Chiều 4/4, tại Long An, BQL tiểu dự án EPIC tỉnh Long An tổ chức Hội thảo "Điều trị ARV là dự phòng" trong khuôn khổ Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tài trợ.
Chiều 4/4, tại Long An, BQL tiểu dự án EPIC tỉnh Long An tổ chức Hội thảo "Điều trị ARV là dự phòng" trong khuôn khổ Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tài trợ.
Tham dự và chủ trì sự kiện có Ths.Bs Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; BSCKII Mai Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Long An, Bà Lin Chun Liu, Giám đốc điều phối PEPFAR Việt Nam; BS. Minesh Shah Cố vấn chuyên môn cao cấp CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam. Cùng tham dự sự kiện còn có Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, lãnh đạo và chuyên viên Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Viện Pasteur Hồ Chí Minh; cán bộ văn phòng PEPFAR, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; Lãnh đạo và cán bộ trung tâm Y tế 15 huyện thị của tỉnh Long An; Lãnh đạo và cán bộ các Sở, ban, ngành, Liên đoàn lao động tỉnh Long An và các nhóm cộng đồng tỉnh Long An.
Phát biểu tại sự kiện, Ths Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, sự kiện "Điều trị là dự phòng" một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chiến lược sử dụng thuốc kháng virus để dự phòng cho người chưa nhiễm HIV và để điều trị cho người nhiễm HIV. Thông điệp này nhấn mạnh rằng: Một người chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ lây nhiễm HIV nếu sử dụng thuốc kháng vi rút mà chúng ta quen gọi là PrEP, tuân thủ tốt có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV tới 96%. Người đã nhiễm HIV nhưng khi điều trị bằng thuốc kháng HIV đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (tức dưới 200 bản sao/mL máu) sẽ không có khả năng làm lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục mà chúng ta được biết đến với thuật ngữ Không phát hiện = Không lây truyền hay K=K. Đồng thời cũng tại Hội thảo Phó Cục trưởng Võ Hải Sơn cũng kêu gọi và truyền tải các thông điệp đến với cộng đồng: AIDS không phải là bệnh tử thần, nhiễm HIV không phải là dấu chấm hết. NẾU người nhiễm HIV được phát hiện sớm, được điều trị ARV sớm, tuân thủ điều trị; Người nhiễm HIV khi điều trị bằng thuốc ARV cần tuân thủ điều trị ARV theo đúng chỉ dẫn của thày thuốc để có được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện. Cần xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ để biết tình trạng “Tải lượng vi rút” của mình. Những người có hành vi nguy cơ cao hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt. Tất cả mọi người, đặc biệt là CBYT, người thân, gia đình và cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Hãy hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV tiếp cận đến các dịch vụ PC HIV/AIDS. Người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cũng phải tự vươn lên, vượt qua khó khăn, rào cản, không tự kỳ thị chính mình.
Phát biểu tại sự kiện BSCK II-Mai Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Long An cho biết, thông điệp "Điều trị ARV là dự phòng" và "K=K" (Không phát hiện=Không lây truyền) được đúc kết từ những bằng chứng khoa học từ nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới có giá trị thực tiễn rất lớn trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam nói chung và Long An nói riêng. Đồng thời Phó Giám đốc Sở Mai Thanh Tùng cho biết Trong 5 năm gần đây, tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Long An đang gia tăng trở lại và tập trung chính trong nhóm quần thể nam quan hệ tình dục đồng giới, đặc biệt là nhóm sinh viên, học sinh và công nhân lao động tại các nhà máy, công ty, xí nghiệp thuộc các khu công nghiệp. Do đó, cần đẩy mạnh can thiệp trong nhóm này.
Bà Lin Chun Liu, Giám đốc điều phối PEPFAR Việt Nam cho biết, các ưu tiên hàng đầu của chương trình PEPFAR hiện tại là hỗ trợ chương trình điều trị HIV quốc gia và mở rộng quy mô các dịch vụ PrEP tại 11 tỉnh nơi PEPFAR hoạt động. Những khu vực này chiếm hơn 50% gánh nặng HIV trên toàn quốc.
Bà Liu đánh giá cao những nỗ lực, kết quả ngành y tế Long An đã đạt được, đặc biệt trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Là người đã nhiều năm làm trong công tác phòng chống HIV/AIDS, bà Liu đã chứng kiến nhiều thay đổi tích cực, từ thời điểm mà hầu hết mọi người đều nghĩ rằng AIDS là dấu chấm hết, đến việc chứng kiến những bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng thuốc ARV, và các khái niệm gần đây về K=K và PrEP. Trong những năm gần đây, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới vẫn ở mức cao. Sự kỳ thị, bao gồm cả sự tự kỳ thị, tác động tiêu cực đến khả năng tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm và dự phòng, tuân thủ điều trị và sức khỏe tâm thần. Do đó, việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm hại, đồng thời tăng cường truyền thông trong nhóm này là việc làm rất cần thiết. Bà Lin Chun Liu cam kết, để hướng tới chấm dứt AIDS trong cộng đồng, PEPFAR sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam nói chung và Long An nói riêng để tiến tới được mục tiêu khả thi này.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được BS. Minesh Shah Cố vấn chuyên môn cao cấp CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam và Bà Asia Nguyễn , Cố vấn HSS, CDC Hoa Kỳ tại VN chia sẻ Loại bỏ kỳ thị và những can thiệp mới vì một thế hệ không có AIDS- Hành trình hướng tới kiểm soát dịch HIV.
Ths. Hoàng Thanh Hải, Văn phòng điều phối PEPFAR chia sẻ Đa dạng và công bằng giới trong các dịch vụ HIV
Cũng tại Hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An cho biết, tính đến tháng 2/2023, toàn tỉnh Long An phát hiện 4.938 ca nhiễm HIV. Số bệnh nhân còn sống ở cộng đồng là 4031, trong đó ngoại tỉnh là 709 người. Dịch HIV/AIDS tập trung cao tại các địa bàn giáp ranh TPHCM và khu công nghiệp, dân cư đông như huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP.Tân An,… Tỉ lệ lây nhiễm do hành vi tiêm chích giảm rõ và ngày càng cao trong nhóm nam giới. Xu hướng quan hệ tình dục đồng giới là đường lây chính.
Các đại biểu ký tên và chụp ảnh lưu niệm trước khi vào hội thảo
Trong thời gian tới, để đạt được các mục tiêu quan trọng đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngành y tế Long An sẽ đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng, nhằm giảm phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người thuộc quần thể quan hệ tình dục đồng giới nam, đồng thời tăng số người nguy cơ cao được tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm, dự phòng và điều trị ARV.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh những can thiệp dự phòng, phòng chống HIV/AIDS tại các trường học, công ty, xí nghiệp nhằm tăng số người được tiếp cận điều trị ARV sớm và điều trị PrEP dự phòng ARV…
Toàn cảnh Hội thảo
Standee K=K tại Hội thảo