CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Bài Phỏng vấn PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục ...

Thứ Bảy, 27/07/2024 | 17:31:52 GMT+7

Bài Phỏng vấn PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhân ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12

01/12/2022 | 1238 lượt xem | Thùy Dương

Nhân ngày Thế giới Phòng, chống HIV/AIDS và Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, Phóng viên có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

MC: Sắp đến ngày 1/12 – ngày Thế giới Phòng, chống HIV/AIDS và bước vào Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS. Năm nay, chủ đề được chọn tại Việt Nam là “Chấm dứt dịch AIDS – Thanh niên sẵn sàng”.
Người nhiễm HIV đang trẻ hóa, phần lớn là nam giới. Đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Điều này thể hiện sự thay đổi cả về đường lây nhiễm. Vì thế chiến lược truyền thông cũng như giải pháp cũng thay đổi. Đây là nội dung khách mời sẽ trao đổi hôm nay. Xin giới thiệu PGS.TS. Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Trước hết chúng ta cùng nhìn nhận về tình hình tại Việt Nam.
Mỗi năm vẫn phát hiện mới hơn 10 nghìn trường hợp nhiễm HIV. Trong đó, gần 1 nửa là ở người trẻ, đặc biệt trong nhóm nam đồng tính. Đây là nhóm duy nhất có tỷ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương:
Hiện nay, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV. Trong giai đoạn đầu, tình trạng lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường máu. Nhưng hiện, lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn trở thành đường lây chính.
Tại Việt Nam, hiện đang có hơn 220 nghìn người nhiễm HIV.
10 tháng đầu năm nay, phát hiện mới hơn 9 nghìn trường hợp. Trong đó, gần một nửa ở độ tuổi 16 - 29 (48,6%) và số ca nhiễm từ 30 đến 39 tuổi chiếm 28,4%. Xu hướng gia tăng nhiễm mới ở người trẻ, nhất là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nhưng can thiệp cho nhóm này còn hạn chế do khó tiếp cận.
Theo kết quả khảo sát gần đây với nhóm thanh thiếu niên, chưa đến 50% có hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV. 40% vẫn còn thái độ phân biệt đối xử với HIV. 14% có yếu tố dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn. Vì vậy, đây là nhóm cần được quan tâm khi VN muốn đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Nói cách khác, mục tiêu chấm dứt dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu huy động được thanh niên chủ động tham gia hiệu quả vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Câu 1: HIV/AIDS là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật. Số nhiễm HIV mới vẫn tăng, nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ. Thực tế này đặt ra thách thức như thế nào với công cuộc phòng chống HIV/AIDS tại VN?
Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (ước tính 0,26%).
- Năm 2017-2019: phát hiện khoảng 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV mỗi năm
- Giai đoạn 2020-nay (02 năm qua), mỗi năm vẫn có hơn 13.000 trường hợp nhiễm mới HIV được báo cáo.
Số nhiễm HIV mới vẫn tăng, nhất là ở nhóm thanh thiếu niên trẻ. Thực tế này đặt ra cho VN một số thách thức sau:
- Một là: khó khăn về nhận thức. Nhiều người dân không thấy được tầm quan trọng của phòng, chống HIV/AIDS, còn chủ quan, lơ là trong dự phòng HIV.
- Hai là: Dịch HIV còn diễn biến phức tạp, các hành vi, yếu tố nguy cơ ngày càng khó kiểm soát. Xu hướng dịch HIV đang thay đổi: Từ lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường máu chuyển sang lây truyền HIV qua đường tình dục. Trong các trường hợp nhiễm mới HIV, có 85% là nam giới và gần 50% trong độ tuổi trẻ (16-29 tuổi). Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là nhóm nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam hiện nay  Đây là những nhóm ẩn, khó tiếp cận bởi họ vẫn gặp những rào cản trong việc bộc lộ bản thân và sự kỳ thị phân biệt đối xử
- Ba là: Thực trạng sử dụng ma tuý tổng hợp trong nhóm người trẻ tuổi càng tăng. Đây là yếu tố cộng hưởng cho việc tăng tỷ lệ nhiễm HIV bởi họ khó kiểm soát được hành vi tình dục không an toàn trong khi dùng ma tuý tổng hợp.
