Nhằm Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12, sáng ngày 1.12.2022, Trung tâm LIFE phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Giới thiệu mô hình can thiệp phòng chống HIV cho công nhân nhà máy hướng đến chấm dứt dịch AIDS (SAFE-ZONE)” tại TPHCM với mục tiêu chia sẻ giới thiệu mô hình truyền thông can thiệp trong khu công nghiệp, hướng tới nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe tình dục, phòng chống HIV/
Hội thảo có sự tham dự của TS. BS Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng dự phòng lây nhiễm HIV cùng lãnh đạo và cán bộ Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV của Cục Phòng, chống HIV/AIDS; TS. Randolph Augustin - Giám đốc Chương trình y tế của USAID tại Việt Nam, TS. Maria Elena Borromeo Filio, Giám đốc UNAIDS quốc gia tại Việt Nam, TS. Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch Hội Y tế Công cộng thành phố Hồ Chí Minh. Cùng tham dự còn có đại diện các tổ chức và dự án quốc tế tại Việt Nam như: USAID, Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS - Cục Phòng, chống HIV/AIDS, PATH, FHI360, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam và đại diện các Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các tỉnh/thành phố tham gia mô hình phòng, chống HIV/AIDS khu công nghiệp; Dự án Phòng, chống HIV/AIDS của Quỹ Toàn cầu - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đại diện cơ quan Liên Hợp Quốc, CDC Hoa Kỳ và các tổ chức đối tác của USAID, đại diện các phòng khám ngoại trú cấp quận/huyện, các tổ chức cộng đồng thuộc các tỉnh/thành tham gia và mong muốn triển khai mô hình.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. BS Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo giới thiệu mô hình can thiệp phòng, chống HIV/AIDS trong khu công nghiệp cho công nhân đồng thời nhấn mạnh Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, Việt Nam tập trung vào chủ đề: “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”, việc lựa chọn chủ đề này mang nhiều ý nghĩa: Thứ nhất, hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam có sự thay đổi, 2 năm trở lại đây số ca nhiễm mới đang tăng, mỗi năm có tới hơn 13 nghìn ca. Đáng lưu ý dịch tăng chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ. 50% số ca nhiễm HIV phát hiện mới là những người dưới 29 tuổi. Con đường lây truyền chính là qua đường quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 74,6% chủ yếu tập trung ở nhóm thanh niên trẻ. Do vậy không thể kết thúc được đại dịch AIDS nếu không có sự tham gia của Thanh niên. Thứ hai, về kiến thức và thái độ phòng, chống HIV/AIDS của thanh niên: theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi chỉ dưới 50%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi là gần 40%. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên. Thứ ba, cùng với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, ở nam nhóm tuổi 15-24 có nhiều hơn 01 bạn tình (trong 12 tháng trước ngày phỏng vấn) là 14%. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai... Đồng thời trong bài phát biểu khai mạc TS. Tâm cũng đề nghị Các tổ chức cộng đồng cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS từ tham gia góp ý trong quá trình xây dựng chính sách, triển khai, theo dõi, đánh giá, nhất là việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đích của mình. Bộ Y tế sẽ tham mưu cho Chính phủ trong thời gian tới nghiên cứu đề xuất tạo môi trường và cơ chế thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là việc để các tổ chức xã hội trực tiếp cùng tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn ngân sách trong nước; Cảm ơn sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và đề nghị các tổ chức, dự án tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật để giúp Việt Nam triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong khu công nghiệp trong thời gian tới. Cũng tại Hội thảo, TS. Tâm đã chia sẻ về tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam cũng như chiến lược can thiệp cho các nhóm đích của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.
Ông Randolph Augustin - Giám đốc Chương trình y tế của USAID tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Chia sẻ tại hội thảo, Ths Nguyễn Nguyên Như Trang – Giám đốc Trung tâm LIFE cho rằng Năm 2022, với sự hỗ trợ và chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Cục Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm LIFE thông qua dự án LADDERS đã hợp tác với một số nhà máy, thí điểm triển khai chương trình SAFE-ZONE tại TPHCM và Đồng Nai – nơi mật độ tập trung nhà máy khu công nghiệp cao, với các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe cho công nhân của nhà máy. “Đây là sáng kiến can thiệp quan trọng của trung tâm LIFE nhằm tăng cường kết nối nhóm đối tượng rất đặc thù và đông đảo là nhóm công nhân lao động, người trẻ trong nhà máy khu công nghiệp đến các dịch vụ và thông tin liên quan đến HIV/AIDS và STIs. SAFE-ZONE huy động sự tham gia của đối tác nhà máy, các tổ chức cộng đồng triển khai mô hình DOME và đội ngũ công nhân viên lao động từ khâu lập kế hoạch, xây dựng chương trình, thiết kế nội dung, đến triển khai hoạt động và đánh giá hiệu quả. Hơn nữa, nội dung truyền thông gần gũi thiết thực, bao gồm các thông điệp, kiến thức, kỹ năng liên quan đến chăm sóc sức khỏe, tình dục an toàn, và phòng tránh HIV/AIDS, được thực hiện theo phương pháp chủ động, sáng tạo và có tính tương tác cao thông qua trò chơi, hội thi, sự kiện và bài đăng trên đa dạng các kênh trực tuyến và trực tiếp.”
