Chiều 8/5, tại trụ sở Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có buổi tiếp Ban Lãnh đạo Hội đồng điều hành Quỹ Toàn cầu nhân dịp Hội nghị ban điều hành lần thứ 49 tổ chức tại Việt Nam.
Chiều 8/5, tại trụ sở Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có buổi tiếp Ban Lãnh đạo Hội đồng điều hành Quỹ Toàn cầu nhân dịp Hội nghị ban điều hành lần thứ 49 tổ chức tại Việt Nam.
Cùng dự buổi tiếp của Bộ trưởng Đào Hồng Lan, về phía Bộ Y tế có Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Phan Thị Thu Hương, Lãnh đạo các Vụ,Cục, Văn phòng Bộ, các Viện thuộc, trực thuộc Bộ Y tế.
Về phía Ban Lãnh đạo Hội đồng điều hành Quỹ toàn cầu có bà Lady Roslyn Morauta, Phó Chủ tịch Quỹ Toàn cầu nhiệm kỳ 2020-2022, Chủ tịch Quỹ Toàn cầu nhiệm kỳ 2023-2025; Bà Bience Gawanas, Phó Chủ tịch Quỹ Toàn cầu nhiệm kỳ 2023-2025; Ông Peter Sands, Giám đốc Điều hành Quỹ Toàn cầu; Ông Urban Weber, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á; Ông Olivier Cavey, Giám đốc phụ trách Việt Nam; Bà Maria Danu, Trợ lý Giám đốc; Ông Matthew Morris, Cố vấn Ban Điều hành Quỹ Toàn cầu. Cùng dự còn có Ông Phạm Lê Tuấn, Chủ tịch Ban Điều phối quốc gia Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét tại Việt Nam; Đại diện Liên Hiệp các Hội & Khoa học Kỹ thuật Việt Nam;
Đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam: đại diện Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO); Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS).
Phát biểu chào mừng đoàn công tác thăm và làm việc tại Bộ Y tế Việt Nam, Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ vui mừng khi quan hệ giữa ngành Y tế Việt Nam – Quỹ Toàn cầu đã và đang ngày càng phát triển tốt đẹp; Y tế Việt Nam nhất quán coi trọng Quỹ Toàn cầu là đối tác quan trọng hàng đầu, lâu dài và chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Quỹ Toàn cầu là một trong những tổ chức quốc tế hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động phòng chống AIDS, lao và sốt rét.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, nhiều năm qua, hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa Quỹ Toàn cầu và ngành Y tế Việt Nam có nhiều hiệu quả đáng ghi nhận. Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được tài trợ của Quỹ Toàn cầu từ năm 2003. Tính đến nay, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam hơn 650 triệu USD cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét.
Đồng thời Bộ trưởng cũng cho rằng sau hơn 30 năm kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990, đến nay là năm thứ 15 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí đó là: (1) giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện; (2) giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và (3) giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Trong 20 năm qua, với sự đóng góp to lớn của Quỹ toàn cầu, chương trình phòng chống HIV/AIDS đã dự phòng lây nhiễm HIV cho gần 1 triệu người, cứu được gần 200.000 người không bị tử vong do AIDS.
Mỗi năm, ngân sách của Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ:
- Hơn 120.000 khách hàng tiếp cận các dịch vụ dự phòng HIV;
- Hơn 300.000 khách hàng được tiếp cận xét nghiệm HIV, trong đó có hơn 50.000 phạm nhân trong trại giam;
- Cung cấp toàn bộ 100% thuốc điều trị HIV cho trẻ em nhiễm HIV trên toàn quốc,
- Hỗ trợ thuốc điều trị HIV cho khoảng 50.000 bệnh nhân HIV.
- Điều trị viêm gan C cho hơn 16.000 người nhiễm HIV và người tiêm chích ma túy năm 2022...
Về phòng, chống Lao: Trong 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã cứu sống được khoảng 1 triệu người mắc lao. Chương trình chống Lao quốc gia hiện tại đã triển khai bao phủ được 100% số quận huyện và 100% số xã, phường trên toàn quốc, 100% dân số được tiếp cận với chương trình phòng, chống Lao. Nguồn kinh phí từ Quỹ Toàn cầu cùng các nguồn ngân sách của Việt Nam đã được sử dụng tối ưu để tăng cường chất lượng trên tất cả các lĩnh vực từ chẩn đoán, điều trị, cung cấp hệ thống máy GeneXpert trên toàn quốc, hệ thống X-quang di động được cung cấp để thực hiện hoạt động phát hiện chủ động và đặc biệt là nguồn thuốc điều trị Lao hàng hai để điều trị cho nhóm bệnh nhân Lao kháng thuốc.
Về phòng chống Sốt rét: Vào những năm 1991, toàn quốc ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc sốt rét, gần 5.000 ca tử vong và gần 150 vụ dịch, nhưng đến hết năm 2022 chỉ còn hơn 400 ca mắc sốt rét (giảm trên 90%), không có dịch sốt rét và không còn trường hợp tử vong do sốt rét. Việt Nam đã có 42/63 tỉnh loại trừ được sốt rét. Nhà nước cũng đầu tư ngân sách cho công tác phát hiện, chẩn đoán sốt rét sớm, điều trị kịp thời trên toàn quốc. Đạt được những thành công như vậy nhờ có sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu thông qua các hoạt động phòng chống sốt rét như: cung cấp hơn 3 triệu màn đôi, màn đơn, cung cấp hàng trăm kính hiển vi, hàng nghìn máy vi tính để phục vụ hệ thống phát hiện chẩn đoán sốt rét sớm, điều trị kịp thời.