- Bốn là: Việt Nam ước tính có hơn 240.000 người nhiễm HIV, trong đó 167.000 đã được điều trị ARV. Số còn lại họ chưa được điều trị và có nhiều người trong số đó chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Có thể họ vẫn đang rất khoẻ mạnh  Vì thế họ có thể tiếp tục là nguồn lây nhiễm HIV mới rất khó kiểm soát trong cộng đồng.
- Năm là: Tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS cắt giảm mạnh, các hoạt động phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách trong nước từ Trung ương đến địa phương. Với hơn 240.000 người nhiễm HIV thì nhu cầu các dịch vụ dự phòng để họ không lây HIV ra cộng đồng, nhu cầu điều trị ARV liên tục, suốt đời là một thách thức cho cả về chuyên môn và tài chính
Câu 2: Bà nhận định như thế nào về nguyên nhân số người trẻ nhiễm HIV mới tăng cao hơn hẳn, tại sao tập trung chủ yếu ở nhóm nam quan hệ đồng giới?
- Thanh niên là nhóm có nhu cầu tình dục rất cao. Bên cạnh nhu cầu giao tiếp xã hội, học tập, lao động thì nhu cầu vui chơi giải trí, kết bạn, tình yêu, hôn nhân, gia đình là những vấn đề quan tâm rất lớn của thanh niên.
- Nhóm tuổi này, họ đang phát triển tâm sinh lý và không dễ kiểm soát hành vi như những người trưởng thành, dễ bị hấp dẫn của nhiều thứ mới lạ.
- Kiến thức, thái độ và thực hành phòng, chống HIV của thanh niên còn hạn chế: thiếu thông tin và kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, HIV/AIDS và các biện pháp dự phòng BCS, PrEP; chưa dám bộc lộ/ chia sẻ tình trạng của bản thân; tự kì thị của khách hàng khi sử dụng dịch vụ.
+ Đối với cộng đồng LGBT sẽ có xuất hiện thêm sự kỳ thị kép. Sự kì thị kép từ cộng đồng, xã hội bên ngoài và sự kì thị đến từ trong cộng đồng LGBT nói chung và cộng đồng MSM nói riêng.
+ Kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV của cộng đồng, định kiến về giới còn nặng nề.
- Sự phát triển của công nghệ thông tin, toàn cầu hóa của xã hội, tâm lý tò mò, thích khám phá, thể hiện bản thân của thanh niên, trong khi thiếu kiến thức, hiểu biết.
Câu 3: Như vậy là đối tượng nhiễm mới HIV thay đổi, kéo theo đường lây chính  thay đổi. Vậy hình thức, nội dung truyền thông phòng chống thay đổi ra sao?
- Về hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam có sự thay đổi, chủ yếu tập trung ở nhóm thanh niên trẻ, do đó, việc thay đổi hình thức và nội dung truyền thông phòng, chống HIV/AIDS để thông điệp truyền thông đến đúng đối tượng là hết sức cần thiết.
- Trong năm 2022, Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các đối tác chiến lược liên tục đa dạng hóa các phương thức, nội dung và các kênh truyền thông: truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp và truyền thông online.
+ Các hoạt động truyền thông đại chúng thông qua các chương trình giải trí trên truyền hình, các phóng sự, các chương trình quảng cáo, các chương trình tọa đàm, giao lưu với những người nổi tiếng về HIV/AIDS cũng như xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng tải tin, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Đài Phát thanh và Truyền hình ở trung ương và địa phương.
+ Bên cạnh đó, với khả năng tiếp cận đông đảo các nhóm khách hàng đích, việc tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như các trang Fanpage cộng đồng, Facebook, Tiktok, Zalo, các ứng dụng hẹn hò Blued, Grindr... là một kênh quan trọng được quan tâm, đầu tư và ưu tiên. Bởi số lượng bạn trẻ truy cập, theo dõi và sử dụng mạng xã hội rất nhiều.
+ Năm 2022 và các năm tiếp theo, Cục Phòng, chống HIV/AIDS chú trọng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại các trường Đại học, Cao đẳng, THPT và các khu công nghiệp.
- Các ấn phẩm truyền thông được đa dạng và xây dựng thông điệp và nội dung phù hợp các bạn trẻ:
+ Ấn phẩm truyền thông truyền thống: áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng;
+ Truyền thông lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại trường, phối hợp với các CLB, hội học sinh sinh viên của trường tổ chức các buổi nói chuyện về phòng, chống HIV/AIDS và tuyên truyền về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về giới, giáo dục sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản; giáo dục gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; truyền thông nhóm nhỏ tại ký túc xá, khu nhà trọ của công nhân, tại điểm nóng (mát xa, xông hơi, ...), quán cà phê;
