CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Ban hành Sổ tay kiến thức về HIV kháng thuốc

Thứ Ba, 21/01/2025 | 04:48:31 GMT+7

Ban hành Sổ tay kiến thức về HIV kháng thuốc

25/03/2024 | 1890 lượt xem

Kể từ ca nhiễm HIV được phát hiện năm 1990, Việt Nam đã trải qua trên 30 năm phòng, chống căn bệnh thế kỷ này và đạt được các tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát dịch HIV và mở rộng khả năng tiếp cận liệu pháp điều trị thuốc kháng HIV (ARV).

Nhờ tích cực triển khai các can thiệp, phòng, chống HIV/AIDS, số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện đạt đỉnh điểm vào đầu những năm 2000 - 2007 và hiện tiếp tục giảm qua các năm. Ước tính vào cuối năm 2022, toàn quốc có trên 240.000 người nhiễm HIV, trong số này có 86% đã biết tình trạng nhiễm HIV, 80% trong số họ được tiếp cận với điều trị ARV. Tỷ lệ người bệnh điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 96%. Việt Nam đang triển khai đồng bộ các chính sách quốc gia nhằm giảm số nhiễm HIV mới, tăng số người nhiễm HIV nhận biết được tình trạng nhiễm HIV, thúc đẩy tiếp cận điều trị ARV nhanh, điều trị ARV trong ngày và tăng số người nhiễm điều trị ARV đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.
Mặc dù vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức mới trong quá trình chuyển đổi hệ thống tài chính trong cung cấp các dịch vụ điều trị HIV. Từ năm 2019, Bảo hiểm y tế bắt đầu chi trả thuốc ARV điều trị nhiễm HIV. Năm 2020, 2021 Việt Nam đối mặt với dịch bệnh COVID-19. Việc chuyển giao sử dụng dịch vụ điều trị HIV sang BHYT chi trả và tác động của dịch COVID-19 có thể làm gia tăng tình trạng bỏ trị, không tuân thủ điều trị, tăng nguy cơ xuất hiện và lây truyền chủng HIV kháng thuốc. 
Thêm vào đó, việc mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) từ năm 2019 cũng có thể làm gia tăng tình trạng HIV kháng thuốc. 
Trong bối cảnh đó, Dự án “Thiết lập hệ thống phản hồi thông tin từ phòng xét nghiệm tới người bệnh vì một chương trình thuốc kháng vi rút (ARV) bền vững và ngăn ngừa nhiễm HIV mới tại Việt Nam”, thuộc Đối tác nghiên cứu khoa học và công nghệ vì sự phát triển bền vững (SATREPS) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan nghiên cứu và phát triển y tế Nhật Bản (AMED) tài trợ đã được khởi động tại Việt Nam. Dự án được triển khai bởi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (NHTD), Đại học Y Hà Nội và Cục Phòng chống HIV/AIDS (VAAC) với sự hỗ trợ từ Trung tâm lâm sàng AIDS, Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe toàn cầu (ACC, NCGM), Nhật Bản. Trong dự án này, NHTD và 10 phòng khám điều trị HIV tại 10 tỉnh/thành phố đã thiết lập một mạng lưới theo dõi tải lượng HIV (TLHIV) và HIV kháng thuốc (HIVKT) ở người nhiễm HIV đang điều trị ARV và những người mới nhiễm HIV chưa từng điều trị ARV trước đó. Dự án SATREPS đồng thời nghiên cứu sự lây truyền chủng HIV kháng thuốc ở những người mới nhiễm HIV khi đang sử dụng dịch vụ PrEP.
Kết quả cho thấy, đến tháng 3/2022, tỷ lệ HIV kháng thuốc lây truyền (TDR) và HIV kháng thuốc mắc phải (ADR) ở mức thấp lần lượt là 5,0% và 2,5%. Tuy nhiên, một số người nhiễm HIV có tình trạng tải lượng HIV cao dai dẳng hay nhiễm HIV đa kháng thuốc. Đồng thời, có khoảng 30% người nhiễm HIV đang điều trị ARV có tải lượng HIV trên ngưỡng phát hiện, vẫn nhạy cảm với phác đồ điều trị ARV hiện tại. Các trường hơp này cần được tăng cường hỗ trợ tuân thủ điều trị ARV hơn là thay đổi phác đồ ARV.
Sổ tay kiến thức về HIV kháng thuốc được biên soạn dưới sự chủ trì của Cục Phòng chống HIV/AIDS, phối hợp với dự án SATREPS và các chuyên gia HIV trong nước và quốc tế. Thông qua các cuộc thảo luận giữa những người đóng góp về kết quả SATREPS đã mô tả ở trên, cuốn sổ tay kiến thức này được thiết kế như một hướng dẫn giúp các bác sĩ lâm sàng quản lý tốt hơn người nhiễm HIV điều trị ARV nhưng vẫn còn phát hiện HIV trong máu.
Chúng tôi hy vọng sổ tay kiến thức sẽ giúp các chuyên gia y tế tại Việt Nam có được những kiến thức và kỹ năng thực hành lâm sàng cần thiết, góp phần ngăn chặn sự xuất hiện và lây truyền HIV kháng thuốc nhằm đạt được mục tiêu 95-95-95 và chấm dứt bệnh dịch AIDS tại Việt Nam.

 Tải Sổ tay tại đây