CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Hỏi đáp > HIV/AIDS - những điều bạn cần biết > 8 cách để hỗ trợ điều trị HIV hiệu quả và tăng cường hệ ...

Thứ Bảy, 05/10/2024 | 23:23:35 GMT+7

8 cách để hỗ trợ điều trị HIV hiệu quả và tăng cường hệ miễn dịch

14/12/2023 | 18531 lượt xem | Phương Hà

Thuốc điều trị HIV là chìa khóa để bệnh nhân HIV khỏe mạnh khi sống chung với loại virus này. Tuy nhiên, một số thói quen dưới đây có thể hỗ trợ việc điều trị hiệu quả hơn và tăng cường hệ miễn dịch của người nhiễm HIV.

1. Tuân thủ việc dùng thuốc điều trị HIV
Điều trị HIV có hiệu quả hay không điều quan trọng là phải tuân thủ về liều lượng và thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Việc bỏ liều thuốc hoặc không dùng thuốc điều trị HIV đúng thời gian theo quy định sẽ khiến HIV nhân lên, tải lượng virus trong cơ thể cao hơn và làm tổn hại thêm đến hệ thống miễn dịch của người bệnh.
 
Việc tuân thủ liệu pháp kháng virus có thể giúp người bệnh đạt được và duy trì tải lượng virus ở mức không thể phát hiện được
Việc tuân thủ liệu pháp kháng virus có thể giúp người bệnh đạt được và duy trì tải lượng virus ở mức không thể phát hiện được. Nếu không tuân thủ điều trị, virus cũng có cơ hội kháng lại thuốc điều trị HIV.
2. Ăn thực phẩm lành mạnh để duy trì dinh dưỡng tốt
Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giữ cho hệ thống miễn dịch của người nhiễm HIV khỏe mạnh hơn. Các thực phẩm như cá, đậu và các loại hạt chứa protein, có thể giúp bạn xây dựng cơ bắp.
Lưu ý, việc cung cấp đủ chất đạm là đặc biệt quan trọng, cũng như lượng calo từ carbohydrate và chất béo lành mạnh. Ăn nhiều trái cây và rau quả có thể cung cấp các vitamin và khoáng chất thiết yếu và giúp bạn cảm thấy no.
Việc duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng chế độ ăn uống phù hợp cũng có thể giúp người nhiễm HIV hấp thụ thuốc điều trị HIV. Ngoài ra, người nhiễm HIV cũng cần chú ý đến an toàn thực phẩm để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng do thực phẩm.
3. Không dùng ma túy và rượu
Nếu bạn bị nhiễm HIV, việc sử dụng ma túy và uống rượu có thể làm tổn hại đến hệ thống miễn dịch vốn đã suy yếu. Gan là cơ quan giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, có thể bị tổn thương do sử dụng rượu và ma túy.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho biết, ma túy và uống rượu cũng có thể làm giảm khả năng phán đoán, dẫn đến hành vi nguy hiểm như quan hệ tình dục không an toàn và quên uống thuốc điều trị HIV đúng giờ. Một số loại thuốc kích thích cũng có thể gây tương tác nguy hiểm với các loại thuốc điều trị HIV.
4. Thực hành vệ sinh răng miệng tốt
Những người nhiễm HIV có nguy cơ mắc các vấn đề về răng miệng. Khi hệ thống miễn dịch bị tổn hại bởi HIV, các tình trạng như mụn cóc ở miệng, mụn nước, bệnh tưa miệng, vết loét miệng… có nhiều khả năng phát triển hơn và khó điều trị hơn. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS cũng bị khô miệng, điều này có thể làm tăng nguy cơ sâu răng và gây khó khăn cho việc nhai và nuốt bình thường.
Hiệp Hội nha khoa Hoa Kỳ khuyên người nhiễm HIV nên đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên và khám răng miệng 6 tháng/lần hoặc theo các chỉ dẫn của nha sĩ.
5. Giảm căng thẳng
Giảm căng thẳng là một phần rất quan trọng trong chế độ điều trị của người nhiễm HIV, bởi việc căng thẳng có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tinh thần tổng thể. Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa căng thẳng và suy giảm chức năng hệ thống miễn dịch. Căng thẳng cũng có thể cản trở sự thèm ăn, giấc ngủ.
Để kiểm soát căng thẳng người nhiễm HIV có thể tập một số bài tập như yoga, thiền và tư vấn hoặc trị liệu. Nên trao đổi với bác sĩ để việc tập luyện đạt hiệu quả cao nhất.
6. Chăm sóc da
Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu do HIV thường mắc các bệnh về da đồng thời hoặc dai dẳng. Nhiễm trùng da nghiêm trọng không khỏi hoặc không đáp ứng với điều trị có thể là dấu hiệu của một bệnh khác nghiêm trọng hơn. Một số các biểu hiện ngoài da có thể do tác dụng phụ của thuốc điều trị HIV, chẳng hạn như phát ban.
Nếu có những thay đổi bất thường cần báo cho bác sĩ để kịp thời xử lý tránh để bệnh nặng, khó điều trị hơn.
7. Khám phụ khoa thường xuyên
HIV làm tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Vì vậy phụ nữ nhiễm HIV nên đi khám tại phòng khám chuyên khoa để được kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguy cơ các bệnh ở phần phụ.
8. Nâng cao kiến thức về HIV
Việc hiểu biết những kiến thức về HIV và AIDS sẽ giúp người bệnh giảm mặc cảm, lo âu, tự ti… từ đó sớm tìm đến các dịch vụ điều trị HIV, đồng thời biết cách giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sang bạn tình và cộng đồng.