CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Ban hành Hướng dẫn xây dựng mô hình “Đội truyền thông ...

Thứ Bảy, 27/04/2024 | 13:22:50 GMT+7

Ban hành Hướng dẫn xây dựng mô hình “Đội truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên trong các trường đại học”

11/03/2024 | 239 lượt xem | MT

Nhằm nâng cao kiến thức phòng, chống HIV và tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên trong các trường đại học, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã ban hành Hướng dẫn xây dựng mô hình “Đội truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên trong các trường đại học” tại Quyết định số 28/QĐ-AIDS ngày 01/3/2024. Hướng dẫn được tạm thời thí điểm tại một số trường đai học tại Thái Nguyên và Hải Phòng trước khi ban hành rộng rãi ra 63 tỉnh/thành phố.

Hiện nay, dịch HIV ở Việt Nam vẫn có diễn biến phức tạp. Mỗi năm Việt Nam vẫn phát hiện hơn 12.000 trường hợp nhiễm HIV. Đặc biệt người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa và xu hướng dịch tăng rõ rệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), nhóm chuyển giới nữ và lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đã trở thành đường lây truyền chính của dịch HIV. Đối tượng thanh niên, sinh viên trong các trường đại học cũng là nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong giai đoạn vừa qua và là một trong các nhóm đối tượng cần ưu tiên trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Sáng kiến mô hình “Đội truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên trong các trường đại học” được Cục Phòng, chống HIV/AIDS xây dựng dựa trên ý tưởng từ mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề tại thành phố Cần Thơ. Qua nhiều năm thực hiện ở thành phố Cần Thơ, mô hình này đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc nâng cao nhận thức và kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề. Các dự án đó cũng đã giúp sinh viên tiếp cận và kết nối các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và các dịch vụ điều trị HIV/AIDS, chẩn đoán và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (STIs) v.v... Từ sáng kiến này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS mong muốn mở rộng mô hình Đội truyền thông phòng, chống HIV/AIDS này cho sinh viên trong các trường đại học khác và Hướng dẫn xây dựng mô hình “Đội truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên trong các trường đại học” được hình thành.
Hướng dẫn này có thể được sử dụng làm tài liệu kỹ thuật để lập kế hoạch, quản lý, điều phối, triển khai các hoạt động liên quan đến truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên trong các trường đại học; cũng có thể làm tài liệu kỹ thuật khi trực tiếp triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên trong các trường đại học. Hướng dẫn cũng có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các tổ chức cộng đồng tham gia hỗ trợ, cán bộ cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS hoặc những người quan tâm đến hoạt động truyền thông nhằm nâng cao kiến thức và khả năng tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV/AIDS của sinh viên. 

 Cuộc thi Rung chuông vàng – tìm hiểu kiến thức về HIV/AIDS cho sinh viên Đại học 

Hướng dẫn gồm 2 phần: Phần 1 giới thiệu các nội dung liên quan đến Đội truyền thông  để người sử dụng tài liệu có thể hiểu rõ khái niệm, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của Đội truyền thông và sự cần thiết của việc thành lập Đội trong việc nâng cao kiến thức, tăng cường tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại các trường đại học. Phần 2 là phụ lục để các đơn vị có thể tham khảo khi triển khai các hoạt động.
Bạn đọc có thể download Quyết định và Hướng dẫn.