Ngày 8-9/6/2020, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có cuộc làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên về chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP).
Ngày 8-9/6/2020, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có cuộc làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên về chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP).
Tham dự đoàn công tác của Cục có Bs. Nguyễn Hữu Hải, Phó trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Bác sỹ Ramona, Chuyên gia cao cấp của Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; chuyên viên các phòng điều trị HIV/AIDS, phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, cán bộ dự án EPIC. Tiếp đoàn công tác có Bs. Nguyễn Văn Trường, Giám đốc CDC Thái Nguyên, Bs. Lê Ái Kim Anh, Phó Giám đốc; Đại diện phòng nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên. Cùng tham dự còn có đại diện các phòng ban của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bs. Nguyễn Hữu Hải, đánh giá cao việc triển khai PrEP của tỉnh cũng như sự hỗ trợ bố trí thời gian tiếp đoàn của tỉnh. Hiện nay PrEP đã được triển khai tại 26 tỉnh thành phố, tuy nhiên số lượng khách hàng của các đơn vị tư nhân cung cấp bằng với cơ sở y tế công cung cấp, mặc dù số lượng cơ sở y tế công cung cấp gấp đôi số lượng phòng khám tư. Bs Hải cũng mong muốn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục mở rộng triển khai điều trị PrEP và duy trì lượng khách hàng cũ để đạt chỉ tiêu vào cuối năm 2020 là 200 khách hàng sử dụng PrEP.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên thông tin về tình hình dịch HIV/AIDS ở tỉnh như: Số khách hàng nguy cơ cao lây nhiễm HIV gồm số người sử dụng ma túy có hồ sơ về ước tính Nam quan hệ tình dục đồng giới MSM theo phần mềm Blued tại Thái Nguyên là 1010 người. Tuy nhiên số này chỉ là ước tính theo phần mềm và thực tế còn nhiều hơn nữa. Tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM khoảng 4% theo giám sát trọng điểm năm 2017. Tính đến hết 30/4/2020, lũy tích số người nhiễm HIV là 9.429 người trong đó số tử vọng là 4395, số còn sống là 5.034 người. Số có mặt tại đại phương là 4.192 người và số bệnh nhân điều trị ARV là 3.931 người. Về hoạt động PrEP tại Trung tâm YT thành phố Thái Nguyên được triển khai từ 8/5/2019. Chỉ tiêu là 80 khách hàng nam 2019 và 200 năm 2020. Nguồn khách hàng chủ yếu từ các nhóm cộng đồng và các cơ sở y tế. Lũy tích khách hàng sử dụng PrEP là 89 khách hàng tham gia. Số khách hàng mới điều trị là 34 người. Số khách hàng đang sử dụng là 40 trong đó 33 khách hàng là MSM và 6 khách hàng là bạn tình dị nhiễm. Tỷ lệ khách hàng sử dụng PrEP từ 3 tháng trở lên trong kỳ là 52%. Dự kiến trong năm nay sẽ mở mới cơ sở điều trị PrEP tại trung tâm y tế thị xã Phổ Yên và 01 bệnh viện tư nhân. Ngoài những thành công bước đầu thì có một số vấn đề tồn tại được đặt ra như: Dịch vụ cung cấp chưa đáp ứng được nhu cầu, về không gian riêng tư không có dẫn đến khách hàng sợ lộ thông tin nên e ngại không đến sử dụng dịch vụ. Về con người cũng thay đổi nhân sự và kiêm nhiệm nhiều hoạt động. Đồng thời trong thời gian vừa qua cũng do ảnh hưởng của dịch Covid nên việc đi lại, khám bệnh và duy trì của khách hàng bị ảnh hưởng. Việc truyền thông tiếp thị về PrEP chưa hiệu quả, bài bản. Chưa có sự kết nối từ cơ sở y tế khách đến và kinh phí hỗ trợ chuyển gửi rất thấp.
Cũng tại buổi làm việc, các giải pháp được đưa ra như tăng cường sự hỗ trợ, phối họp của các nhóm cộng đồng, các cơ sở y tế để đưa khách hàng đến sử dụng dịch vụ. Các cơ sở PrEP cần bố trí phòng tư vấn khám và cấp thuốc riêng để đảm bảo tính riêng tư cho khách hàng, phân công nhiệm vụ hợp lý cho cán bộ phụ trách PrEP. Cán bộ trung ương cũng cần thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới như vai trò về truyền thông, tiếp cận Online, truyền thông qua Facebook, youtube… và Xây dựng tài liệu truyền thông và triển khai PrEP.
Tại buổi làm việc, cán bộ Cục cũng chia sẻ mô hình triển khai PrEP lưu động và hỗ trợ triển khai hoạt động PrEP cho tuyến tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc CDC Thái Nguyên phát biểu tại cuộc họp
Bà Lê Ái Kim Anh, Phó Giám đốc CDC Thái Nguyên phát biểu tại cuộc họp
Ông Nguyễn Văn Minh, trưởng khoa HIV/AIDS trình bày báo cáo tại buổi họp
Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HIV ở hầu hết các nhóm có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm có xu hướng giảm nhanh thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và cộng đồng người chuyển giới lại tăng lên. Cụ thể, trước đây tỷ lệ nhiễm HIV nhóm nghiện chích ma túy chiếm 29-30% thì nay giảm còn 9-10%, ở phụ nữ bán dâm cũng giảm từ 5% xuống 3,4%. Riêng tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM) tăng cao, từ 7,4% năm 2016 lên 11,4% năm 2018. Theo ước tính, cả nước có khoảng 174.000 MSM trong độ tuổi 15-49 và riêng Hà Nội có tới hơn 30.000 MSM (chiếm khoảng 17,5% số MSM cả nước).
Với mục tiêu hướng tới không còn người nhiễm HIV năm 2030, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo bên cạnh các biện pháp can thiệp giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV đối với những người nhiễm HIV (như điều trị ARV sớm và duy trì tải lượng HIV ở mức dưới 200 bản sao/mL) thì điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV – hay gọi là PrEP là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất để dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nguy cơ cao như MSM, người chuyển giới nữ, tiêm chích ma túy, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV. Hiện nay, PrEP là một phần trong chiến lược dự phòng HIV toàn diện, bao gồm cả việc sử dụng bao cao su.
PrEP là biện pháp dự phòng nhiễm HIV bằng cách uống thuốc kháng HIV đều đặn hằng ngày, trước khi phơi nhiễm HIV. Tuân thủ tốt có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục trên 90% và tiêm chích ma túy 70%. PrEP an toàn cho người dùng, cả phụ nữ mang thai và cho con bú.
Văn Trường