CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng thường trực Chính ...

Chủ Nhật, 15/09/2024 | 15:53:14 GMT+7

Toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS và Kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12

02/12/2020 | 2599 lượt xem

Sáng 01/12/2020 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS và Hội nghị trực tuyến Tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS. Thay mặt Chính phủ, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, sau đây là toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS và Kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống AID

Thưa các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban ngành trung ương và địa phương,
Thưa các vị khách quốc tế, các quý vị đại biểu,
Thưa toàn thể Hội nghị,
Trước hết, thay mặt Chính phủ,Thủ tướng Chính phủ, tôi nhiệt liệt chào mừng các quí vị đại biểu, các vị khách trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam và Kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS ngày hôm nay.
Tôi ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12 hàng năm và phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống AIDS.
Thưa Hội nghị,
Loài người ngày càng phải đương đầu với nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, dịch bệnh gây ra, chúng ta đang đương đầu với đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới làm hơn 62 triệu người bị nhiễm và gần 1,5 triệu người chết, thế giới đang chạy đua với thời gian để tìm ra vắc-xin kiểm soát đại dịch này. Bên cạnh nỗ lực phòng chống, kiểm soát đại dịch Covid-19 thì công tác phòng chống, kiểm soát đại dịch HIV/AIDS vẫn đang được cả thế giới nỗ lực thực hiện với phương châm “Không ai thực sự an toàn cho đến khi mọi người dân đều được an toàn”.
Chúng ta đều biết rằng, đại dịch HIV/AIDS xuất hiện trên thế giới cách đây gần 40 năm và lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam cách đây gần 30 năm. Hôm nay, nhân ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12 và 20 năm Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm của Chính phủ được thành lập, chúng ta tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm ứng phó với đại dịch HIV/AIDS nhằm định hướng kế hoạch hoạt động giai đoạn 2020-2025 hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Nhìn lại công cuộc phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới, chúng ta thấy rằng các quốc gia đã cùng nhau ứng phó có hiệu quả với đại dịch này. Rất nhiều tiến bộ khoa học trong phòng, chống HIV/AIDS đã được phát minh, rất nhiều sáng kiến và mô hình tốt đã được triển khai và nhân rộng và kết quả là đã có hàng trăm triệu người trên thế giới tránh khỏi lây nhiễm HIV. Hàng chục triệu người trên thế giới đã tránh khỏi tử vong do HIV/AIDS.
Tuy nhiên, sau gần 40 năm thế giới ứng phó, đại dịch HIV/AIDS vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Dịch HIV/AIDS vẫn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và tương lai nòi giống của các quốc gia, dân tộc. Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS năm 2020, thế giới hiện có 38 triệu người nhiễm HIV đang sống chung với HIV và khoảng hơn 35 triệu người đã tử vong vì AIDS. Mỗi ngày qua đi thế giới có khoảng 5.000 người nhiễm mới HIV và mỗi năm thế giới lại có khoảng 1,7 triệu người nhiễm mới và khoảng 700 ngàn người tử vong do AIDS.
Tại Việt Nam, trong 30 năm qua, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự tham gia của các Ban, ngành, đoàn thể và của nhân dân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đầu giờ sáng nay, Bộ Y tế đã có báo cáo tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS rất nhiều thông tin, rất nhiều số liệu các quý vị đại biểu đã được nghe rồi, chúng ta rất đáng tự hào về kết quả 30 năm phòng, chống HIV/AIDS, tôi xin nêu một số điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, trong 30 năm qua, với một bệnh dịch mà Ban Bí thư đã ban hành 02 Chỉ thị, Chỉ thị số 52-CT/TW về lãnh đạo công tác phòng, chống AIDS và Chỉ thị số 54/2005/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị Quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới theo đó mục tiêu của Việt Nam là chấm dứt cơ bản dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Thứ hai, khi vừa có dịch xảy ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp Lệnh quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và tiếp tục nâng lên thành Luật Phòng, chống HIV/AIDS vào năm 2006 và Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên trên thế giới có Luật riêng về HIV/AIDS và tiếp tục được sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian vừa qua.
Thứ ba, Nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Chính phủ cũng đã 3 lần ban hành Chiến lược quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS (mà mỗi Chiến lược là định hướng cho giai đoạn thường là 10 năm), gần nhất là Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 14/8/2020. Đồng thời, ban hành nhiều Nghị định, Chỉ thị, Quyết định liên quan đến công tác phòng chống HIV/AIDS.
Thứ tư, cùng với khuôn khổ pháp lý dần được hoàn thiện, một hệ thống phòng chống HIV/AIDS hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương cũng được thiết lập. Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm được thành lập nhằm chỉ đạo cùng với một hệ thống của ngành y tế để triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, cùng sự tham gia của các Bộ, ngành, các tổ chức xã hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS.
Về triển khai các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS: Báo cáo của Bộ Y tế đã nêu rất chi tiết. Tôi cũng nhất trí rằng chúng ta đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Các quý vị cũng đã được nghe đại diện các tổ chức quốc tế đánh giá cao các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam nhiều năm qua. Nhiều mô hình phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả của thế giới cũng đã được áp dụng tại Việt Nam. Việt Nam gần đây liên tục được cộng đồng quốc tế nhắc đến như là một trong những điểm sáng, là nước áp dụng được nhiều sáng kiến mới trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.

