CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Việc đặt hộp bao cao su ở phòng hạnh phúc sẽ được triển ...

Thứ Năm, 28/03/2024 | 16:35:50 GMT+7

Việc đặt hộp bao cao su ở phòng hạnh phúc sẽ được triển khai tại tất cả trại giam trên toàn quốc

22/05/2022 | 950 lượt xem | Hữu Tùng

Sáng ngày 20/5 tại Thanh Hóa, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10) và Cục Y tế Bộ Công an phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế tổ chức hội thảo Tăng cường sự phối hợp trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong trại giam với sự tài trợ của Tổ chức AHF.

Tham dự và chủ trì hội thảo về phía Bộ Công an có Thiếu tướng Hoàng Xuân Du, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10), Đại tá Dương Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Công An. Về phía Bộ Y tế có sự tham gia của PGS.TS Phan Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS và lãnh đạo các phòng chuyên môn. Với AHF có Tiến sĩ Sarath, Trưởng đại diện AHF khu vực Châu Á, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Tham dự hội thảo có sự tham gia của các đồng chí Lãnh đạo và cán bộ của 22 trại giam.

 
PGS.TS Phan Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại hội thảo

Hiện toàn quốc có 54 trại giam tại 46 tỉnh/thành phố. Trong đó Dự án Quỹ toàn cầu và tổ chức AHF là các nhà tài trợ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong trại giam. Trong năm 2021 đã xét nghiệm 45.475 người, phát hiện 875 có kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Tất cả các trường hợp này đều được chuyển vào điều trị ARV. Tất cả các trại giam hiện đang triển khai điều trị ARV. Phần lớn công tác điều trị ARV trong trại giam được thực hiện với hỗ trợ từ các cơ sở điều trị HIV/AIDS ngoài cộng đồng hoặc từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố. Hiện có trên 4.500 người nhiễm HIV đang điều trị ARV trong các trại giam. Các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bao gồm điều trị thuốc ARV, xét nghiệm tải lượng HIV, xét nghiệm CD4 và một số xét nghiệm cơ bản khác. Trong số phạm nhân đang điều trị HIV, mỗi năm có khoảng 500 - 700 người chấp hành xong án phạt tù được ra trại. Việc kết nối ngay với cơ sở điều trị HIV/AIDS và phản hồi báo cáo, theo dõi hỗ trợ phạm nhân sau ra trại còn gặp nhiều khó khăn.
PGS.TS Phan Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các Cục thuộc Bộ Công an với Cục Phòng, chống HIV/AIDS trong việc triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong trại giam. Cục trưởng Phan Thị Thu Hương cũng đã ghi nhận những đóng góp của các cán bộ y tế trong trại giam với đặc thù phải phát thuốc kháng HIV (ARV) hàng ngày cho phạm nhân nhiễm HIV. Trong thời gian tới, Cục trưởng đề nghị y tế trại giam triển khai điều trị viêm gan B, C cho phạm nhân để  giảm chi phí y tế trong trại giam và xem xét triển khai các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV như cao bao su ở các phòng hạnh phúc.

 
Thiếu tướng Hoàng Xuân Du, Phó Cục trưởng Cục C10 Bộ Công an phát biểu tại hội thảo
Thiếu tướng Hoàng Xuân Du, Phó Cục trưởng C10 cho biết, khi phạm nhân được phép thăm gặp tại Phòng Hạnh phúc phải cam kết thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, vì vậy việc cấp bao cao su là biện pháp rất phù hợp. Cục C10 hoàn toàn đồng ý và ủng hộ chủ trương này và sẽ thực hiện ngay mà không cần thử nghiệm.

 
Tiến sĩ Sarath, Trưởng đại diện AHF khu vực Châu Á và bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam
Tổ chức AHF là Nhà cung cấp dịch vụ liên quan  HIV lớn nhất tại Hoa Kỳ. Hiện Chương trình triển khai dự án ở 45 quố gia bao gồm 10 nước trong khu vực Châu Á. Các chương trình hỗ trợ gồm tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc điều trị, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế và vận động chính sách.
Tại Việt Nam, tổ chức AHF đang hỗ trợ cho 22 trại giam ở 22 tỉnh/thành phố. Phát biểu tại hội thảo Tiến sĩ Sarath, Trưởng đại diện AHF khu vực Châu Á đánh giá cao sự phối hợp và tham gia của các trại giam đã triển khai các biện pháp phòng chống HIV phạm nhân. Mối quan tâm của AHF là kết nối được tất cả những người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị mà không quan tâm đến họ là ai.
Chiến lược của AHF toàn cầu là tiếp tục duy trì hỗ trợ dự án tại 45 quốc gia trên thế giới. Mở rộng dự án tới các quốc gia khác có nhu cầu. Mở rộng dự án tại các tỉnh/thành ở các quốc gia có nhu cầu và hạn chế về nguồn lực. Lấy cơ sở điều trị là trung tâm đảm bảo cung cấp dịch vụ có chất lượng cao cho bệnh nhân. Đẩy mạnh các hoạt động can thiệp dự phòng toàn diện: cung cấp bao cao su; hỗ trợ sàng lọc ung thư cổ tử cung, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan B,C; Và tiếp tục các hoạt động vận động chính sách liên quan đến HIV/AIDS.

 
Toàn cảnh hội thảo