+ Đồng thời, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, người nổi tiếng, người đứng đầu/người có uy tín trong cộng đồng, tham gia công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS;
+ Tổ chức các sự kiện truyền thông về dự phòng HIV trong nhóm trẻ.
Câu 4. Trong phóng sự có nhắc đến thuốc PrEP, bà có thể cho biết hiệu quả dự phòng HIV của PrEP? Muốn được sử dụng PrEP thì có thể liên hệ ở đâu?
- Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao.
- Theo WHO khuyến cáo, PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt.
- Tại Việt Nam, có 210 cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP tại 29 tỉnh, thành phố. Tính đến tháng 9/2022, số người sử dụng PrEP khoảng 62.000 người trong đó 80% là MSM.
- Tất cả những người có nguy cơ cao nhiễm HIV đều có thể tiếp cận dịch vụ PrEP miễn phí tại 210 cơ sở PrEP của 29 tỉnh, thành phố. Cục Phòng, chống HIV/AIDS có thông báo địa chỉ, thông tin chi tiết của 210 cơ sở trên Website, fanpage của Cục. Khách hàng có thể truy cập để liên hệ thông tin.
- Bên cạnh đó, những người có nhu cầu dùng PrEP ngoài 29 tỉnh, tp có thể tiếp cận dịch vụ thông qua Tele PrEP để được nhận dịch vụ PrEP từ xa, miễn phí.
Câu 5: Mục tiêu của Việt Nam là kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 nhưng không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS đúng không ạ? Vậy hiểu đúng mục tiêu này như thế nào?
- Đúng vậy
- Kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là mục tiêu của Liên hợp quốc đã đề ra, đồng thời là mục tiêu chiến lược của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải phấn đấu giảm số người nhiễm HIV xuống dưới 1.000 ca mỗi năm vào năm 2030, giảm tử vong do AIDS và HIV/AIDS không còn là vấn đề sức khoẻ đáng lo ngại của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Câu 6: Xin bà cho biết giải pháp ưu tiên để có thể đạt mục tiêu chấm dứt dịch AIDS?
Các giải pháp để đạt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 được ưu tiên và triển khai phù hợp với sự thay đổi về tình hình dịch HIV/AIDS để giảm tình trạng nhiễm mới HIV tập trung nhóm trẻ tuổi, nhóm MSM như:
1. Các giải pháp về giám sát dịch và xét nghiệm HIV:
- Đa dạng các hình thức xét nghiệm sàng lọc HIV: tại cộng đồng, tại cơ sở y tế với các sinh phẩm tối ưu, rút ngắn thời gian trả kết quả
- Mở rộng triển khai hoạt động tự xét nghiệm qua website: tuxetnghiem
- Mở rộng các cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV
- Đối với những ca nhiễm mới HIV, thực hiện truy vết, tìm hiểu hành vi nguy cơ cao của họ để tìm, tiếp cận bạn tình/bạn chích của họ và giới thiệu tới các dịch vụ HIV/AIDS. Truy vết để phát hiện trùm ca bệnh.
2. Các giải pháp về dự phòng lây nhiễm HIV
- Tiếp tục triển khai các can thiệp giảm hại giúp dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm.
Đẩy mạnh triển khai hoạt động điều trị nghiện chất: điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone
Mở rộng và đa dạng hoá các mô hình PrEP. Trong đó chú trọng, ưu tiên nhóm người trẻ tuổi, nam quan hệ tình dục đồng giới.
Tăng cường các hoạt động truyền thông tạo cầu và phối hợp với các Ban, ngành liên quan như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội học sinh – sinh viên để tiếp cận nhiều người có nguy cơ cao được nhận dịch vụ dự phòng.
3. Các giải pháp về điều trị HIV/AIDS
Điều trị ARV sớm, tăng cường tư vấn tuân thủ điều trị  tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (K=K)
Điều trị các bệnh đồng nhiễm cho người nhiễm HIV như viêm gan C, B
Điều trị các bệnh không lây nhiễm cho người nhiễm như tiểu đường, cao huyết áp, lipid máu, sàng lọc ung thư cổ tử cung, sức khỏe tâm thần… Theo dõi và quản lý các bệnh HIV tiến triển
4. Bên cạnh đó là các giải pháp khác như:
- Hoàn thiện cơ chế chính sách để duy trì bền vững các thành quả của chương trình phòng chống HIV/AIDS. Xây dựng cơ chế chính sách để huy động khối tư nhân tham gia vào lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS
- Các giải pháp đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường huy động nguồn lực trong nước, đặc biệt là vai trò của ngân sách địa phương và bảo hiểm y tế.
- Truyền thông và giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS

Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Phan Thị Thu Hương.