Cuối năm 2022, Quỹ Toàn cầu đã thông báo trong giai đoạn 2024-2026 sẽ tiếp tục tài trợ cho Việt Nam trên 130 triệu USD để phòng chống 3 bệnh này và tăng cường hệ thống y tế…
Đặc biệt, Quỹ Toàn cầu đã kịp thời chung tay với Việt Nam để giảm thiểu tác động của dịch bệnh COVID-19 ngay thời điểm dịch bùng phát bao gồm: cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán và điều trị COVID-19, trang bị phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, kiểm soát lây nhiễm, đảm bảo duy trì các dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.
"Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin được bày tỏ sự cảm ơn và trân trọng những tình cảm tốt đẹp mà các bạn đã dành cho Việt Nam" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan và Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương trao tặng quà cho bà Lady Roslyn Morauta
Trao đổi với bà Lady Roslyn Morauta và các thành viên của Ban Lãnh đạo Hội đồng điều hành Quỹ toàn cầu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm: Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam luôn chỉ đạo mạnh mẽ đối với công tác phòng, chống AIDS, lao và sốt rét, cụ thể như: Nghị Quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2030 là "Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ Sốt rét"; Về phòng, chống HIV/AIDS Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người;
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, ngày 14/08/2020; Về phòng, chống bệnh lao: Quyết định số 374/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Về phòng, chống bệnh sốt rét: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1920/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030…
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đề nghị Quỹ Toàn cầu cũng như Chính phủ các nước, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm ủng hộ Việt Nam cả về tài chính và kỹ thuật; giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với khoa học kỹ thuật, các sáng kiến mới, các thực hành tốt từ đó giúp Việt Nam có thể duy trì các thành quả đã đạt được, đồng thời đạt được các mục tiêu đã đề ra trong việc chấm dứt dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét…
Về phía Bộ Y tế Việt Nam cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Quỹ toàn cầu, các đơn vị liên quan trong điều phối, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư; Tiếp tục nỗ lực tăng nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban ngành đoàn thể trong việc nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở, đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế, đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế
"Với tinh thần đó, chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ Quỹ Toàn cầu và Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp thực hiện được mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS, lao và loại trừ sốt rét trong thời gian tới, góp phần cùng cộng đồng quốc tế kiểm soát thành công các dịch bệnh này" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bà Lady Roslyn Morauta, Phó Chủ tịch Quỹ Toàn cầu nhiệm kỳ 2020-2022, Chủ tịch Quỹ Toàn cầu nhiệm kỳ 2023-2025; Bà Bience Gawanas, Phó Chủ tịch Quỹ Toàn cầu nhiệm kỳ 2023-2025; Ông Peter Sands, Giám đốc Điều hành Quỹ Toàn cầu tại Bộ Y tế Việt Nam
Về hội nghị lần thứ 49 của Hội đồng điều hành Qũy Toàn cầu được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 10/5/2023 tại KS. Melia Hà Nội, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam vinh dự được đăng cai tổ chức Hội nghị. Hiện công tác chuẩn bị đã được hoàn thành.
Cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét
Bà Lady Roslyn Morauta, Phó Chủ tịch Quỹ Toàn cầu trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Đào Hồng Lan và các thành viên phía Bộ Y tế đã dành thời gian tiếp bà cùng phái đoàn của quỹ và cùng trao đổi tích cực, hiệu quả các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Phó Chủ tịch Quỹ Toàn cầu gửi lời chúc mừng Bộ trưởng và Bộ Y tế về những thành tựu của Bộ Y tế đạt được trong phòng chống HIV/AIDDS, sốt rét, lao trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 hơn 3 năm qua.
"Tôi đánh giá cao những thành tựu của Chính phủ Việt Nam trong phòng chống AIDS, lao và sốt rét khi tỷ lệ tử vong do bệnh AIDS và ca nhiễm HIV mới giảm; bệnh lao, sốt rét tiến tới loại trừ tại Việt Nam"- bà Lady Roslyn Morauta nhấn mạnh.
Đồng thời bà cũng khẳng định: "Chúng tôi tự hào vì được đồng hành và là đối tác cùng các bạn. Thành tựu các bạn đạt được rất lớn lao. Chúng tôi rất ấn tượng với biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam. Hợp tác giữa Quỹ Toàn cầu và Bộ Y tế Việt Nam là một ví dụ điển hình về mối quan hệ hợp tác cần phải như thế nào, đặc biệt là trong thực hiện các biện phòng chống dịch bệnh".
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chụp ảnh lưu niệm cùng bà Lady Roslyn Morauta và các thành viên của Ban Lãnh đạo Hội đồng điều hành Quỹ toàn cầu tại Bộ Y tế
Ông Peter Sands, Giám đốc Điều hành Quỹ Toàn cầu bày tỏ ấn tượng bởi chính sách mua thẻ BHYT cho người bị HIV, sử dụng BHYT để cấp phát thuốc cho người có HIV. Cùng đó là các kết quả rất ấn tượng về phòng chống sốt rét và phòng chống lao của Việt Nam.
Trong bối cảnh các nguồn lực viện trợ ngày càng giảm, đại diện Quỹ Toàn cầu cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các giải pháp khác nhau nhằm duy trì bền vững các kết quả đã đạt được trong dự phòng, chẩn đoán, điều trị những người bị nhiễm HIV/AIDS, mắc các bệnh lao, sốt rét...