CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Gặp gỡ thường niên hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống ...

Thứ Tư, 29/01/2025 | 05:42:14 GMT+7

Gặp gỡ thường niên hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS

11/12/2024 | 162 lượt xem | Trần Trường

Ngày 10/12/2024, tại Hà Nội, Cơ quan của Liên Hợp Quốc về bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ (UN Women Việt Nam) và Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tổ chức hoạt động Gặp gỡ thường niên “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV và bạo lực trên cơ sở giới”.
 

Tham dự cuộc gặp gỡ có bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên thường trực Ủy ban xã hội của Quốc Hội, ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã Hội, ban tuyên giáo trung ương. Về phía đại biểu quốc tế có ngài Raman Hailevich, Trưởng đại diện của UNAIDS tại Việt Nam; bà Caroline Nyamayemonbe, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, các mạng lưới các tổ chức xã hội hoạt động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (GBVnet), các mạng lưới cộng đồng như VNP+, VNWA+, VNMSM và các bên liên quan khác. Hoạt động có giới thiệu các mô hình sinh kế bền vững do phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV và người song tính, đồng tính và chuyển giới (LGBTQ+) làm chủ.
 
Phát biểu khai mạc chương trình, Ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS đánh giá cao cuộc gặp gỡ thường niên “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV và bạo lực trên cơ sở giới”. Sự kiện này cũng là sự kiện hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2024. Đồng thời Phó Cục trưởng cũng chia sẻ trong những năm qua, mặc dù Việt Nam triển khai nhiều biện pháp can thiệp giảm tác hại, tuy nhiên dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trong nhóm thanh thiếu niên, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đây là những quần thể ẩn, cho nên rất khó tiếp cận, khó triển khai các can thiệp cần thiết. Trong khi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư chưa cao, trở thành rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV/AIDS của cả người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao. Nguồn tài chính cho chương trình phòng chống HIV/AIDS còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế, nhất là đối với các chương trình dự phòng mang tính then chốt. Hiện nay Quỹ Bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước đang chưa có căn cứ để chi trả cho dịch vụ can thiệp này. Để giải quyết vấn đề khó khăn trong tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam đã triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ đa dạng và linh hoạt. Ngoài các cơ sở điều trị HIV/AIDS công lập và tư nhân, đã có các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao. Phó Cục trưởng cũng mong muốn các đơn vị, các tổ chức cần tăng cường sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách cùng toàn xã hội đến công tác phòng chống HIV/AIDS tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Mặt khác, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng chống HIV/AIDS: dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện HIV, điều trị sớm HIV/AIDS và bảo đảm việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV hướng tới tăng tiếp cận dịch vụ về phòng chống HIV/AIDS cho người dân và Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, nhất là hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
 
Phát biểu tại chương trình, ông Raman Hailevich, Trưởng đại diện của UNAIDS tại Việt Nam nhấn mạnh: "Đây là một trong các sự kiện đánh dấu việc khép lại Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Chiến dịch 16 ngày hành động phòng, chống bạo lực giới năm 2024. Chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm nay là "Hãy lựa chọn con đường bảo vệ quyền". Với việc truyền tải thông điệp "công bằng và bình đẳng", chúng tôi nhấn mạnh cách tiếp cận giao thoa để chấm dứt HIV/AIDS và bạo lực trên cơ sở giới, cũng như sự cần thiết phải giải quyết các bất bình đẳng về giới, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV".
 
Bà Lê Thị Lan Phương, Quản lý chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ của UN Women Việt Nam phát biểu tại sự kiện. 
Bà Lê Thị Lan Phương, Quản lý chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ của UN Women Việt Nam chia sẻ: HIV và bạo lực trên cơ sở giới có mối liên hệ chặt chẽ, vì cả hai đều chịu ảnh hưởng lớn từ sự bất bình đẳng giới và sự mất cân bằng quyền lực. Các nạn nhân của bạo lực, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, có nguy cơ cao mắc HIV do những yếu tố như quan hệ tình dục cưỡng ép, không thể thương lượng về việc thực hiện quan hệ tình dục an toàn, và hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe.
Trên toàn cầu, đại dịch HIV/AIDS vẫn là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng, với hàng triệu người sống chung với virus và hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Tại Việt Nam, phụ nữ sống với HIV, phụ nữ chuyển giới, người đồng tính nam và những người nam quan hệ tình dục đồng giới khác đang phải đối mặt với mức độ tổn thương cao hơn đối với bạo lực trên cơ sở giới và HIV.
 
Tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại cuộc gặp mặt
Tại chương trình các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu tham gia chương trình đã cùng lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình trợ giúp người nhiễm HIV tại cộng đồng và tại bệnh viện từ Bệnh viện Hùng Vương, TPHCM, các câu lạc bộ dành cho các nhóm cộng đồng của người nhiễm HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV đến từ Hải Phòng, Điện Biên, Yên Bái, Hà Nội, Nghệ An, Bến Tre, Đà Lạt...
Sự kiện này góp phần tạo cơ hội để các chính phủ, cộng đồng và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, chia sẻ các mô hình, sáng kiến và giải pháp sáng tạo và bền vững nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa HIV, bao gồm các dịch vụ hỗ trợ tài chính, nâng cao chăm sóc sức khỏe và thúc đẩy các nỗ lực phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Sự hợp tác này hướng tới việc tạo ra một xã hội công bằng, không có kỳ thị và bạo lực cho tất cả mọi người. Mục tiêu là xây dựng một xã hội công bằng, nơi quyền lợi và sức khỏe của tất cả các cá nhân, đặc biệt là những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV và bạo lực trên cơ sở giới, được bảo vệ và phát triển.
 
Bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên thường trực Ủy ban xã hội và ông Raman Hailevich, Trưởng đại diện của UNAIDS tại Việt Nam tặng quà lưu niệm cho các đại biểu tại sự kiện
 
Ông Đoàn Thanh Tùng, Giám đốc DNXH Hải Đăng chia sẻ chương trình K=K tại sự kiện. 
 
Ông Nguyễn Minh Thuận, đại diện DNXH Alo Care chia sẻ tại cuộc gặp gỡ
 
Bạn Dương Tú Anh, Đại diện DNXH Venus chia sẻ tại cuộc gặp.
 
Các gian hàng tại sự kiện