1-12-mit-tinh-4-.jpg
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Thứ năm, chúng ta cũng là quốc gia sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong rất nhiều năm. Gần đây, khi nguồn viện trợ quốc tế giảm đi, chúng ta đã chủ động chuyển dịch đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS từ nguồn ngân sách chủ yếu dựa vào viện trợ quốc tế sang ngân sách trong nước để đảm bảo tính bền vững trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hiện nay có tới trên 55.000 người trong tổng số hơn 150.000 người nhiễm HIV đang điều trị ARV bằng nguồn từ Quỹ Bảo hiểm y tế. Các địa phương cũng tăng dần đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách địa phương đạt tới 52%.
Với những hành động và nỗ lực nói trên, Việt Nam chúng ta đã từng bước kiểm soát được đại dịch. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí đó là: giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Nếu thời điểm cách đây 13 năm, khi đó mỗi năm chúng ta phát hiện được khoảng hơn 30.000 trường hợp nhiễm HIV thì hiện nay chỉ có khoảng 10.000 trường hợp. Cũng những năm đó mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS thì vài ba năm trở lại đây mỗi năm chỉ có khoảng 2.000 trưởng hợp tử vong. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3% và theo ước tính của các chuyên gia, chỉ tính riêng trong vòng 15 năm qua chúng ta đã tránh cho được khoảng nửa triệu người không bị nhiễm HIV và cứu được khoảng 200.000 người không bị tử vong do AIDS. Đây là những con số rất ấn tượng và được Cơ quan cđiều phối của Liên hợp quốc về phòng chống AIDS (UNAIDS) đánh giá Việt nam là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức và Thụy sỹ có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương các địa phương, các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng, các cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã nỗ lực, đóng góp nhiều công sức vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Tôi cũng đánh giá cao và hoan nghênh sự nỗ lực, lòng nhiệt huyết và sự tận tụy, hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng và người dân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đánh giá cao và biểu dương vai trò và sự nỗ lực của Bộ Y tế, Cục Phòng chống HIV/AIDS trong suốt chặng đường vừa qua, đã góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và ứng phó hiệu quả với dịch HIV/AIDS.
Nhân dịp này, Tôi trân trọng cảm ơn Chính phủ, nhân dân các nước và các cá nhân, tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng Thống Hoa Kỳ về HIV/AIDS và Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ to lớn cả về kỹ thuật cũng như tài chính trong suốt nhiều năm qua.
Thưa các quý vị,
Mặc dù nhiều kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tuy nhiên công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta trong thời gian tới cũng còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức:
Một là, dịch HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm nước ta vẫn có gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện; khoảng 2.000 người tử vong. Vẫn còn khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục tiếp tục tăng, nhất là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), dẫn đến việc kiểm soát dịch HIV càng trở nên khó khăn hơn (tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng từ 2,3% năm 2012 lên 12,7% năm 2019, một số địa phương năm 2020 báo cáo phát hiện được 100 người nhiễm HIV thì có 30 tới 40 người nhiễm MSM thậm chí có tỉnh báo cáo tới 60% người nhiễm HIV mới được phát hiện là nam quan hệ tình dục đồng giới. Hiện số MSM cả nước ước tính có khoảng 200.000 người). Mục tiêu chấm dứt cơ bản dịch AIDS khi còn 1.000 trường hợp nhiễm HIV mới một năm. Như vậy phải giảm số nhiễm HIV được phát hiện giảm đi 10 lần vào năm 2030, đây là mục tiêu chắc chắn đầy tham vọng và thách thức.
Hai là, tình trạng kỳ thị, phân biệt, đối xử liên quan đến HIV tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến, đó sẽ là rào cản cho những người nghi ngờ nhiễm HIV tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế như: dịch vụ xét nghiệm và người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ điều trị, tuân thủ điều trị. Nếu chúng ta không giải quyết tốt nhiệm vụ này sẽ khó đạt được mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 thì cũng sẽ không thể chấm dứt cơ bản được dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030 như mục tiêu đã đặt ra.