Anh Micky Mai, Đại diện trung tâm Life chia sẻ Chiến dịch Safe Zone
Cũng tại Hội thảo các đại biểu, cơ quan ban ngành, đối tác chiến lược và các bên liên quan cùng với các tổ chức cộng đồng đóng góp ý kiến xây dựng mô hình toàn diện hơn, thảo luận về khả năng nhân rộng mô hình SAFE-ZONE và xác định tầm quan trọng của việc thiết kế và triển khai các mô hình can thiệp HIV tập trung vào các nhóm ưu tiên, trong đó có nhóm công nhân nhà máy. Trong phần trình bày TS Nguyễn Thị Minh Tâm, đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh ý nghĩa và tính cần thiết của mô hình SAFE-ZONE trong việc chủ động và sáng tạo tiếp cận, phổ cập kiến thức và cung cấp dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS cho lực lượng công nhân lao động nhà máy khu công nghiệp. “Chúng tôi rất vui mừng và bất ngờ khi chỉ mới thí điểm ở 4 nhà máy mà SAFE-ZONE đã tiếp cận với hơn 1500 công nhân, cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho 350 người, kết nối dự phòng PrEP cho hơn 60 trường hợp và chuyển gửi 11 ca vào chương trình điều trị ARV qua BHYT. Đây là những con số rất khả quan, cho thấy tính hiệu quả và khả năng nhân rộng của mô hình này. Các bước triển khai rất rõ ràng, dễ đo lường và dễ áp dụng, nên bất cứ địa phương nào tập trung nhiều khu công nghiệp, nhà máy với mạng lưới các tổ chức cộng đồng (DOME/DNXH/CBO) cung cấp dịch vụ HIV/AIDS sẵn có đều có thể cân nhắc điều chỉnh, áp dụng và triển khai mô hình SAFE-ZONE.”
Với khẩu hiệu “Lao động khỏe mạnh, doanh nghiệp/nhà máy phát triển, xã hội phồn vinh”, Hội thảo SAFE-ZONE tự hào có được sự góp mặt sôi nổi và ủng hộ nhiệt thành của đại diện Liên đoàn Lao động các tỉnh cùng đại biểu ban lãnh đạo và công đoàn các nhà máy, công ty tư nhân và nhãn hàng lớn bao gồm những doanh nghiệp đã hợp tác triển khai thí điểm mô hình SAFE-ZONE và những đại diện có mong muốn tìm hiểu thêm để áp dụng các hoạt động SAFE-ZONE cho công nhân một cách linh hoạt, phù hợp và hiệu quả. Tại sự kiện, đại diện nhãn hàng đa quốc gia đã khẳng định tầm quan trọng của chương trình chăm sóc sức khỏe cho lực lượng lao động. Trong phiên tọa đàm, các đại biểu doanh nghiệp đều thống nhất cần mở rộng và tăng tần suất các hoạt động nâng cao hiểu biết về sức khỏe các vấn đề sức khỏe và truyền thông thông tin dịch vụ y tế liên quan để công nhân có thể chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và sống lành mạnh. Đây là những hoạt động ưu tiên cần sự điều phối, hợp tác và hiệp lực của nhiều bên cơ quan, đoàn thể và các đối tác khác nhau để thực hiện chung một mục tiêu vì một lực lượng lao động khỏe mạnh, cho phồn vinh bền vững. Trung tâm LIFE cũng cam kết sẽ hỗ trợ các tổ chức cộng đồng (DOME) mở rộng địa bàn triển khai mô hình can thiệp SAFE-ZONE kết hợp cùng nhiều đối tác nhà máy/khu công nghiệp mới có nhu cầu.
Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (LIFE) là một tổ chức xã hội được thành lập dưới Liên hiệp các Tổ chức Khoa học và Kỹ thuật (VUSTA) với sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và cộng đồng dễ bị tổn thương. LIFE hoạt động mạnh trên lĩnh vực xây dựng năng lực tổ chức cộng đồng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dự phòng HIV/AIDS, xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, an toàn và cải thiện chất lượng cuộc sống công nhân nhà máy. Trung tâm LIFE luôn đi đầu trong các mô hình can thiệp phòng chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng. Đặc biệt, LIFE đã xây dựng thành công mô hình hợp tác giữa các TCCĐ và các trung tâm y tế quận/huyện, phòng khám điều trị HIV (C2P) để hỗ trợ chuyển gửi người nhiễm HIV sớm và hỗ trợ tuân thủ điều trị. Hiện tại, LIFE xúc tiến C2P+ để kết nối các TCCĐ với thêm nhiều đối tác khối tư nhân, trong đó có nhà máy khu công nghiệp để triển khai các hoạt động SAFE-ZONE bền vững và hiệu quả. Hàng năm, LIFE điều phối mạng lưới hơn 40 tổ chức cộng đồng tư vấn dự phòng, xét nghiệm sàng lọc HIV gần 40.000 người có nguy cơ với HIV/năm và hỗ trợ gần 10.000 người tiếp cận với chương trình dự phòng lây nhiễm HIV trước phơi nhiễm (PrEP). Mô hình cửa hành dịch vụ một cửa của cộng đồng (DOME) cũng đang được trung tâm LIFE thí điểm triển khai ở TP HCM và Đồng Nai nhằm nâng cao năng lực và duy trì bền vững sự phát triển của TCCĐ.
Một số hình ảnh tại Hội thảo
Tiết mục Võ Việt Nam chào mừng Hội thảo
Toàn cảnh hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh trước khi bắt đầu Hội thảo
Văn nghệ chào mừng có nội dung Công nhân với PrEP tại Hội Thảo