Mở rộng và đa dạng hóa mô hình điều trị
Sau hơn 20 năm triển khai điều trị HIV/AIDS hệ thống các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được thiết lập và mở rộng nhanh chóng để tăng nhanh độ bao phủ điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị và duy trì điều trị lâu dài: Từ 3 đến 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS vào năm 2000 đến nay đã có 446 cơ sở. Trong đó có 8 cơ sở điều trị tại tuyến Trung ương; 77 cở sở tuyến tỉnh, thành phố; 361 cơ sở điều trị ARV tuyến huyện. Ngoài ra, còn có các cơ sở điều trị ARV tại 37 trại giam; 6 cơ sở điều trị tại trung tâm 06 và cơ sở tôn giáo, 3 phòng khám tư nhân. Đặc biệt, số bệnh nhân được điều trị tăng hơn 55 lần so với khi bắt đầu triển khai điều trị ARV mở rộng tại Việt Nam (năm 2004).
Bên cạnh đó, nhiều mô hình chăm sóc điều trị được triển khai như: Mô hình Treatment 2.0; điều trị nhanh, điều trị trong ngày, cấp pháp thuốc nhiều tháng, lồng ghép dịch vụ tư vấn xét nghiệm-điều trị ARV, lồng ghép dịch vụ HIV/lao, HIV/viêm gan vi-rút.
Chất lượng điều trị ngày càng nâng cao
TS Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tỷ lệ bệnh nhân được duy trì điều trị thuốc ARV sau 12 tháng ở mức độ trên 85%. Xét nghiệm tải lượng HIV được thực hiện thường quy từ năm 2015. Năm 2019, xét nghiệm định kỳ tải lượng vi rút cho 96.783 bệnh nhân tại 40 tỉnh, thành phố, trong đó có 95,5% dưới 1.000 bản sao/ml và 94% dưới 200 bản sao/ml. Các bằng chứng khoa học cho thấy khi tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml thì người bệnh không thể truyền HIV sang người khác qua quan hệ tình dục. Như vậy, điều trị HIV/AIDS góp phần đáng kể vào dự phòng lây nhiễm HIV. Hơn nữa, khái niệm HIV trung tính ngày càng được phổ biến với ý nghĩa những người dương tính với HIV không thể lây nhiễm cho bất kỳ ai và những người âm tính với HIV không thể bị lây nhiễm. Thuốc ARV cũng giúp dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV mà chúng ta quen gọi là PrEP. Mặt khác thuốc ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, không làm lây truyền HIV qua đường tình dục khi người nhiễm HIV đạt được tình trạng “không phát hiện HIV” trong máu (chúng ta đã quen với khái niệm Không phát hiện = Không lây truyền hay K=K). Do vậy chúng ta không còn lo sợ về tình trạng HIV của một người bất kỳ ai hoặc cũng không lo lắng về tình trạng HIV dương tính hay âm tính vì chúng ta đã có thuốc để dự phòng lây nhiễm nếu chúng ta chưa bị nhiễm HIV hoặc chúng ta có thể điều trị HIV nếu chẳng may bị nhiễm HIV bằng thuốc ARV để sống khỏe mạnh và không làm lây truyền HIV sang người khác.
Số trẻ em nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ có xu hướng liên tục giảm từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở những trẻ được điều trị dự phòng bằng ARV trong 3 năm gần đây đều dưới 2%.
Việc mở rộng điều trị ARV đã giảm đáng kể số người tử vong do AIDS. Trong những năm 2009 số ca nhiễm HIV báo cáo tử vong hàng năm khoảng 7.000 đến 8.000 ca, đến nay số ca tử vong báo cáo khoảng 1.000-2.000 ca tử vong mỗi năm.
Hướng tới chấm dứt dịch AIDS năm 2030
Thời gian tới ngành y tế sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ điều trị, tăng số người được điều trị ARV, triển khai các sáng kiến, cập nhật các khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới. Đồng thời, mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện cho điều trị HIV, điều trị đồng nhiễm lao/HIV, viên gan vi rút/HIV và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại tuyến huyện, tăng cường điều trị ARV trong trại giam, cơ sở điều trị khép kín…
Tiếp tục triển khai các can thiệp về quản lý chất lượng điều trị, tối ưu hóa phác đồ điều trị, dự phòng và giám sát HIV kháng thuốc, tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật về điều trị HIV/AIDS tại các tỉnh, thành phố; triển khai các hoạt động thông tin truyền thông về hiệu quả điều trị thuốc ARV đến các cộng đồng nguy cơ cao; chuẩn hóa công nghệ thông tin trong quản lý điều trị HIV đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh BHYT; thúc đẩy mở rộng thị trường cung ứng thuốc ARV trong nước tạo thuận lợi cho việc cung ứng thuốc ARV qua BHYT.