Ngày 29.6, tại Đà Nẵng, Ủy ban Xã hội phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo "Đại biểu dân cử với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội". Tham dự và chủ trì có Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Mai.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Mai và ông Cố vấn chương trình Quinten Lataire, UNAIDS khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Chủ trì Hội Thảo
Tham dự và chia sẻ tại hội thảo có PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS và với sự tham gia của nhiều đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan nêu rõ, công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Luật Phòng, chống HIV/AIDS và Luật Phòng, chống ma túy đã được sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực này. Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đã tập trung triển khai thực hiện luật, nhiều giải pháp về phòng, chống AIDS và tệ nạn xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực... Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập. Tình hình dịch HIV/AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng số nhiễm mới, đặc biệt các tỉnh, thành phố lớn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, mại dâm và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới vẫn cao. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả đấu tranh với các loại tội phạm về ma túy còn chưa tương xứng với tình hình hoạt động của tội phạm về ma túy hiện nay. Số người sử dụng chất ma túy, chưa xác định tình trạng nghiện, chưa cai nghiện còn cao. Tệ nạn xã hội qua không gian mạng có chiều hướng gia tăng như đánh bạc, tội phạm liên quan đến tín dụng đen, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động môi giới mại dâm sử dụng công nghệ... Thực trạng này đòi hỏi cần có cơ sở pháp lý và giải pháp phòng, chống phù hợp hơn.
Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại Hội thảo
Các đại biểu dự Hội thảo trao đổi về: Tình hình HIV tại Việt Nam và việc triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Khuyến nghị của Liên Hợp Quốc về bảo đảm thực hiện các mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS; nguy cơ lây nhiễm HIV và một số vấn đề sức khỏe trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và nữ chuyển giới có sử dụng ma túy tổng hợp; tình hình ma túy, người nghiện ma túy và ứng phó với ma túy của khu vực; tình hình triển khai Luật Phòng, chống ma túy…
Về tình hình HIV của Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế Phạm Đức Mạnh cho biết, tính đến năm 2021, số người nhiễm HIV toàn quốc là 242 nghìn người, số người tử vong do nhiễm HIV năm 2021 là 583 người; số người phát hiện nhiễm 6 tháng đầu năm 2022 là 3.884 người. Tỷ lệ mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ. Đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm, trở thành đường lây chính. Trong đó, tỷ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Tỉ lệ nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm MSM và đặc biệt là nhóm MSM sử dụng chất kích thích trong quan hệ tình dục. Về Điều trị ARV tiếp tục được mở rộng, chất lượng điều trị rất tốt. Hiện có hơn 163.000 bệnh nhân đang được điều trị ARV. Phác đồ điều trị liên tục được cập nhật; thuốc mới (TLD) được cấp phép. Mở rộng điều trị trong ngày; cấp phát thuốc nhiều tháng... và Triển khai điều trị viêm gan C trên người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan vi rút C. Đến 19/8/2021 đã điều trị cho 1623 bệnh nhân tại 30 tỉnh (86 cơ sở); Số khách hàng điều trị PrEP ít nhất một lần là 36500. Việc thực hiện mục tiêu 95-95-95 đang ở mức 84-79-96.
Tại Hội thảo, Cố vấn chương trình Quinten Lataire, Cơ quan phòng, chống AIDS của Liên Hợp Quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu giai đoạn 2021-2026 ưu tiên 3 chiến lược. Đó là tối đa hóa tiếp cận công bằng và bình đẳng tới các dịch vụ và giải pháp phòng, chống HIV. Xóa bỏ các rào cản để đạt được kết quả mong đợi trong phòng, chống HIV/AIDS. Cung cấp nguồn lực đầy đủ và duy trì bền vững các đáp ứng có hiệu suất cao với HIV, lồng ghép HIV vào các hệ thống chung về y tế, bảo trợ xã hội, đáp ứng nhân đạo và với các đại dịch khác…
PGS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội thảo
Hội thảo cũng được chia sẻ Tình hình ma túy, người nghiện ma tuý và ứng phó với ma túy của khu vực. Khuyến nghị cho Việt Nam do Bà Karen Peters, Cố vấn y tế và ma túy, Cơ quan phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNODC)
Tình hình triển khai Luật Phòng, chống ma túy (phần về cai nghiện ma túy) của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hộivà tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về mại dâm: thực trạng, giải pháp và kiến nghị.
Một số hình ảnh tại hội thảo
Ths. Võ Hải Sơn, Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ tại hội thảo
TS. Dương Thúy Anh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS trả lời câu hỏi của đại biểu tại hội thảo
Đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Đoàn đại biểu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS tham dự Hội thảo
Toàn cảnh Hội Thảo