằm cải thiện việc sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định và phân tích kết quả hoạt động; Khuyến khích xây dựng và duy trì các hoạt động một cách bền vững, bằng việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cấp quốc gia về các vấn đề liên quan đến hệ thống y tế và việc thể chế hóa các cách tiếp cận, các phương pháp tốt và thành công nhất, như tài trợ cho các hoạt động về HIV, hợp đồng xã hội, và nâng cao vai trò của các tổ chức cộng đồng. 
Dự án EpiC Trung Á tập trung vào các lĩnh vực: đa dạng hóa các phương pháp tìm ca; Đánh giá tìm ca và tìm hiểu khách hàng; Tiếp cận trực tuyến; Tạo cầu cho xét nghiệm HIV; Cung cấp dịch vụ điều trị ARV dựa vào cộng đồng, mở rộng các dịch vụ HIV dựa vào cộng đồng; Tạo cầu PrEP; Hỗ trợ kỹ thuật về việc mở rộng hợp đồng xã hội cho các dịch vụ về HIV trên toàn quốc; Nâng cao năng lực cho nhân viên y tế.

 

Tại buổi làm việc, Ths. Võ Hải Sơn, Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm HIV đã có bài chia sẻ về tình hình dịch HIV tại Việt Nam cũng như Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. 
Số người nhiễm HIV hiện đang còn sống được báo cáo là 213.833 trường hợp. Số người nhiễm HIV tử vong lũy tích tính từ đầu vụ dịch đến nay là 110.990 trường hợp. Trong năm 2021, các tỉnh tiếp tục rà soát các trường hợp nhiễm HIV chưa tham gia điều trị để tư vấn điều trị, trong quá trình rà soát phát hiện nhiều trường hợp tử vong chưa được báo cáo và cũng trong quá trình rà soát có một số trùng lặp và đã được loại bỏ. Tính từ đầu năm 2021 tới nay cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,8% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 (46%) và 30 - 39 (29%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%). Cũng từ đầu năm 2021 tới nay ghi nhận 1.528 trường hợp tử vong. Ước tính đến hết năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp HIV dương tính và 2000 trường hợp tử vong. Lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV và tỷ lệ này ngày càng tăng (từ 65,1% vào năm 2019 tăng lên 75,8 vào năm 2020 và hiện tại là 79,1%). Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao giảm nhưng tỷ lệ này trong nhóm MSM đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo số liệu giám sát trọng điểm HIV, năm 2014 tỷ lệ nhiễm HIV trung bình tại 8 tỉnh/thành phố là 6,7%, năm 2017 triển khai GSTĐ tại 9 tỉnh/thành phố tỷ lệ hiện nhiễm trung bình là 12,2%, tỷ lệ này năm 2020 là 13,3%. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.
HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Ước tính có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống. Mỗi năm phát hiện mới hơn 12.000 người nhiễm HIV và khoảng 2000 người nhiễm HIV tử vong hàng năm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao tuy có giảm nhưng riêng trong nhóm MSM lại tăng mạnh trong những năm gần đây.
Bằng việc triển khai các giải pháp tổng thể: Xét nghiệm, Điều trị và Dự phòng, tính đến nay Việt Nam đã đạt: 84% số người biết tình trạng nhiễm HIV, trong đó số người được điều trị ARV đạt 79%, số đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96% trong các mục tiêu 95-95-95 đến năm 2025.

 
Cũng tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã được Ts. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ về các giải pháp tài chính bền vững hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, trong đó chú trọng sự tham gia của các tổ chức tư nhân và các tổ chức dựa vào cộng đồng và Đề án thí điểm mua sắm các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội giai đoạn 2022-2024.
 

Ngài Daniiar Saliev, Giám đốc Dự án FHI 360, cộng hòa Kyrgyz đã trân trọng cảm ơn Cục trưởng và các cán bộ của Cục dành thời gian quý báu cho Đoàn cũng như chia sẻ nhiều thông tin hữu ích. Ông cũng chúc mừng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Từ những bài học này, 3 nước Trung Á sẽ áp dụng để triển khai tại đất nước mình. 
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã có nhiều câu hỏi xoay quanh các hình thức xét nghiệm, các loại test xét nghiệm, các hình thức điều trị nghiện cũng như các loại hình dịch vụ của hoạt động hợp đồng xã hội đang được triển khai thí điểm tại Việt Nam.

 
Cục trưởng Phan Thị Thu Hương đã tặng các đại biểu món quà nhỏ đặc trưng của Việt Nam

 
Các nước bạn cũng có những món quà đặc sắc đại diện văn hóa mỗi nước tặng Cục Phòng, chống HIV/AIDS