CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức Hội thảo “Cập nhật khoa ...

Chủ Nhật, 03/11/2024 | 01:06:55 GMT+7

Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức Hội thảo “Cập nhật khoa học về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV”

11/12/2023 | 592 lượt xem | Tùng Hiếu

Trong hai ngày 11-12/12/2023, tại thành phố Hải Phòng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC) phối hợp với Trung tâm Dự phòng và kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam và tổ chức The Beth Israel Deaconess Medical Center, Inc. (BIDMC) đồng tổ chức “Hội thảo Cập nhật Khoa học về Dự phòng, Chăm sóc và Điều trị HIV” nhằm chia sẻ kiến thức, thông tin cập nhật trong điều trị và dự phòng HIV, đặc biệt là những kiến thức mới nhất từ các nghiên cứu khoa học từ các Hội nghị Khoa học quốc tế.

Tham dự và chủ trì hội thảo có PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Cùng tham dự còn có Lãnh đạo và cán bộ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức dựa vào cộng đồng và lãnh đạo, chuyên viên các phòng, ban thuộc Cục. 

Theo lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS, sau 33 năm triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS, xã hội đã giảm đáng kể sự phân biệt kỳ thị bệnh nhân. Thay vì những hình ảnh gây đe dọa, ghê sợ, giờ đây là những hình ảnh tôn trọng.
"Người nhiễm HIV/AIDS đã giảm đi nhiều rào cản phân biệt đối xử, được tiếp cận điều trị sớm, chăm sóc tốt. Có những người hoàn toàn khỏe mạnh như người bình thường khi họ tuân thủ điều trị tốt", PGS Hương thông tin.

Cũng theo PGS Hương, Việt Nam đã áp dụng nhiều mô hình, đặc thù khác nhau trong các biện pháp dự phòng và điều trị, phù hợp với đặc tính, đối tượng (như nhóm đối tượng nghiện ma túy, nhóm đối tượng mại dâm, nhóm can thiệp đồng giới...)... để người bệnh tiếp cận điều trị thuận lợi nhất; nhiều loại thuốc mới phát minh được cập nhật kịp thời điều trị phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau.
PGS Hương thông tin thêm, những năm qua, ngành y tế đã triển khai các biện pháp dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV không chỉ trong cộng đồng mà triển khai theo thông điệp chung của toàn cầu đưa ra để đạt được mục tiêu đó.
Tại Việt Nam, việc xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện tại hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 230 phòng xét nghiệm.
Tăng dự phòng sẽ tiết kiệm cho nguồn lực điều trị
Lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng đánh giá, không chỉ triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng, mà Việt Nam đặt ra mục tiêu cụ thể để ưu tiên toàn lực, khi mà các nguồn tài chính ngày càng khó khăn.
 

Tư vấn phòng chống HIV/AIDS cho nhóm thanh niên ở Huế

"Chúng ta phải xác định lựa chọn dùng biện pháp nào, nhóm đối tượng nào cần ưu tiên để đầu tư toàn lực, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp dự phòng sớm sẽ là yếu tố tiên quyết để tiết kiệm hiệu quả nguồn lực điều trị bệnh sau này", PGS Hương bày tỏ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Eric Dziuban, Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, các chương trình chăm sóc và điều trị HIV/AIDS triển khai trên toàn Thế giới cũng như ở Việt Nam với mục tiêu giúp người có HIV cải thiện sức khỏe, với chất lượng cuộc sống tốt hơn.
"Mục tiêu của việc dự phòng, can thiệp điều trị nhằm giúp người bệnh có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng phát hiện, người nhiễm HIV không có nguy cơ truyền HIV sang người khác qua quan hệ tình dục", ông Eric Dziuban nói.
Chuyên gia này cũng đánh giá, công tác điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS ngày càng tỉ mỉ, khi mà có những loại thuốc có tác dụng phụ, bác sĩ phải cân nhắc chỉ định phù hợp trên từng người bệnh, xem họ có sử dụng thuốc gì kèm theo, có lạm dụng bia rượu hay không để có hướng dẫn cụ thể.
"Đặc biệt, người bệnh bên cạnh lựa chọn điều trị, có nhiều lựa chọn về dịch vụ hỗ trợ", ông Eric Dziuban đánh giá.
Trong khi đó, PGS Todd Pollack - Giám đốc Y khoa Tổ chức The Beth Israel Deaconess Medical Center, Inc. (BIDMC) Việt Nam nhấn mạnh về tiêu chí chăm sóc lấy con người làm trung tâm và khái niệm mới về "90 thứ tư".
Khái niệm mới về "90 thứ tư" để đảm bảo 90% người có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế có chất lượng cuộc sống trên cơ sở sức khỏe tốt.
Thực tế, nhiều người đạt được mục tiêu tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng khác như các bệnh không lây nhiễm, trầm cảm, lo âu và những trải nghiệm hoặc sự lo sợ bị phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Theo chuyên gia này, để đạt được mục tiêu "90 thứ tư," Việt Nam cần lồng ghép các dịch vụ y tế lấy con người làm trung tâm. Đó là việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị toàn diện này nhằm hướng đến mục tiêu của thiện chất lượng cuộc sống ở người nhiễm HIV.
Do vậy, Việt Nam cần thiết kế và cung cấp dịch vụ dựa trên nhu cầu của người bệnh thay vì tập trung vào trị bệnh đồng thời thúc đẩy phương thức tiếp cận và cung cấp dịch vụ lấy con người làm trung tâm, kết nối chặt chẽ với các dịch vụ chăm sóc ban đầu.
Trước đó, năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo lồng ghép cung cấp dịch vụ sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường tại các cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS. Người nhiễm HIV không những chỉ điều trị bằng thuốc ARV hiệu quả để đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế mà còn cần được sàng lọc quản lý điều trị hiệu quả các bệnh không lây nhiễm.
Việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị toàn diện này nhằm hướng đến mục tiêu của thiện chất lượng cuộc sống ở người nhiễm HIV. Đây cũng chính là khái niệm "90 thứ tư" mà các diễn giả chuyên gia quốc tế muốn chuyển tải trong Hội thảo.

Tại Hội thảo, nhiều kiến thức mới,  thông tin cập nhật trong điều trị và dự phòng HIV, đặc biệt là những kiến thức mới nhất từ các nghiên cứu khoa học từ các Hội nghị Khoa học quốc tế về HIV; và thảo luận về khả năng triển khai các sáng kiến mới này tại Việt Nam cũng được chia sẻ.