Ba là, một số các khó khăn khác như kinh phí, nhân lực... Bộ Y tế cũng báo cáo rồi, Chính phủ cũng đã có đánh giá và có các giải pháp. Vấn đề bây giờ là tổ chức thực hiện và khó khăn đến đâu chúng ta cùng nhau tháo gỡ.
Thưa Hội nghị,
Thế giới ngày nay đang phải đối phó với nhiều đại dịch có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển một thế giới thịnh vượng. Để hướng tới một thế giới an toàn và thịnh vượng, mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, chúng ta càng phải tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát phòng chống và kiểm soát các đại dịch đang diễn ra. Trong thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS của Tổng thư ký Liên hợp quốc đã kêu gọi “khi toàn thế giới đều tập trung sự chú ý vào cuộc khủng hoảng về đại dịch COVID-19, Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm nay nhắc nhở chúng ta cần tiếp tục nỗ lực phòng, chống một đại dịch toàn cầu khác, dù đã xuất hiện từ 40 năm trước nhưng vẫn còn chưa được kiểm soát hoàn toàn”. Năm nay, Việt Nam đã chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam năm 2020 là: “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Việc lựa chọn chủ đề này mang nhiều ý nghĩa, nó nhắc mỗi chúng ta không quên rằng Việt Nam đã trải qua 30 năm phòng, chống HIV, là thời điểm để nhìn nhận lại công cuộc ứng phó với đại dịch AIDS và có những điều chỉnh phù hợp trong chặng đường sắp tới; nhắc nhở chúng ta rằng dịch HIV/AIDS từng bước được kiểm soát ở Việt Nam nhưng cũng nhiều khó khăn trước mắt đang chờ đợi và cũng để chúng ta nhìn thấy cơ hội và tin tưởng rẳng Việt Nam sẽ chấm dứt cơ bản đại dịch AIDS vào năm 2030. Tôi đề nghị:
1. Đối với lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể trung ương và địa phương: Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong chặng đường 30 năm qua nhưng chúng ta không được phép chủ quan, lơ là. Dịch HIV/AIDS có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan, lơ là và nó không thể tự mất đi nếu không được đầu tư và can thiệp. Đây là việc cần phải làm và chúng ta càng làm sớm thì càng tiết kiệm, càng hiệu quả. Điều này đúng ở cả cấp độ từng địa phương và cấp quốc gia. Đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS không chỉ mang lại hiệu quả lớn về sức khỏe, mà còn góp phần ổn định an ninh trật tư và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước. Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS; Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Bây giờ là thời điểm các địa phương cần chủ động xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS cho đến năm 2030, trước mắt cho giai đoạn trung hạn 2021-2025. Tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Đối với Ngành y tế: Phát huy mọi nguồn lực hiện có, kết hợp với ứng dụng tiến bộ vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Thực hiện tốt công tác liên thông trong khám chữa bệnh, bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV; người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV; Người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV sớm và tham gia bảo hiểm y tế. Làm tốt công tác truyền thông để mọi người dân hiểu được và không kỳ thị người mắc, nhiễm HIV/AIDS.
3. Đối với các tổ chức xã hội, cộng đồng: cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhất là việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đích của mình. Các cơ quan chính phủ thời gian tới cũng cần giúp Chính phủ nghiên cứu đề xuất tạo môi trường và cơ chế thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
4. Tôi cũng mong muốn và đề nghị Chính phủ các nước, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật để giúp Việt Nam. Sự ủng hộ về kinh phí của các quý vị là rất cần thiết, tuy nhiên sự hỗ trợ về kỹ thuật của các tổ chức quốc tế là rất quan trọng, giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với khoa học kỹ thuật, các sáng kiến mới, các thực hành tốt từ đó giúp Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Với tinh thần đó, chúng ta cùng tin tưởng mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu chấm dứt cơ bản dịch AIDS vào năm 2030 góp phần cùng cộng đồng quốc tế kiểm soát thành công đại dịch này.
Chúc quý vị sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!
Trân trọng cảm ơn.

1-12-mit-tinh-1-.jpg

Toàn cảnh hội nghị

BP